Quân khu 2 – Hạnh phúc vẹn tròn của gia đình quân nhân hiếm muộn

QK2 –  Ngày cháu Dương Quốc Khánh chào đời, vợ chồng tôi hạnh phúc vô bờ. Con trai đầu lòng chính là động lực để vợ chồng tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời từ chỉ huy đơn vị, Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng – Đó là chia sẻ của Thượng uý QNCN Dương Thế Trung, Nhân viên quân khí thuộc Phòng Hậu cần – Kỹ thuật, Đoàn KT- QP 379.

Một ngày cuối tháng 7, gia đình Thượng úy QNCN Dương Thế Trung, Nhân viên quân khí thuộc Phòng Hậu cần- Kỹ thuật, Đoàn KT- QP 379 tại bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên) rộn rã đón khách đến chơi. Bên ấm trà nóng, Trung kể với chúng tôi câu chuyện về tổ ấm của mình. Tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật quân khí, năm 2006 anh lên biên giới nhận công tác tại Đoàn KT- QP 379. Gắn bó với bà con thôn, bản, qua nhiều lần tham gia hoạt động kết nghĩa Thế Trung đem lòng thương mến chị Bùi Thị Mai, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Mường Chà (Mường Chà, Điện Biên). Nhờ vun vén từ hai bên gia đình, người thân, đồng đội, Thế Trung nên duyên cùng cô giáo Bùi Thị Mai vào mùa hoa cải trắng nở rộ, đầu tháng 12- 2011. Vợ chồng anh lựa chọn bản Nậm Chim 1 là nơi xây tổ ấm.

  

Tổ ấm gia đình Thượng uý QNCN Dương Thế Trung, Đoàn KT- QP 379.

Thế nhưng, hạnh phúc gia đình vợ chồng anh Trung không vẹn tròn như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Vợ anh không thể có thai sau một lần bị xảy. Đưa vợ đi khám, điều trị ở nhiều nơi, song đều không cho kết quả. Theo lời giới thiệu từ người thân Trung đón xe từ Si Pa Phìn đưa vợ xuống Thủ đô thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Các bác sĩ kết luận chị Mai bị viêm niêm mạc tử cung cần tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, vợ chồng anh quyết định đến khám, tư vấn và sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội. Nhờ phác đồ điều trị tích cực của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, tháng 9- 2020, vợ chồng anh Trung vỡ oà hạnh phúc đón cháu trai đầu lòng bụ bẫm, khoẻ mạnh. Quá trình điều trị hiếm muộn, Thượng uý QNCN Dương Thế Trung nhận được sự động viên, giúp đỡ từ chỉ huy đơn vị, đồng đội. Vợ chồng anh còn được Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em (DS, GĐ&TE) Bộ Quốc phòng hỗ trợ 42 triệu đồng. 

Tổ ấm gia đình Đại uý Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 82 (Ảnh gia đình cung cấp).

Có mặt trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, chúng tôi còn được biết đến một hoàn cảnh khác tương tự. Chuyện là: Đại uý Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 82, nên duyên cùng chị Nguyễn Thị Lan Anh, nhà ở TP Điện Biên Phủ vào mùa Thu, năm 2013. Không có tín hiệu mừng sau kết hôn, vợ chồng anh chữa trị bằng thuốc đông y, cắt thêm nhiều thang thuốc bổ, nhưng cũng không thể có con theo ý muốn. Gần 5 năm điều trị trong hy vọng, tháng 8- 2018 vợ chồng anh quyết định tìm đến Bệnh viện Bưu điện Hà Nội để được tư vấn, điều trị. Hưởng trọn niềm vui khi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thành công, tháng 5-2019 vợ chồng anh đón cháu trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Đại uý Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ: “Sau nhiều năm mong mỏi, đợi chờ, cứ hễ ai mách có bài thuốc tốt, hay cách chữa trị hiệu quả là vợ chồng tôi lại tìm đến. Niềm mong mỏi có con trở thành hiện thực khi chúng tôi quyết định tìm đến Bệnh viện Bưu điện Hà Nội”. Ngồi bên cạnh chồng, chị Lan Anh trải lòng: “Ngày đón bé Nguyễn Phúc Thịnh chào đời, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Có được tổ ấm như hôm nay, bên cạnh quyết tâm của hai vợ chồng, gia đình tôi còn được Uỷ ban DS, GĐ&TE trong Quân đội hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ từ đơn vị của anh”.  

Đại tá Nguyễn Văn Huân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT- QP 379 cho rằng: “Chủ trương hỗ trợ gia đình quân nhân hiếm muộn, nhất là với những đồng chí đang công tác ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện làm việc đặc thù mà Bộ Quốc phòng thực hiện nhiều năm qua là một chủ trương giàu tính nhân văn. Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn KT- QP 379 luôn thấu hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thời gian giúp các quân nhân trong đơn vị thêm thuận lợi để điều trị hiếm muộn”. Cùng chung quan điểm, Thượng tá Cao Xuân Thành, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung đoàn 82 cho rằng: “Quân nhân hiếm muộn thường là sĩ quan trẻ hoặc QNCN có quân hàm thấp, cuộc sống anh em còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí điều trị rất tốn kém. Việc hỗ trợ kinh phí từ Uỷ ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng đã tiếp thêm động lực, niềm hy vọng để các cặp vợ chồng có được hạnh phúc vẹn tròn”.

Có thể thấy, những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời gian qua cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu có quân nhân hiếm muộn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quân khu tiến hành rà soát chặt chẽ hồ sơ để có những biện pháp đề nghị hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đó không chỉ là hạnh phúc của mỗi gia đình quân nhân hiếm muộn mà còn là niềm vui chung của các cơ quan, đơn vị. Theo thống kê, trong 2 năm 2020 và 2021, Ủy ban DS, GĐ&TE Quân khu 2 đã đề nghị Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho hơn 30 quân nhân hiếm muộn, trong đó hỗ trợ điều trị kỹ thuật cao là 50 triệu đồng/trường hợp, nhiều đồng chí được hỗ trợ điều trị 2 lần, với tổng kinh phí không hề nhỏ. Đợt 1 năm 2022 Uỷ ban DS, GĐ&TE Quân khu 2 thẩm định hồ sơ và đề nghị cấp trên hỗ trợ cho 4 trường hợp. Nhờ đó quân nhân hiếm muộn sẽ có thêm động lực, niềm tin, để mỗi quân nhân luôn an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG