Quân khu 2 – Sơn La quan tâm đào tạo lưu học sinh Lào

QK2 – Dù xa gia đình, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa… nhưng với mỗi học sinh, sinh viên, cán bộ Lào đã và đang học tập trên đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đều là quãng thời gian khó có thể quên. Họ không chỉ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cho nước Bạn Lào, mà còn là những “hạt nhân” góp phần gắn kết, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.

Các lưu học sinh Lào học Tiếng Việt tại Trường Đại học Tây Bắc.

Khó khăn nhất đối với các lưu học sinh Lào khi sang Việt Nam học tập là bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen với môi trường học tập, môi trường sống. Khó khăn này đã được khắc phục bởi sự tận tâm của giáo viên, cùng những cách làm sáng tạo của các nhà trường, như: Mô hình “đôi bạn Việt – Lào” (mỗi sinh viên Việt Nam hỗ trợ một lưu học sinh Lào); thành lập đội sinh viên tình nguyện gồm sinh viên Việt Nam, các lưu học sinh Lào khóa trước và cử giảng viên phụ trách công tác hỗ trợ lưu học sinh học tiếng Việt; học và thực hành tiếng Việt qua bài hát; tham quan các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…

Giảng viên Trường Đại học Tây Bắc (người ngồi giữa) trò chuyện với lưu học sinh Lào sau giờ lên lớp.

Bạn Chên Ny Ma Lay Sản đến từ tỉnh Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào) đang học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sơn La chia sẻ: Trước khi sang Việt Nam, tôi cảm thấy lo lắng và hồi hộp vì chưa biết cuộc sống và việc học tập sẽ thế nào. Đến Sơn La, được sự quan tâm của các giảng viên, sau hơn 5 tháng học tiếng Việt, tôi đã có thể nghe, nói, đọc, viết. Các thầy cô giáo đã có nhiều phương pháp giúp tôi có thể tiếp thu bài và thường giải thích bằng tiếng Lào để dễ hiểu hơn.

Bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, các cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Sơn La đã đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và đào tạo chuyên môn; chủ động bồi dưỡng tiếng Lào để giảng dạy, giao tiếp, hỗ trợ lưu học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm trong các ngày lễ lớn của hai nước để lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam cùng giao lưu, trải nghiệm, bồi dưỡng kiến thức.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La cho biết: Từ năm 2001 đến nay, Trường Cao đẳng Sơn La đã tổ chức 20 khóa đào tạo Tiếng Việt và chuyên ngành cho gần 3.000 lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào. Cùng với đó, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lưu học sinh như chi trả kinh phí hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo đúng, đủ, kịp thời; miễn phí chỗ ở tại ký túc xã, hỗ trợ tiền điện, nước; đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, để các em được thực hiện chế độ khám chữa bệnh khi có nhu cầu…

Lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Sơn La trải nghiệm gói bánh chưng.

Lưu học sinh Lào học tập tại Trường Cao đẳng Sơn La chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền Bunpimay tại Sơn La.

Tại Trường Đại học Tây Bắc, các chuyên ngành được sinh viên Lào theo học rất đa dạng, phổ rộng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, các ngành kinh tế, sư phạm… Trong quá trình đào tạo, mỗi khoa của nhà trường đều có giải pháp riêng để hỗ trợ lưu học sinh như: Khoa Khoa học xã hội cử sinh viên Việt Nam hỗ trợ học tập ngoài giờ lên lớp; tổ chức các buổi ngoại khoá tiếng Việt và văn hóa Việt – Lào giúp các em được trải nghiệm và thực hành tiếng Việt, mở rộng những hiểu biết về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam. Khoa Kinh tế hỗ trợ hình thành các nhóm sinh viên Việt – Lào giúp đỡ nhau học tập, sinh viên Việt Nam kèm cặp lưu học sinh Lào, những lưu học sinh Lào học tốt giúp đỡ lưu học sinh Lào chưa biết phương pháp học tập tốt. Khoa Nông – Lâm hướng dẫn về việc lập kế hoạch, thời khóa biểu học tập và sinh hoạt cho lưu học sinh; hướng dẫn sử dụng thẻ thư viện, cách mượn và sử dụng các tài liệu có trên thư viện.

Một tiết mục thi văn nghệ tại Ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Lào.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tây Bắc chia sẻ: Trong mỗi năm học, các khoa đã nhanh chóng triển khai kế hoạch của nhà trường và các công tác liên quan đến lưu học sinh Lào. Xây dựng đội ngũ cố vấn học tập chú trọng tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm lý, tư tưởng, phản ánh kịp thời với Khoa về các vấn đề liên quan; tổ chức nghiêm túc công tác thi, kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của lưu học sinh theo kế hoạch, chương trình đào tạo của Nhà trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý luôn được chú trọng, đảm bảo an ninh, an toàn cho lưu học sinh Lào trong quá trình đi lại và học tập tại Việt Nam.

Gặp em Xúc Sạ Vẳn Lao Ly, K59 Giáo dục chính trị, Trường đại học Tây Bắc, cùng các bạn đến tham quan, tìm hiểu tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, em chia sẻ: Đến Sơn La học tập, chúng em luôn được nhà trường tạo điều kiện học tập và rèn luyện tốt nhất, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao; tham quan di tích lịch sử… Sau này, khi tốt nghiệp ra trường, về nước, em sẽ mang những kiến thức của mình được học tại Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp; góp phần xây dựng, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt.

Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sơn La trao Chứng chỉ Tiếng Việt bậc 4 cho lưu học sinh Lào.

Thực hiện biên bản ký kết giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, từ năm 1969 đến nay, tỉnh Sơn La đã đào tạo giúp các tỉnh Bắc Lào hàng nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh nước CHDCND Lào thì hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nội dung hợp tác trụ cột, luôn được tỉnh Sơn La quan tâm, coi trọng và cũng là nội dung hợp tác đạt được kết quả tốt, được 9 tỉnh nước CHDCND Lào đánh giá cao. Lưu học sinh được cử đi học tại tỉnh Sơn La là học sinh thuộc diện dự kiến nguồn tuyển dụng vào công tác trong bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý. Điều đó cho thấy sự tin tưởng rất đáng trân trọng mà các tỉnh bạn dành cho tỉnh Sơn La và cũng phản ánh những nỗ lực cũng như kết quả rất tích cực trong hoạt động hợp tác về giáo dục, đào tạo nói riêng và quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh nước CHDCND Lào.

Nhiều thế hệ lưu học sinh Lào hoàn thành chương trình đào tạo trở về nước đã phát huy được năng lực, vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng nghề nghiệp, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước Lào. Góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng của hai quốc gia Việt – Lào.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG