Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay có xu hướng sử dụng các bài kiểm tra đối với các ứng viên để sàng lọc những bạn tiềm năng cho các vị trí phụ hợp. Aptitude Test là một trong những bài kiểm tra được sử dụng phổ biến trong thị trường tìm kiếm việc làm hiện nay.
Tuy nhiên, aptitude test còn khá mới lạ và nhiều người chưa hiểu rõ aptitude test là gì và mục đích chính khi sử dụng bài test này trong phỏng vấn để làm gì.
Aptitude test là gì?
Aptitude test là bài kiểm tra năng lực và là một hình thức đánh giá tâm lý, được sử dụng để đo điểm mạnh tự nhiên của một người nào đó trong một lĩnh vực nhất định. Aptitude test khác với một bài kiểm tra kiến thức chuyên môn ở chỗ nó không yêu cầu sự quen thuộc với một chủ đề cụ thể.
Thay vào đó, Aptitude test sẽ xem xét các kỹ năng vốn có của bạn và khả năng áp dụng chúng trong các tình huống bất ngờ. Aptitude test thường thuộc một trong hai loại: bài kiểm tra khả năng và bài kiểm tra hành vi.
Loại đầu tiên tập trung vào chức năng nhận thức, đo lường các kỹ năng như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Loại thứ hai khám phá tính cách của bạn, phong cách làm việc ưa thích, và khả năng phán đoán tình huống.
Tại sao và khi nào thì dùng Aptitude test?
Trong cuộc sống hàng ngày, Aptitude test luôn được sử dụng rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, bài test này không chỉ dùng trong quá trình tuyển dụng nhân viên của doanh nghiệp mà còn dùng trong giáo dục.
Mục đích sử dụng của Aptitude test
Mục đích chính của aptitude test là xác định năng lực của bạn. Thay vì nhìn vào những gì bạn biết, aptitude test sẽ hỗ trợ nhà tuyển dụng xem xét năng lực học tập của bạn và khả năng làm việc với các thông tin mới có hiệu quả hay không. Điều này cho thấy các khả năng của bạn hoạt động tốt như thế nào trong một tình huống cụ thể.
Các bài kiểm tra năng khiếu cũng được thiết kế để công bằng cho tất cả ứng viên. Đối với aptitude test, bạn không cần có các kỹ năng hoặc kiến thức chuyên ngành để làm tốt bài aptitude test.
Bài kiểm tra cho phép nhà tuyển dụng so sánh không dựa trên bằng cấp hoặc kinh nghiệm mà dựa trên tiềm năng trong tương lai của bạn.
Khi nào bạn cần đến Aptitude test?
Có hai cơ sở chính trong đó các bài kiểm tra năng khiếu thường được thực hiện: trong quá trình giáo dục và trong quá trình lựa chọn các ứng viên khi tuyển dụng chuyên nghiệp.
Trong trường hợp đầu tiên, các bài kiểm tra năng khiếu có thể được sử dụng để giúp đưa ra các quyết định về con đường học tập của học sinh.
Ví dụ, học sinh làm aptitude test để xác định học sinh có phù hợp với chương trình giáo dục và nắm rõ các nội dung bài hay không. Bên cạnh đó, aptitude test cũng có thể được thực hiện để giúp bạn xác định các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp dựa trên khả năng tự nhiên của bạn.
Tuy nhiên, aptitude test được sử dụng phổ biến nhất trong các quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng sử dụng aptitude test để đo lường các kỹ năng khó đánh giá thông qua CV và Resume cũng như các cuộc phỏng vấn, đồng thời so sánh tiềm năng của các ứng viên.
Một số nhà tuyển dụng tổ chức các aptitude test để phát triển nghề nghiệp của nhân viên, nhằm xác định các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp phù hợp với từng người.
Các dạng aptitude test thường gặp
Có rất nhiều loại aptitude test trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng Glints đã tổng hợp cho bạn một số loại aptitude test thường gặp nhất dưới đây.
Numerical Reasoning Test – Kiểm tra khả năng tính toán
Numerical Reasoning Test là bài test để kiểm tra khả năng tính toán của bạn dựa trên những con số. Bài test sẽ bao gồm những câu hỏi từ đơn giản đến nâng cao liên quan đến toán học và số học.
Numerical reasoning test là bài kiểm tra được các nhà tuyển dụng ưu tiên chọn lựa nhiều nhất và bạn cần vượt qua bài kiểm tra này trong quá trình phỏng vấn.
Bài test được sử dụng cho nhiều cấp bậc vị trí công việc khác nhau, không chỉ dành cho các bậc quản lý cấp cao mà còn cho các bạn sinh viên mới ra trường, trong cả lĩnh vực quản lý, hành chính và quản trị sales.
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được khả năng đọc hiểu và xử lý các số liệu của bạn thông qua bài kiểm tra. Khi làm numerical reasoning test, bạn cần tập trung cao độ để tránh sai sót số liệu và đáp án, cũng như cần cẩn thận kiểm tra kỹ càng các kết quả trước khi nộp.
Verbal Reasoning Test – Kiểm tra khả năng tư duy ngôn ngữ
Đây là bài test cho phép các nhà tuyển dụng kiểm tra khả năng tư duy ngôn ngữ của ứng viên, bao gồm các kỹ năng Đọc hiểu, Tư duy và Phân tích, và toàn bộ bài test sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh.
Bài test bao gồm các phần như sau:
- Vocabulary – Từ vựng: phần thi này sẽ kiểm tra sự phong phú trong việc sử dụng vốn từ vựng của bạn và khả năng sử dụng từ ngữ thích hợp cho các tình huống khác nhau và được lồng ghép dưới nhiều dạng câu hỏi.
- Grammar – Ngữ pháp: bạn sẽ được yêu cầu chọn lựa các câu ngữ pháp đúng hoặc hoàn thành một câu đang dang dở để thích hợp với ngữ cảnh đề đưa ra.
- Comprehension – Đọc hiểu: bài kiểm tra sẽ đưa ra một đoạn văn bản, thí sinh sẽ đọc và trả lời các câu hỏi có liên quan đến nội dung trong đoạn văn đã được cho.
- Critical Reasoning – Suy luận: phân tích các thông tin trong đoạn văn bản được cho để quyết định câu hỏi là đúng hay sai. Bạn sẽ phải hiểu và suy luận từ các thông tin từ đề bài và điền câu trả lời thích hợp
Diagrammatic Reasoning Test – Kiểm tra về biểu đồ
Dạng bài test này sẽ đưa ra các hình ảnh và nhiều đáp án khác nhau để bạn suy luận các quy luật và lựa chọn đáp án phù hợp. Dạng câu hỏi này khá phổ biến trong aptitude test để kiểm tra khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và logic của bạn.
Dạng test này thường được sử dụng khi bạn ứng tuyển vào các vị trí đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy logic tốt.
Profile Games
Đây là một hình thức kiểm tra khá mới và chưa được phổ biến. Bài kiểm tra này thường được áp dụng khi tuyển dụng Management Trainee. Một số games sẽ được thiết kế vào trong bài thi online một cách sống động và không gây sự nhàm chán như các bài kiểm tra giấy thông thường.
Thông qua Profile games, nhà tuyển dụng sẽ nhìn được nhiều khía cạnh kỹ năng của bạn như giải quyết tình huống, khả năng sử dụng ngôn ngữ, hay kỹ năng lãnh đạo, v.v.
Situational Judgement Test – Kiểm tra khả năng xử lý tình huống
Situational Judgement Tests (SJTs) đây là bài kiểm tra để đánh giá các ứng viên khi gặp các tình huống bất ngờ trong công việc hàng ngày. Các tình huống được đặt ra dựa trên các tình huống có thật tại nơi công sở như các xung đột, mâu thuẫn hay áp lực công việc lớn.
Tuỳ vào từng ngành nghề, mà SJTs sẽ được điều chỉnh để phù hợp chứ không quá tập trung vào bất kì kỹ năng nào.
Đọc thêm: Các Loại Trắc Nghiệm Tính Cách Sử Dụng Trong Tuyển Dụng
Bí kíp vượt qua aptitude test dễ dàng
Các bài aptitude test có phần khó để đánh giá chuẩn xác nhất năng lực làm việc của bạn. Chính vì thế, dưới đây là một số bí kíp để vượt qua bài kiểm tra năng khiếu một cách dễ dàng.
Thực hành hàng ngày
Luyện tập các bài test hàng ngày sẽ là bí kíp vượt qua nó hiệu quả nhất. Nếu bạn thực hành các bài đánh giá thường xuyên, bạn sẽ quen với các dạng câu hỏi có thể xảy ra và nhiều chủ đề khác nhau.
Bạn sẽ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình để cải thiện. Vì đã làm nhiều lần nên bạn cũng sẽ nhanh hơn trong việc trả lời các câu hỏi trong bài kiểm tra.
Thông qua luyện tập hàng ngày, thí sinh sẽ nâng cao cơ hội đạt điểm cao và tự tin hơn trong quá trình đánh giá. Bạn có thể tham khảo một số nhà cung cấp Aptitude test uy tín dưới đây:
- SHL: SHL test là gì? SHL là công ty quốc tế có mặt trên hơn 50 quốc gia và cung cấp các bài kiểm tra với hơn 30 ngôn ngữ.
- CAPP: đây là nhà cung cấp các gói năng lực để có thể kiểm tra khả năng phân tích, suy luận, đọc hiểu và các kỹ năng kỹ thuật.
- Kenexa: công ty IBM chuyên cung cấp các bài test dịch vụ tuyển dụng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp.
Hiểu rõ dạng bài test
Bạn nên hiểu rõ các dạng bài test của aptitude test để dễ dàng chuẩn bị cho bài kiểm tra và những nội dung có thể ra khi kiểm tra.
Bài kiểm tra sẽ được chia thành những phần nào, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài là bao nhiêu. Đây là những yếu tố quan trọng cần biết để giảm rủi ro sai sót nhiều nhất có thể.
Đọc kỹ hướng dẫn
Điều này có vẻ không cần phải bàn cãi nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc rất kỹ các hướng dẫn được đưa ra trong bài kiểm tra để đảm bảo bạn hiểu rõ nội quy bài thi và thời gian làm bài.
Nếu có điều gì không rõ ràng, bạn cần hỏi lại ngay lập tức. Đọc kỹ bài kiểm tra sẽ giúp quản lý thời gian của bạn hiệu quả hơn rất nhiều.
Làm test liên quan đến ngành bạn muốn theo đuổi
Có rất nhiều bài aptitude test khác nhau sử dụng các phương pháp đánh giá khác nhau. Vì thế, bạn nên ứng tuyển vào các vị trí bạn mong muốn và làm các bài test liên quan đến ngành bạn muốn theo đuổi.
Quản lý tốt thời gian
Các bài aptitude test thường khá căng thẳng để hoàn thành tất cả các câu hỏi. Do đó, bạn cần học cách tự kiểm tra tốc độ làm bài bằng cách thực hành bài kiểm tra trước.
Vào ngày đánh giá, hãy bắt đầu với những câu hỏi dễ nhất trước vì điều này sẽ giúp bạn có thêm thời gian cho những câu hỏi khó hơn.
Đọc thêm: 10 Kỹ Năng Phỏng Vấn Xin Việc Bạn Cần Phải Biết
Lời kết
Trên đây là bài viết của Glints về khái niệm về aptitude test là gì và một số các loại aptitude test thường gặp trong quá trình tuyển dụng và phỏng vấn. Bạn luôn cần chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt đầu kiểm tra để đạt được kết quả tốt nhất.
Tác Giả