Bảo Hiểm Thất Nghiệp Là Gì? Những Quy Định Về Bảo Hiểm Thất Nghiệp Năm 2022 Bạn Cần Biết

Hiện tại, bạn đã có việc làm, cộng thêm vốn kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có thì tham gia bảo hiểm để làm gì? Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình gì và tại sao nó lại quan trọng? 

Nếu bạn cũng đang có cùng thắc mắc này, những thông tin hữu ích trong bài viết sau đây sẽ giải đáp nỗi phân vân của bạn.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một loại thuộc bảo hiểm xã hội. 

Với chế độ hưởng lương hưu và hỗ trợ thu nhập khi mất việc, đây chính là nguồn hỗ trợ đắc lực dành cho những ai còn gặp khó khăn khi trong quá trình tìm việc làm. 

Trong quãng thời gian chờ đợi và tìm kiếm một công việc mới, bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ cho người lao động một phần chi phí sinh hoạt hằng ngày, cũng như tạo cơ hội học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.

Đọc thêm: Các Loại Bảo Hiểm Bắt Buộc Người Lao Động Cần Biết

Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 là gì? 

Có một điều bạn có thể dễ dàng nhận thấy giữa hàng loạt tin báo đài hiện nay: Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế và đời sống xã hội, vô vàn công ty giải thể và cắt giảm nhân sự, tình trạng thất nghiệp cũng vì thế ngày một tăng cao.

Theo thông cáo báo chí từ Tổng cục thống kê, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã đẩy số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 lên tới hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. 

Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 là gì? 
© Pexels.com

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều địa phương cũng đã vượt xa con số 2% thông thường, báo động đỏ cho “một năm kinh tế buồn” của Việt Nam.

Lúc này, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính là chiếc phao cứu sinh vô cùng hữu ích cho hàng triệu người lao động thất nghiệp tại thời điểm khó khăn hiện tại, bù đắp phần nào cho khoản tài chính ít ỏi của họ khi bị mất việc làm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy sự góp sức quan trọng của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với hỗ trợ tài chính cho người lao động vào nửa cuối năm 2021 vừa qua (1/10/2021 – 31/12/2021) – cụ thể là nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ với tổng chi khoảng 30.000 tỷ đồng, và số tiền có thể lên tới 3.300.000/ cá nhân dựa vào thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đọc tới đây bạn đã hình dung ra được tầm quan trọng của BHTN là gì chưa?

Đọc thêm: Làm gì khi thất nghiệp

Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là ai?

Điều kiện bắt buộc của việc tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Có phải chỉ những người thất nghiệp mới phải đăng ký bảo hiểm hay không? Câu trả lời là hoàn toàn KHÔNG nhé.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, bảo hiểm thất nghiệp là BẮT BUỘC cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Dù là một nhân viên bình thường, trưởng phòng, hay giám đốc đi nữa thì tất cả đều phải có bảo hiểm này.

Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là ai?
© Pexels.com

Về cụ thể, đối tượng tham gia loại bảo hiểm này bao gồm:

  1. Người lao động đang làm việc theo các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
  1. Người sử dụng lao động: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; các tổ chức liên quan tới chính trị – xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, người lao động đang trong tình trạng hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức hàng tháng nhưng tiếp tục đi làm thêm có hợp đồng lao động thì sẽ không thuộc diện bắt buộc phải tham gia.

Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Vì một số lý do, bạn chưa tìm được công việc như ý. Bạn vẫn vất vả tìm chỗ làm, rải hồ sơ và cùng lúc phải đối phó với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Lúc này, bảo hiểm thất nghiệp sẽ là vị cứu tinh giải quyết một phần những khó khăn đó. Bạn sẽ được hưởng những quyền lợi sau:

  • Nhận trợ cấp thất nghiệp.
  • Được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
  • Hỗ trợ học nghề.
  • Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Hạn mức đóng mỗi tháng là bao nhiêu?

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 cũng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn Pháp lý khác.

Về cụ thể, hạn mức hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động được tính như sau:

  • Người lao động đóng 1% tiền lương tháng

Theo đó, tiền lương bạn cần đóng hàng tháng cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của bạn (theo Điều 58, Luật Việc làm). 

  • Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ vào Điều 44, Luật Việc Làm, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ lúc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

Vậy nên, hãy đảm bảo doanh nghiệp bạn ứng tuyển sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này để đảm bảo quyền lợi của mình trước khi ký kết hợp đồng nhé!

Cách tính mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Đây chắc hẳn là phần mà nhiều người quan tâm nhất khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Cách tính bảo hiểm thất nghiệp chính xác là gì? Sau khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), mức trợ cấp bạn sẽ nhận được là gì? 

Cách tính đơn giản và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều 50, Luật Việc Làm quy định như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn sẽ được tính dựa vào số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo đó, với số tháng đóng từ 12-36 tháng, bạn sẽ được hưởng tương đương 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ mỗi 12 tháng tiếp tục, bạn sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Tuy nhiên, mức tối đa sẽ chỉ dừng lại đủ 12 tháng mà thôi.

Bên cạnh đó, thời điểm hưởng trợ cấp sẽ tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cách tính đơn giản và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
© Pexels.com

Để Glints cho bạn một ví dụ để dễ hình dung nhé:

Chẳng hạn như, mức lương bình quân của bạn là 8.000.000 đồng trong 6 tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp. Thời gian bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 50 tháng. 

Theo đó, bạn sẽ được hưởng: 3 tháng (36 tháng đầu tiên tham gia) + 1 tháng (12 tháng sau) = 4 tháng hưởng trợ cấp.

Còn lại 2 tháng (tương ứng 50 tháng – 36 tháng – 12 tháng), bạn sẽ được cộng dồn cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau.

Với cách tính như trên, bạn sẽ nhận được mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của 4 tháng trợ cấp với mức trợ cấp hàng tháng là: 60% x 8.000.000 đồng = 4.800.000 đồng.

Mức trợ cấp tối đa bạn được nhận là gì?

Song, mức hưởng này sẽ không được quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. 

Theo dự kiến, mức lương cơ sở năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân, viên chức nhà nước sẽ có mức trợ cấp tối đa là 7,45 triệu đồng/tháng. 

Đối với người lao động theo chế độ lương do Doanh nghiệp quyết định, mức trợ cấp sẽ không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng – hiện tại vẫn sẽ không thay đổi so với mức quy định ở năm 2021 (Tham khảo bảng bên dưới). 

mức lương tối thiểu vùng và mức trợ cấp thất nghiệp tối đa năm 2022

Bạn cần làm gì để được hưởng số tiền trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp?

Hãy lưu ý kỹ những điều sau để có thể nhận được tiền trợ cấp sau khi thất nghiệp bạn nhé:

  • Ngay sau khi chấm dứt hợp đồng với công ty, đừng quên lấy về Sổ bảo hiểm và Giấy quyết định nghỉ việc có chữ ký từ chủ doanh nghiệp.
  • Trong thời hạn 3 tháng sau đó, bạn cần nộp hộp sơ hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Trong thời hạn 20 ngày sau khi trung tâm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định bạn có đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp hay không. Trong vòng 5 ngày sau khi có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ thực hiện việc chi trả khoản tiền này cho bạn (Điều 46, Luật Việc Làm).

Điều kiện để bạn được xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Về cơ bản, bạn sẽ được duyệt hưởng trợ cấp khi chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, ngoại trừ các hợp sau theo Điều 49, Luật Việc Làm:

  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
  • Không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; hoặc trong vòng 36 tháng đối với hợp đồng lao động mùa vụ (từ 3 – dưới 12 tháng).
  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022

Vậy những giấy tờ bạn cần chuẩn bị cho hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là gì?

  • Sổ BHXH;
  • Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Bạn có thể tải về trên mạng hoặc đến Trung tâm dịch vụ việc làm để được cấp giấy và hướng dẫn chi tiết.
  • Bản chính hoặc photo có công chứng để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định.

Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp bạn cần làm theo những thủ tục nào?

Bạn cần thực hiện 4 bước sau:

Bước 1: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, bạn phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm.

Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp tháng đầu tiên.

Bước 4: Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.

Thông tin về các chế độ khác của bảo hiểm thất nghiệp

Thông tin về các chế độ khác của bảo hiểm thất nghiệp là gì?
© Pexels.com

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động

Theo khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề của bạn khi có đủ các điều kiện sau:

  • Đóng đủ liên tục BHTN từ 12 tháng trở lên cho người lao động (tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ).
  • Gặp khó khăn cho suy giảm kinh tế vì lý do bất khả kháng (chẳng hạn như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến công ty buộc phải thay đổi cơ cấu kinh doanh, v.v.).
  • Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo & bồi dưỡng.
  • Có phương án đào tạo & bồi dưỡng được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.

Thời gian doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ theo phương án được phê duyệt và không quá 6 tháng. 

Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề

Sau khi chấm dứt hợp đồng, nếu tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ và đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, bạn sẽ được tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí (Theo điều 43, Luật Việc Làm quy định).

Ngoài ra, trong trường bạn muốn được hỗ trợ học nghề, trước hết hãy kiểm tra xem mình đã đáp ứng đủ các điều kiện sau đây chưa nhé:

  • Chấm dứt hợp đồng theo quy định, nộp hồ sơ xin trợ cấp và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày.
  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 9 tháng trở lên trong vòng 24 tháng sau khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Thời gian bạn được hỗ trợ cũng sẽ tương đương với thời gian học nghề thực tế, nhưng cũng sẽ không vượt quá 6 tháng.

Cuộc sống luôn có những rủi ro mà chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy, việc chủ động tìm hiểu thông tin là một cách hữu ích để bạn bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. Hy vọng các thông tin về bảo hiểm thất nghiệp là gì mà Glints vừa cung cấp sẽ giúp bạn an tâm và đối phó được những tình huống xấu nhất.

Bài viết được đóng góp bởi Trang Hình

Tác Giả

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word