Việc hiểu rõ về bản đồ định vị thương hiệu sẽ là cách giúp cho bạn hiểu rõ hơn về ngành branding. Thông qua bản đồ định vị bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích và định hướng phát triển của thương hiệu nhằm đạt được sự mong đợi, cảm xúc tốt từ phía khách hàng.
Do đó, nếu bạn chưa hiểu rõ về bản đồ định vị thương hiệu là gì? Thì hãy dành một chút thời gian cùng Glints tìm hiểu bài viết hôm nay để giải đáp rõ thắc mắc của mình nhé.
Bản đồ định vị thương hiệu là gì?
Định vị thương hiệu là gì?
Trước khi tìm hiểu bản đồ định vị là gì bạn cần nắm rõ khái niệm định vị thương hiệu là gì? Định vị thương hiệu được hiểu là hoạt động nhằm xây dựng và cải thiện vị trí thương hiệu trong tâm trí của khách hàng dựa trên những giá trị, điểm độc đáo riêng và điểm mạnh đem đến ưu điểm khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ so với đối thủ cạnh trong cùng phân khúc thị trường của mình.
Ngoài ra, theo định nghĩa của Marc Filser:
“Định vị thương hiệu chính là sự nỗ lực đem đến cho sản phẩm của doanh nghiệp một hình ảnh riêng, một diện mạo riêng sao cho dễ dàng đi vào nhận thức của khách hàng nhất. Hay cụ thể hơn chính là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng của mình liên tưởng đến ngay khi đối diện với chính thương hiệu của mình.”
Định nghĩa bản đồ định vị thương hiệu
Bản đồ định vị thương hiệu được ví như một hệ tọa độ trong toán học với các trục thể hiện giá trị cụ thể của mỗi thuộc tính khác nhau của doanh nghiệp đó. Dựa vào bản đồ định vị các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định vị trí của sản phẩm, thậm chí là vị trí của đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực nhằm đưa ra những so sánh, thống kê hiệu quả nhất.
Khi thiết lập bản đồ định vị sản phẩm, doanh nghiệp sẽ dựa vào 2 yếu tố cơ bản tương ứng với 2 trục của bản đồ đó là chất lượng và giá cả.
Tuy nhiên, các yếu tố này không cố định. Thường thì các giá trị sẽ phụ thuộc vào tính cụ thể hóa khác để đem lại sự khác biệt rõ rệt hơn so với những sản phẩm khác khi đưa ra so sánh.
Đọc thêm: Branding Marketing Là Gì? Tất Tần Tật Về Làm Brand Marketing
Hiểu về các nội dung trong bản đồ định vị thương hiệu
Nội dung trong bản đồ định vị thương hiệu sẽ bao gồm các tiêu chí cụ thể, bao gồm:
- Tiêu chí về chất lượng: Đây là tiêu chí quan trọng và quyết định đến nhiều yếu tố khác như: sự trải nghiệm của khách hàng, uy tín của doanh nghiệp. Khi định vị theo chất lượng doanh nghiệp luôn phải cải thiện sản phẩm được tốt hơn.
- Tiêu chí theo giá cả: Bên cạnh chất lượng thì giá cả cũng là tiêu chí được các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt. Khi đưa ra mức giá doanh nghiệp phải xác định được mức giá đó có đúng với kỳ vọng của người sử dụng không và không được quá cao hoặc quá thấp so với đối thủ cạnh tranh của mình.
- Tiêu chí về giá trị: Phải xét trên phương diện sản phẩm đem đến giá trị gì cho người tiêu dùng? Giá trị đó có thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng hay không?
- Tiêu chí theo tính năng: Tính năng sản phẩm doanh nghiệp đem lại so với đối thủ cạnh tranh đã là tiên tiến nhất hay chưa?
- Tiêu chí về nhu cầu của khách hàng: Thông qua những dữ liệu thu thập được từ khách hàng thông qua nhiều nguồn sau đó thể hiện những dữ liệu đó lên sơ đồ định vị.
Vai trò của bản đồ định vị thương hiệu
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, hàng hóa và thương hiệu quá đa dạng, lại gần giống nhau. Điều này đã khiến cho không ít người tiêu dùng cảm thấy khó khăn để có thể phân biệt và nhận diện các nhãn hiệu.
Ngược lại, các marketers cũng gặp không ít khó khăn khi không biết làm thế nào để có thể làm nổi bật được sản phẩm, thương hiệu của chính mình. Do đó, các thương hiệu đang ngày càng đầu tư bài bản hơn vào việc xác định định vị thương hiệu.
Hiểu một cách đơn giản và dễ dàng, việc doanh nghiệp định vị thương hiệu sẽ giúp cho thương hiệu tạo ra một vị trí xác định cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng, trong tương quan với vị trí của các đối thủ cạnh tranh.
Có thể nói, định vị được cho là một khái niệm trừu tượng, có thể liên quan hoặc thậm chí là tách rời với những lợi ích lý tính mà sản phẩm đem lại cho người dùng.
Vậy nên, việc xây dựng bản đồ định vị thương hiệu sẽ phần nào giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc định hình được vị trí của mình và đối thủ thông qua các tiêu chí cạnh tranh riêng được thể hiện rõ ràng trên hai trục bản đồ.
Không chỉ dừng lại ở đó, bản đồ định vị sản phẩm còn giúp doanh nghiệp định hướng được mục tiêu và phương châm cốt lõi của doanh nghiệp mình là gì từ đó đưa ra những chiến lược cạnh tranh tốt hơn.
Đọc thêm: Brand Executive Là Gì? Mối Quan Hệ Giữa Branding Và Marketing
Cách lập sơ đồ định vị thương hiệu
Bước 1: Xác định khách hàng mục tiêu
Mỗi sản phẩm, mỗi ngành hàng đều có tập khách hàng riêng. Do đó, bước đầu tiên trong việc lập sơ đồ định vị thương hiệu là xác định đối tượng khách hàng mục tiêu mà thương hiệu nhắm đến là ai bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Sản phẩm của doanh nghiệp bạn đang triển khai thuộc ngành hàng nào?
- Khách hàng chính của các sản phẩm đó là ai?
- Tại sao nên triển khai bán hàng trong phân khúc đó?
- Nên bán sản phẩm ở đâu? Khi nào? Để đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất?
Sẽ có những doanh nghiệp tập trung vào tập khách hàng trung cấp và bình dân, một số doanh nghiệp khác tập trung vào phân khúc thượng lưu.
Hoặc doanh nghiệp bán sản phẩm cho nhiều đối tượng khác nhau như nhân viên công sở, người trẻ, người cá tính, v.v.
Để đưa ra được tập khách hàng chính xác doanh nghiệp cần khảo sát kỹ thị trường tiềm năng với những thông tin chi tiết về tuổi, giới tính hay thu nhập của họ.
Đọc thêm: 11+ Phương Pháp Tìm Kiếm Khách Hàng Tiềm Năng Hiệu Quả Nhất 2022
Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Sau khi xác định được tập khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp sẽ hướng đến, bước tiếp theo cần làm là phân tích đối thủ cạnh tranh. Trong cùng một phân khúc khách hàng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đối thủ, sở dĩ xuất hiện tình trạng này là do khách hàng mục tiêu của bạn cũng chính là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp khác.
Và bản chất của định vị thương hiệu chính là việc tạo ra nét độc đáo và riêng biệt của sản phẩm doanh nghiệp so với những những sản phẩm khác trong cùng một phân khúc thị trường.
Do đó, trước khi chọn hướng đi cho mình bạn cần nghiên cứu, phân tích các đối thủ cạnh tranh thật kỹ lưỡng và đừng quên tìm hiểu về cảm nhận của khách hàng đối với các sản phẩm/dịch vụ của mình và đối thủ.
Việc dựa vào kết quả phân tích sẽ giúp bạn dễ dàng biết được những điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ và nhu cầu của khách hàng. Từ đó, giúp doanh nghiệp đưa ra các phương án tốt nhất để cải thiện sản phẩm của mình.
Bước 3: Chọn thuộc tính của các trục giá trị
Khi đã có đầy đủ thông tin cần thiết của doanh nghiệp và đối thủ trên thị trường bước tiếp theo bạn cần làm là chọn tiêu chí so sánh phù hợp.
Hiện tại, không có bất cứ một tiêu chuẩn hoặc khuôn mẫu nào cho sự lựa chọn tiêu chí so sánh. Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn phần lớn phụ thuộc vào sản phẩm của doanh nghiệp và tầm nhìn, cũng như khả năng của người lập bản đồ định vị thương hiệu.
Hãy trở thành một người lựa chọn thông minh. Không nên đưa tất cả các tiêu chí so sánh lên trên một bản đồ định vị thương hiệu, bởi điều đó là không thể.
Cũng không có nghĩa bạn chỉ thiết kế một bản đồ định vị thương hiệu, cần có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn qua nhiều bản đồ định vị thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Có thể sản phẩm của doanh nghiệp bạn đang ở một vị trí rất tốt trên thị trường về cả giá cả và chất lượng sản phẩm, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm đạt được tiêu chuẩn về mặt chức năng và cảm xúc.
Bước 4: Tạo Bản đồ định vị thương hiệu
Nếu đã hoàn thành xong xuôi 3 bước trên, bước tiếp theo bạn cần làm là đặt các nhãn hiệu của mình và vị trí tương ứng. Thông thường một bản đồ định vị sẽ chỉ hiển thị hai tiêu chí theo thứ tự tăng dần.
Do đó, chỉ khi bạn đặt thương hiệu của mình vào vị trí khách quan, công bằng và chính xác thì khi đó mới đạt được hiệu quả như mình mong đợi.
Đừng buồn nếu kết quả đó khiến bạn thất vọng, bởi vì một khi hiểu vị trí của sản phẩm mình trên thị trường và nhận ra những sai sót sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Việc thiết kế bản đồ định vị không chỉ giúp cho thương hiệu vào đúng vị trí, mà bạn còn phải phân tích, đánh giá sau khi hiểu rõ vị trí của thương hiệu mình. Từ đó dễ dàng hơn trong việc đưa ra những chiến lược cải tiến và hoàn thiện sản phẩm.
Vậy nên có thể nói, việc lập bản đồ định vị thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng và đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu của chính mình.
Ví dụ của định vị thương hiệu thành công
Để hiểu rõ hơn về bản đồ định vị thương hiệu trong doanh nghiệp quan trọng và hữu ích như thế nào Glints xin đưa ra một ví dụ cụ thể về sự thành công của thương hiệu Vinamilk.
- Bản đồ định vị số 1: Giá và Miligam canxi có trong sữa
Xét về giá, Meadow Fresh có mức giá (43.500 VNĐ/4 hộp) và mức canxi cao nhất so với các đối thủ của mình, trong khi đó giá sữa Hà Lan lại có mức giá thấp nhất (29.500 VNĐ/4 hộp).
Tuy nhiên, khi xét về sữa Vinamilk thì mức giá bán khá hợp lý (31.500 VNĐ/4 hộp), giá bán này phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam. Mặc dù Meadow Fresh là dòng sữa đứng đầu cả về giá lẫn mức canxi nhưng vì nó được coi là dòng sữa cao cấp nên sản phẩm không đưa ưa chuộng và lựa chọn bằng Vinamilk.
- Bản đồ định vị số 2: Nhận thức và thị phần của thương hiệu
Theo đánh giá, hiện tại Vinamilk đang là thương hiệu sữa tươi đứng đầu về cả cổ phiếu và mức độ nhận diện thương hiệu.
Khi nói đến Meadow Fresh và Love In Farm người tiêu dùng nghĩ ngay đến thương hiệu sữa nhập khẩu. Còn TH True Milk mặc dù gia nhập vào thị trường muộn nhưng đã cố gắng bắt kịp được tốc độ phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bền vững.
Dựa vào hai bản đồ định vị có thể thấy Vinamilk được đánh giá khá cao về tiêu chí giá cả. Mặc dù hàm lượng canxi trong sữa thấp hơn nhưng bù lại mức giá sản phẩm lại vượt trội hơn so với những thương hiệu sữa khác.
Lời kết
Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến bản đồ định vị thương hiệu mà doanh nghiệp nên tham khảo để có được kinh nghiệm hữu ích trong việc lập bản đồ định vị cho sản phẩm của mình.
Theo dõi Glints để xem thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!
Tác Giả