Banquet Là Gì? Chi Tiết Vị Trí Công Việc & Mức Lương Banquet

Banquet là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Banquet là một bộ phận đóng vai trò khá quan trọng mang lại doanh thu đáng kể cho hoạt động của các loại hình nhà hàng, khách sạn.

Vậy Banquet là gì và bộ phận Banquet sẽ chịu trách nhiệm chính cho các công việc cụ thể nào. Cùng Glints Việt Nam tìm hiểu về công việc khá thú vị này nhé!

Banquet là gì?

Banquet là một thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng để đề cập đến công việc của một bộ phận cụ thể trong các nhà hàng, khách sạn. Công việc của banquet thuộc sự quản lý của khối Food and Beverage (hay F&B). 

Cụ thể, vị trí banquet sẽ đảm nhiệm vai trò tổ chức các buổi tiệc, các cuộc họp, hội nghị, sự kiện dựa trên các yêu cầu từ khách hàng để đảm bảo các hoạt động được diễn ra suôn sẻ, liền mạch khiến khách hàng hài lòng.

Tại một số nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam, bộ phận banquet còn được gọi với một cái tên rất trang trọng – Bộ phận yến tiệc. Bộ phận này thường sẽ xuất hiện trong các khách sạn có quy mô từ 3 sao trở lên, và thường hoạt động nhiều nhất vào các thời điểm cao điểm như vào mùa du lịch, lễ tết và các dịp đặc biệt khác.

banquet là gì
Banquet còn được gọi là bộ phận yến tiệc.

Banquet là bộ phận nắm giữ vai trò quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của ngành nhà hàng khách sạn và đóng góp nguồn doanh thu đáng kể.

Các loại hình banquet thường gặp

Bộ phận banquet sẽ chịu trách nhiệm cho rất nhiều loại hình tiệc tùng, sự kiện khác nhau. Trong các loại hình này, công việc của bộ phận banquet cũng sẽ thay đổi đôi chút để có thể hỗ trợ các khách hàng một cách tối đa nhất.

Hội nghị, hội thảo

Loại hình hội thảo, hội nghị là một trong những loại hình phổ biến và thường xuyên được tổ chức hiện nay. Trong đó, vai trò chính của bộ phận banquet là trang trí, bày trí không gian cho toàn bộ khu vực diễn ra sự kiện.

Bên cạnh đó, banquet cũng hỗ trợ phục vụ các hoạt động tại đây như phục vụ thức uống (trà, cà phê, nước ngọt, v.v), các món ăn nhẹ và các loại bánh ngọt.

Tiệc cưới

Bộ phận banquet cũng chịu trách nhiệm tổ chức các không gian tiệc cưới sang trọng. Hiện nay, các sự kiện tiệc cưới tại các nhà hàng, khách sạn cũng được tổ chức với nhiều phong cách và hình thức đa dạng từ truyền thống đến hiện đại để mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho các khách hàng.

Tiệc cocktail

Banquet cũng là bộ phận chính tham gia tổ chức các loại hình tiệc cocktail. Đây là một dạng tiệc đứng với các món ăn và thức uống nhẹ được phục vụ liên tục đến các khách tham dự trong suốt bữa tiệc.

Loại hình tiệc này thường được tổ chức với hình thức đơn giản, đồng thời số lượng khách tham dự cũng không quá đông và mang tính thân mật nhiều hơn.

Gala Dinner

Loại hình Gala Dinner thường có không khí sang trọng và thường có số lượng khách tham dự lớn. Loại hình này cũng rất chú trọng đến chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ tại không gian tổ chức tiệc.

Bộ phận banquet cũng sẽ tham gia tổ chức và phục vụ các buổi tiệc gala dinner do các công ty, doanh nghiệp tổ chức vào dịp cuối năm hay các dịp đặc biệt.

Tiệc Buffet

Tiệc Buffet cũng là một trong những loại hình mà bộ phận banquet tham gia tổ chức. Thông thường đây là những buổi tiệc cộng đồng, hội thảo tự phục vụ với số lượng món ăn ít và đơn giản hơn so với các loại hình tiệc khác.

Mô tả công việc của bộ phận banquet

Để đáp ứng các nhu cầu của người tham gia tổ chức các sự kiện và cả những khác tham dự, bộ phận banquet cần đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng để mang đến một sự kiện thành công tốt đẹp.

Chuẩn bị, sắp xếp đồ ăn và chỗ ngồi

Để góp phần giúp cho cả người tổ chức và các khách tham dự cảm thấy hài lòng một cách tối đa, bộ phận banquet cần đảm bảo chuẩn bị đầy đủ chỗ ngồi và thức ăn trong các sự kiện trên.

Các vị trí, số lượng chỗ ngồi cần được chuẩn bị và sắp xếp chỉn chu để góp phần giúp cho những người tham gia cảm thấy tiện lợi và thoải mái nhất trong suốt sự kiện.

Khẩu phần ăn, chất lượng món ăn và số lượng dụng cụ ăn uống cũng cần đảm bảo được phục vụ đầy đủ cho toàn bộ khách trong suốt các buổi tiệc, sự kiện, hội họp để tiến trình của bữa tiệc được diễn ra liền mạch, hiệu quả.

Bộ phận banquet làm việc ở rất nhiều sự kiện như đám cưới, tiệc tùng, v.v.

Chào đón thực khách

Các nhân viên thuộc bộ phận banquet chịu trách nhiệm chào đón thực khách đến tham gia tiệc. Đồng thời, họ cũng sẽ là người hỗ trợ thực khách tìm đến những vị trí ngồi phù hợp đã được sắp xếp và chăm sóc các khách tham dự nhằm tạo sự thoải mái trong quá trình tham gia tiệc.

Trong trường hợp các thực khách có thắc mắc về thực đơn của tiệc hay khi các món được phục vụ trễ, nhân viên banquet cũng sẽ hỗ trợ trình bày và giới thiệu về nội dung thực đơn, các món uống sắp được phục vụ trong bữa tiệc.

Bên cạnh đó, các nhân viên banquet cũng sẽ hỗ trợ đề xuất thứ tự dùng món hay các món nước kết hợp để khách tham gia tiệc cảm thấy hài lòng khi thưởng thức.

Phục vụ thực khách

Khi bữa tiệc, sự kiện chính thức diễn ra, các nhân viên banquet sẽ tham gia phục vụ các hoạt động như lên món, đồ uống cho toàn bộ những người tham gia.

Trong đó, cần đảm bảo một số quy tắc trong quá trình phục vụ các khách tham dự, chẳng hạn như:

  • Bắt đầu phục vụ từ bên phải bàn và di chuyển về phía bên phải đến hết bàn tiệc, đồng thời đổi sang hướng ngược lại nếu phục vụ thức ăn bằng các loại đĩa lớn hay phục vụ riêng lẻ từng thực khách.
  • Tại tiệc cưới hay các tiệc cá nhân, cần phục vụ các khách nữ trước rồi đến khách nam. Các MC dẫn chương trình, những người tiếp khách sẽ được phục vụ sau cùng.

Dọn dẹp, báo cáo công việc

Quá trình phục vụ món ăn cũng sẽ đi cùng với việc liên tục dọn dẹp các phần ăn thực khách đã dùng xong để tiếp tục phục vụ món ăn mới. 

Trong đó, các nhân viên thuộc bộ phận banquet sẽ thực hiện dọn dẹp sạch sẽ những món ăn cũ, kể cả các dụng cụ ăn uống của món ăn đó. 

Bên cạnh đó, các nhân viên sẽ để cho thực khách nghỉ ngơi trong vài phút để có thể tiêu hóa thức ăn cũ, làm sạch khẩu vị còn vương lại trong vòm miệng và chuẩn bị sẵn sàng thưởng thức món ăn mới. 

Điều này sẽ giúp cho các thực khách không cảm thấy bị thúc giục trong quá trình thưởng thức món ăn.

Công việc của banquet khá giống với hầu hết các nhân viên phục vụ, điểm khác biệt chủ yếu đến từ môi trường làm việc.

Đọc thêm: Nhân Viên Phục Vụ Là Gì? Làm Nghề Phục Vụ Dễ Hay Khó?

Các yêu cầu để làm banquet là gì?

Bằng cấp

Để trở thành một nhân viên thực thụ trong bộ phận banquet, bạn chỉ cần sở hữu một tấm bằng tốt nghiệp trung học hoặc các chứng chỉ giáo dục tương đương.

Lĩnh vực banquet thường không đòi hỏi quá khắt khe về kinh nghiệm làm việc và luôn rộng mở cơ hội tham gia bộ phận banquet cho những người yêu thích và đam mê công việc này.

Tuy nhiên, những người đã có kinh nghiệm làm nhân viên cho bộ phận banquet thường sẽ mang đến cho bạn một lợi thế cạnh tranh đáng kể khi tham gia ứng tuyển vào vị trí mới.

Kỹ năng

Một nhân viên banquet thực thụ cần sở hữu khả năng quản lý và sắp xếp thời gian hiệu quả để có thể mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho các khách hàng.

Khả năng chú ý đến các chi tiết nhỏ cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho các sự kiện, hội nghị, hội thảo được diễn ra một cách hoàn thiện nhất.

Bên cạnh đó, một nhân viên banquet cũng cần có khả năng xử lý vấn đề xuất sắc để có thể giải quyết kịp thời những tình huống bất ngờ xảy đến.

Phẩm chất, tính cách

Để trở thành một ứng cử viên lý tưởng cho bộ phận banquet, bạn cần sở hữu đạo đức nghề nghiệp tốt và khả năng làm việc nhóm hiệu quả để mang đến hiệu suất tối ưu bộ phận banquet khi tổ chức các sự kiện.

Bên cạnh đó, một người thuộc bộ phận banquet cần có sự nhanh nhẹn và linh hoạt cùng một thể lực tốt để có thể tham gia tổ chức các sự kiện liên tục nhiều giờ liền.

kỹ năng của nhân viên banquet
Công việc banquet đòi hỏi các kỹ năng nhất định.

Đọc thêm: Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Khách Sạn 5 Sao Bách Phát Bách Trúng

Thu nhập công việc banquet

Bộ phận banquet sở hữu nhiều công việc khá thú vị và hấp dẫn và luôn mở rộng các cơ hội làm việc với mức thu nhập phù hợp cho các bạn trẻ có yêu thích và đam mê với công việc này.

Bên cạnh đó, hành trình nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp bạn phấn đấu hơn để đạt được các vị trí cao nhất. Cùng Glints tham khảo các cấp bậc của công việc về banquet và mức lương tương ứng đối với từng vị trí:

  • Cấp bậc nhân viên thường có mức thu nhập khoảng từ 4 -10 triệu đồng.
  • Cấp bậc trưởng ca, giám sát thường có mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng.
  • Cấp bậc quản lý sẽ có thu nhập đến 15-20 triệu đồng.
  • Đứng đầu bộ phận là Giám đốc – F&B Director với mức thu nhập tối thiểu từ 30-45 triệu đồng.

Kết luận

Các thông tin về công việc chi tiết, yêu cầu bằng cấp, năng lực, kỹ năng cũng như các thông tin về thu nhập để giúp bạn giải mã đầy đủ công việc banquet là gì?

Hi vọng bạn sẽ nhanh chóng chinh phục công việc yêu thích thông qua những thông tin bổ ích trên đây.

Và đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị tiếp theo về bí quyết nghề nghiệp và hành trình chinh phục công việc mơ ước trên Glints Việt Nam nhé!

Tác Giả

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word