Những nguyên tắc vẽ nên chân dung nhà lãnh đạo lý tưởng

Đã có rất nhiều so sánh trước đây về sự khác nhau giữa người quản lý và nhà lãnh đạo. Tuy nhiên không có một chuẩn mực cụ thể nào bởi tùy theo từng loại hình doanh nghiệp và môi trường làm việc mà các nhà lãnh đạo có trách nhiệm và cách quản lý khác nhau.

Việc trở thành nhà lãnh đạo giỏi không chỉ là mong muốn cá nhân của bất kỳ quản lý nào mà còn là mong đợi của các nhân viên trong tổ chức. Một trong những yếu tố tạo nên các nhà quản lý giỏi là khả năng thích nghi với những ý tưởng và cách làm việc mới. Để đảm bảo mục tiêu này, nhà lãnh đạo phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Nguyên tắc 1: Không chỉ “quản lý” mà cần “lãnh đạo”

Hầu hết các nhà quản lý thường tập trung vào việc kiểm soát hoạt động nhằm đảm bảo mọi việc được thực hiện đúng theo các kế hoạch đã được đặt ra. Tuy nhiên, họ lại thiếu đi những yếu tố giúp công việc hiệu quả hơn như đổi mới tư duy và thay đổi kịp thời theo hoàn cảnh, thu hút nhân tài và tạo niềm tin nơi tập thể. Tùy theo văn hóa doanh nghiệp, vai trò của quản lý có thể khác nhau. Tuy nhiên, trở thành nhà lãnh đạo dám nghĩ dám làm sẽ là xu thế cho quá trình phát triển của công ty trong giai đoạn mới.

Nguyên tắc 2: Đồng hành cùng nhân sự

Nhân viên ngày nay cũng là một tài sản quý của doanh nghiệp. Một công ty phát triển mạnh trong dài hạn cần những người tài và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, một trong những yếu tố giúp giữ chân họ chính là người lãnh đạo. Nhà quản lý truyền thống thường thể hiện quan điểm lãnh đạo và có phần áp đặt các yêu cầu lên cấp dưới. Họ thậm chí luôn tìm phương án tận dụng tối đa sức lao động của nhân viên theo mối quan hệ chủ-tớ. Trong khi các nhà lãnh đạo mới thường hỗ trợ và trao quyền cho nhân viên, giúp họ loại bỏ những rào cản để phát triển hơn nữa trong sự nghiệp của mình.

Nguyên tắc 3: Sẵn sàng phá vỡ khuôn mẫu

Các doanh nghiệp thường có các quy định chung trong việc giám sát và kỷ luật nhân sự mà nhà quản lý cần tuân theo. Tuy nhiên, những nguyên tắc lỗi thời có thể làm giảm khả năng sáng tạo và hiệu quả công việc của nhân viên. Điều này cũng được thể hiện rất rõ ở nhiều môi trường doanh nghiệp khác nhau với đội ngũ nhân viên đặc thù. Đặc biệt, mọi vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc của nhân viên thường do những nguyên nhân khác nhau. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải linh hoạt trong cách xử lý chúng. Và nếu sự thay đổi này có thể có nguy cơ thất bại thì nó cũng giúp nhà quản lý giỏi có thêm bài học kinh nghiệm cho tương lai.

Nguyên tắc 4: Tiếp nhận phản hồi và đánh giá đúng lúc

Thông thường, các doanh nghiệp có thói quen đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm. Quy trình này cũng diễn ra theo một dây truyền được định sẵn. Tuy nhiên, những phản hồi và vấn đề thường phát sinh liên tục. Nếu chỉ chờ đến thời điểm này để tổng hợp lại, nhà lãnh đạo đã tác động khiến cho những vấn đề của nhân viên trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc phản hồi sớm sẽ giúp họ nhận ra vấn đề, nhanh chóng thay đổi. Từ đó nó sẽ tạo ra động lực để họ làm việc tốt hơn khi được công nhận thành quả của mình tức thời.

Nguyên tắc 5: Ý thức về ranh giới cá nhân

Đã qua rồi cái thời mà nhân viên phải dành nhiều thời gian giải quyết công việc ngay cả khi về đến nhà. Các lãnh đạo giờ đây cũng cần phân định rạch ròi thời gian cho công việc và cuộc sống để giúp nhân viên luôn được cân bằng và đảm bảo sức khỏe của họ. Ngoài ra, việc việc tương tác trong công việc cũng cần có những giới hạn nhất định. Điều này giúp mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và nhân viên luôn nằm trong khuôn khổ công việc và tránh những nhận định sai lầm.
Thế giới thay đổi liên tục và những nguyên tắc cơ bản này cũng có thể được thay thế bởi những quan điểm mới hơn. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi để tạo ra một nhà lãnh đạo thành công chính là khả năng thích nghi, biến đổi tùy theo từng tình huống cụ thể. Từ đó tạo ra sự đồng thuận và phối hợp hiệu quả với nhân viên trong tổ chức. Đây là yếu tố cốt lõi tạo ra sự phát triển lâu dài trong mỗi doanh nghiệp.