Các doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài hoạt động trong mảng bán lẻ đều có cho mình một bộ phận bán hàng. Và để có thể duy trì được bộ phận bán hàng hoạt động hiệu quả mang lại doanh thu cho doanh nghiệp thì trọng trách của người quản lý bán hàng là vô cùng to lớn.
Cùng Glints Việt Nam tìm hiểu về công việc Quản lý bán hàng là gì qua bài viết này nhé!
Quản lý bán hàng là gì?
Quản lý bán hàng hiểu đơn giản là người quản lý – người đứng đầu của bộ phận bán hàng tại công ty, của cửa hàng hoặc của một chuỗi hệ thống bán lẻ, v.v.
Người quản lý bán hàng sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hoạt động bán hàng như giám sát, đặt chỉ tiêu doanh số, xây dựng các chương trình bán hàng, chỉ đạo bán hàng tại các cơ sở.
Ngoài ra, người quản lý bán hàng sẽ phải quản lý và sắp xếp công việc cho các nhân sự trong bộ phận của mình. Để công việc được hiệu quả, người quản lý cần sát sao với nhân sự để hỗ trợ họ đạt được chỉ tiêu.
Vai trò quan trọng của quản lý bán hàng trong doanh nghiệp
Chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng
Quản lý bán hàng là người đứng đầu và chịu trách nhiệm lớn nhất về doanh số bán hàng của một doanh nghiệp.
Một công ty hoạt động có hiệu quả hay không, các chiến dịch bán hàng có triển khai theo đúng tiến độ và mang lại lợi nhuận tốt hay không đều nằm ở người quản lí bán hàng.
Xây dựng mối quan hệ với đối tác, người tiêu dùng
Không những vậy, người quản lí bán hàng còn có trọng trách xây dựng mối quan hệ với đối tác, duy trì sự liên kết giữa doanh nghiệp cùng người tiêu dùng.
Công việc này nhằm mục đích tạo nền tảng vững chắc để công ty phát triển lâu dài. Công ty muốn phát triển thì cần có mối quan hệ tốt với đối tác, khách hàng, nhà cung cấp, v.v.
Điều này không những giúp ích cho doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng mà có hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề phát sinh khi có vấn đề xảy ra.
Xây dựng và phát triển đội nhóm
Ngoài các hoạt động bán hàng và ngoại giao, trách nhiệm của người quản lý bán hàng còn là quản lý nhân viên bán hàng, xây dựng đội nhóm, và phát triển bộ phận mang lại doanh số tốt nhất cho công ty.
Tại mỗi công ty, bộ phận bán hàng đều là thành phần nòng cốt – người mang tiền về, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Vai Trò Của Người Trưởng Nhóm Là Gì Và Tại Sao Bạn Nên Quan Tâm?
Người quản lý bán hàng đảm nhận công việc gì?
Quản lý bán hàng chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động bán hàng tại cửa hàng. Các công việc này có thể kể đến từ việc xây dựng quy trình làm việc của nhân sự cho tới các công việc giám sát và quản lý đội nhóm, v.v.
Cụ thể công việc của quản lý bán hàng là gì?
Xây dựng và tối ưu các quy trình bán hàng
Bằng kiến thức cũng như kinh nghiệm của bản thân, bạn cần nắm bắt được công việc bán hàng và tối ưu quy trình, hệ thống quản lý bán hàng. Để từ đó, bạn có thể hỗ trợ nhân sự của mình làm theo quy trình đó và đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời, người quản lý sẽ xây dựng hệ thống thông tin quản lý bán hàng để dễ dàng theo sát mục tiêu đặt ra.
Phân công và quản lý đội nhóm
Tại những đơn vị đã ổn định về quy trình làm việc, bạn cần sắp xếp nhân sự và phân chia các đầu việc để công việc không bị chồng chéo lên nhau. Từ đó, công việc có thể đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình vận hành.
Quản lý trực tiếp cửa hàng
Nhiều người nhầm tưởng công việc này chỉ mang cái mác “quản lý” thôi. Nhưng mà, công việc thực sự của nó đúng như cái tên mà bạn đang thấy đấy!
Bạn thực sự cần quản lý và nắm bắt toàn bộ các sổ sách, báo cáo, tài sản và các vấn đề nhỏ hơn như vệ sinh, tác phong của nhân sự trong cửa hàng.
Cập nhật các thông tin, phản hồi – khiếu nại của khách hàng
Việc nhận thông của khách hàng và giải quyết chúng sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đối với khách hàng. Đồng thời, bạn cũng có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành.
Quản lý chi phí – lương thưởng của nhân sự
Để nhân sự của cửa hàng luôn hết mình vì công việc, bạn cần đánh giá tiêu chí nhân viên bán hàng và đưa ra chính sách lương thưởng phù hợp với từng nhân sự khác nhau. Bước này sẽ giúp cho hiệu suất công việc của nhân sự luôn tăng cao.
Lập báo cáo bán hàng
Đây là điều quan trọng mà các quản lý cần thực hiện. Việc lên báo cáo doanh thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vận hành của cửa hàng.
Hãy tập cho mình một thói quen xây dựng báo cáo mỗi tuần. Điều này giúp cho bạn nắm bắt được tình hình doanh số cũng như được đánh giá cao trong mắt lãnh đạo.
Đọc thêm: Cách Báo Cáo Công Việc Cho Sếp Bạn Không Thể Bỏ Qua
Yêu cầu kỹ năng đối với quản lý bán hàng là gì?
Quản trị bán hàng không phải là một vị trí dễ nhằn. Đặc thù công việc yêu cầu rất nhiều kỹ năng chuyên môn khác nhau. Và bạn phải kết hợp cùng với kỹ năng mềm mới có thể vận hành tốt.
Những yêu cầu nhất định phải có
- Phần mềm quản lý bán hàng: Đây là điều tối thiểu mà một người quản lý cần biết. Không những bạn cần biết mà bạn cần nắm rõ được cách vận hành của phần mềm cùng các công cụ khác.
- Trình độ văn hoá: Vị trí bán hàng không bắt buộc phải là những nhân sự có bằng cấp cao. Tuy nhiên, tốt nghiệp cao đẳng trở lên sẽ là lựa chọn ưu tiên trong mắt nhà tuyển dụng.
- Khả năng lãnh đạo: Đây là điều bắt buộc một nhà quản lý cần có. Kỹ năng này sẽ giúp đội nhóm vận hành ổn định và đạt được những mục tiêu doanh thu đặt ra.
- Kinh nghiệm: Một quản lí bán hàng cần hiểu được cách bán hàng. Bạn sẽ mất một thời gian dài bán hàng và học hỏi kinh nghiệm để trở thành một quản lý bán hàng tốt.
Những kỹ năng “điểm cộng” giúp bạn nổi bật hơn
Ngoài những yêu cầu bắt buộc ở trên, nếu bạn có thêm nhiều kỹ năng khác thì đó sẽ là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng đấy!
- Kỹ năng giao tiếp: Là một người quản lý bán hàng, bạn cần truyền đạt được nội dung và xây dựng một văn hoá trao đổi công việc mạch lạc: Tinh gọn – Hiệu quả.
- Kỹ năng tư duy: Việc tư duy mạch lạc trong công việc sẽ giúp bạn đạt giải quyết được các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành. Từ đó, nó sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc, giúp bạn từng bước lên cao.
- Kỹ năng phân tích – lập kế hoạch, chiến lược: Làm việc cùng các con số và phân tích chúng, sẽ giúp nhà quản lý bán hàng có được cái nhìn tổng quan về công việc. Từ đó, bạn có thể lên những kế hoạch và chiến lược bán hàng phù hợp.
- Khả năng liên kết các bộ phận và xây dựng văn hoá: Không chỉ là quản lý, một nhà quản lý bán hàng giỏi sẽ luôn biết cách kết nối tất cả các bộ phận trong một bộ máy lại với nhau thành một khối đoàn kết. Từ đó, các bộ phận sẽ chủ động hỗ trợ nhau hoàn thành công việc một cách nhẹ nhàng. Đồng thời, việc xây dựng văn hoá còn là yếu tố tạo nên một tập thể hùng mạnh. Bạn sẽ luôn có nhân sự ủng hộ mình. Lúc này, mọi công việc đều được giải quyết dễ dàng.
Mức lương cực hấp dẫn của quản lý
Không giống như những công việc kỹ thuật, công việc quản lý cho bạn một mức lương vô cùng hấp dẫn. Tùy thuộc theo quy mô của doanh nghiệp, ngành hàng, bạn sẽ có mức lương khác nhau.
Việc bạn quản lý một cửa hàng nhỏ sẽ có mức thu nhập khác với khi bạn quản lý một chuỗi hệ thống hoặc một bộ phận bán hàng tại công ty lớn.
Mức lương dao động cho công việc của một quản lý từ 12 triệu – 18 triệu/tháng. Đối với những công ty lớn, lương của quản lý bán hàng có thể lên tới 50 triệu/tháng.
Bên cạnh mức lương cứng nhận được thì quản lí bán hàng còn được nhận được thêm lương doanh số từ hoạt động bán hàng.
Hàng tháng, nếu đạt chỉ tiêu và vượt mục tiêu doanh số, bạn còn được thưởng nóng, thưởng tháng, thưởng quý, v.v.
Kết luận
Công việc quản lý bán hàng là công việc mang lại mức thu nhập vô cùng cao, và cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Cơ hội khi bạn làm một nhà quản trị bán hàng là gì?
- Mở rộng mối quan hệ của bản thân.
- Được làm việc trực tiếp cùng những lãnh đạo cấp cao.
- Mở ra nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.
Qua những thông tin mà chúng mình đã chia sẻ, hy vọng bạn đã có kiến thức nền tảng về công việc quản lý bán hàng là gì hay những kỹ năng cần có là gì. Dựa vào thông tin này, để trở thành một nhà quản lý bán hàng xuất sắc, bạn hãy học hỏi và rèn luyện ngay từ hôm nay nhé!
Nếu bạn đang tìm kiếm công việc quản lý bán hàng chất lượng, hãy truy cập Glints ngay hôm nay!
Tác Giả