Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, đội ngũ nhân viên luôn đóng vai trò cốt lõi và quyết định đến sự thành bại của công ty. Bởi họ chính là người trực tiếp tạo nên giá trị và văn hóa của chính doanh nghiệp ấy. Một công ty muốn phát triển thì đội ngũ nhân viên phải rất vững mạnh về cả kỹ năng chuyên môn lẫn thái độ làm việc.
Để tuyển được những người tài cho công ty thì không thể vắng bóng vai trò của chuyên viên nhân sự. Vậy chuyên viên nhân sự là gì? Công việc hằng ngày của họ ra sao? Họ đóng vai trò như thế nào trong bộ máy doanh nghiệp? Cùng Glints khám phá tất tần tật về công việc chuyên viên nhân sự nhé!
Chuyên viên nhân sự là gì?
Trong các doanh nghiệp, chuyên viên nhân sự thuộc phòng ban Quản trị Nhân sự (HR). Vai trò của chuyên viên nhân sự là “cầu nối” giữa các cấp quản lý và cấp nhân viên.
Là một chuyên viên nhân sự có tâm và có tầm, bạn cần hiểu rõ Luật Lao động để từ đó đảm bảo phúc lợi của nhân viên, đồng thời tìm cách phát triển họ về cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.
Mô tả công việc của chuyên viên nhân sự
Mang nhiều trọng trách đối với một doanh nghiệp đến thế, vậy bảng mô tả công việc của chuyên viên nhân sự là gì? Bên dưới đây, Glints đã tổng hợp những đầu việc chính mà một chuyên viên nhân sự sẽ phải đảm nhiệm trong quá trình làm việc.
Cụ thể như sau:
- Chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động, chương trình tuyển dụng mỗi khi doanh nghiệp phát sinh nhu cầu về mặt nhân sự.
- Thực hiện các kỹ năng chuyên môn để tìm nguồn ứng viên, từ đó sàng lọc và phỏng vấn hiệu quả.
- Đánh giá nhu cầu đào tạo và điều phối các hoạt động phát triển nhân sự về kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.
- Củng cố văn hóa doanh nghiệp thông qua các buổi đào tạo, gắn kết,…
- Thực hiện các thủ tục đánh giá hiệu suất làm việc, ví dụ như đánh giá nhân viên hàng quý, hàng năm.
- Xây dựng các chính sách nhân sự công bằng và đảm bảo nhân viên hiểu và tuân thủ chúng.
- Đầu mối hỗ trợ nhân viên trong các vấn đề liên quan đến luật lao động; giải quyết khiếu nại của nhân viên.
- Thiết kế các gói bồi thường và phúc lợi của doanh nghiệp.
- Xem xét phần mềm công nghệ quản lý nhân sự, đề xuất những sáng kiến hiệu quả hơn.
- Đo lường tỷ lệ giữ chân nhân viên và tỷ lệ thay thế.
- Giám sát hoạt động hàng ngày của bộ phận nhân sự.
- Xây dựng nội dung, thông tin nội bộ.
Kỹ năng một chuyên viên nhân sự cần có
Với khối lượng công việc như thế, vậy những kỹ năng cần thiết của một chuyên viên nhân sự là gì?
Kỹ năng giao tiếp
Dù kỹ năng giao tiếp là điều quan trọng với hầu hết ngành nghề, nhưng đối với các chuyên viên nhân sự thì còn hơn cả thế. Đối với các cấp quản lý, họ đại diện cho tiếng nói của nhân viên; đối với nhân viên, họ lại đại diện cho tiếng nói của ban quản lý.
Hơn thế, trong quá trình tuyển dụng, chuyên viên nhân sự sẽ là người cùng các phòng ban tham gia quá trình phỏng vấn. Điều này đòi hỏi họ phải có khả năng ăn nói lưu loát để quá trình phỏng vấn diễn ra suôn sẻ.
Chuyên viên nhân sự cũng là người phụ trách truyền thông nội bộ trong một tổ chức. Họ phải đảm bảo mọi thông tin nội bộ là chính xác và được cung cấp đến đúng đối tượng. Họ cũng phải tương tác với tất cả các nhân viên để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên.
Kỹ năng đàm phán
Đàm phán là một phần quan trọng của việc trở thành chuyên viên nhân sự. Họ phải thương lượng về mức lương, đãi ngộ và các phúc lợi liên quan đối với người mới vào công ty.
Các quản lý cấp cao phân bổ lượng ngân sách cố định cho các vị trí tuyển dụng, nên vai trò của chuyên viên nhân sự phải đảm bảo thu hút nhân tài trong mức ngân sách đó.
Các chuyên viên nhân sự cũng là người đàm phán khi có tranh chấp giữa những người lao động, hoặc giữa người lao động với người sử dụng lao động. Họ phải đảm bảo xung đột được giải quyết hợp lý và mọi người đều hài lòng với kết quả đó.
Điều này rất khó nhưng lại rất quan trọng, vì vậy một giám đốc nhân sự cần phải có kỹ năng đàm phán vững vàng.
Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề là một phần quan trọng trong nhiệm vụ của chuyên viên nhân sự. Từ những vấn đề nội bộ như giải quyết xung đột giữa các nhân viên, đến những vấn đề bên ngoài như các vấn đề liên quan đến danh tiếng của doanh nghiệp.
Trong một công ty lớn sẽ có nhiều kiểu nhân viên khác nhau, nên việc xảy ra tranh chấp là chuyện thường tình. Bất cứ khi nào xảy ra tranh chấp, chuyên viên nhân sự nên là người đầu tiên biết về điều này. Họ cần giải quyết nó một cách công bằng và dài hạn, không để chúng phát sinh lần sau.
Làm việc nhóm
Trong một tổ chức lớn sẽ có phòng ban Nhân sự riêng biệt gồm nhiều chuyên viên nhân sự đảm nhiệm các vai trò khác nhau. Vì các vai trò này tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, nên chuyên viên nhân sự cần có kỹ năng làm việc nhóm tuyệt vời để làm tốt công việc của mình, đồng thời hỗ trợ các nhóm chuyên viên khác.
Các HR Executive cũng là người tổ chức các sự kiện trong công ty. Muốn vậy, họ phải thành lập ban tổ chức và làm việc với các nhân viên từ những phòng ban khác.
Vì vậy, kỹ năng làm việc nhóm là điều bắt buộc đối với các chuyên viên nhân sự. Bạn có thể trau dồi kỹ năng này ngay từ lúc còn là thực tập sinh nhân sự.
Kỹ năng tin học
Chuyên viên nhân sự phải có sự am hiểu về công nghệ. Hầu hết mọi doanh nghiệp lớn hiện nay đều sử dụng phần mềm để quản lý nhân sự.
Các phần mềm này sẽ giúp các HR Executive theo dõi tiến độ phát triển của nhân viên, cập nhật các chính sách công ty, thực hiện các biện pháp tiết kiệm ngân sách,…
Vì vậy, bạn cần phải hiểu rõ về công nghệ để có thể vận hành tất cả chúng. Các chuyên viên nhân sự cũng phải số hóa và sắp xếp, quản lý các tài liệu quan trọng.
Thế nên các kỹ năng kỹ thuật là yếu tố cần ở những chuyên viên quản trị nhân sự hiện đại.
Kỹ năng cố vấn
Các chuyên viên nhân sự cũng chính là người cố vấn cho nhân viên mới của công ty. Tất nhiên, họ sẽ có leader để hướng dẫn họ ở kỹ năng chuyên môn.
Song, HR Executive sẽ giúp họ cách quản lý thời gian, cách thích nghi với môi trường mới, cách để làm việc như ở nhà…
Từ đó, nhân viên sẽ nắm được những kỹ năng mềm để thực hiện công việc một cách hiệu quả và trơn tru hơn rất nhiều.
Kỹ năng tương tác liên cá nhân (interpersonal skill)
Bên cạnh khả năng giao tiếp tốt, chuyên viên nhân sự còn phải sở hữu kỹ năng tương tác liên cá nhân. Tương tác ở đây bao hàm cả việc giao tiếp, đồng cảm, kết nối, thấu hiểu họ ở mọi phương diện.
Sự tương tác tốt giữa HR Executive và nhân viên sẽ giúp văn hóa doanh nghiệp trở nên ‘mở lòng’ hơn. Mọi người thoải mái chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình mà không bị phán xét, trù dập và kì thị.
Mức lương của chuyên viên nhân sự là gì?
Sẽ rất khó để đưa ra một mức lương cụ thể đối với vị trí chuyên viên nhân sự nói riêng và các vị trí cấp cao trong phòng ban Nhân sự nói chung.
Dưới đây, Glints đã tổng hợp một vài mức lương phổ biến cho từng vị trí, cụ thể như sau:
- Thực tập sinh quản trị nhân sự: dao động từ 5 – 10 triệu/tháng.
- Chuyên viên nhân sự: dao động từ 10 – 12 triệu/tháng.
- Giám sát chuyên viên nhân sự: dao động từ 10 – 20 triệu/tháng.
- Phó phòng nhân sự: 20 – 30 triệu/tháng.
- Trưởng phòng nhân sự: 30 – 40 triệu/tháng.
- Giám đốc nhân sự khu vực: 40 – 80 triệu/tháng.
- Giám đốc nhân sự (CHRO): 80 – 100 triệu/tháng.
Tìm cơ hội làm việc ở đâu?
Nếu bạn đang kiếm tìm cơ hội làm chuyên viên nhân sự cho bản thân, Glints sẽ giúp bạn với hàng loạt cơ hội làm việc và phát triển bản thân nhé.
Tác Giả