5 Bài học kinh doanh thành công từ Jeff Bezos

Theo bảng xếp hạng tài sản của các tỉ phú Bloomberg Billionaires Index công bố ngày 26/8/2020, tài sản ròng của nhà sáng lập và là giám đốc điều hành công ty thương mại điện tử Amazon – Jeff Bezos hiện hơn 202 tỉ USD. Giàu hơn người đứng thứ hai là nhà đồng sáng lập công ty Microsoft, Bill Gates, 78 tỉ USD.

Bezos trở thành người giàu nhất thế giới từ năm 2017. Tính đến thứ 4-2020, công ty Amazon có giá trị hơn 1,7 nghìn tỉ USD, trở thành công ty có giá trị thứ hai ở Mỹ, chỉ sau Apple.

Chính thức gia nhập thế giới Internet vào năm 1995 và trải qua nhiều thất bại lớn. Nhưng Amazon vẫn “sống sót” và lớn mạnh nhờ khả năng phục hồi, tầm nhìn và tinh thần không bao giờ từ bỏ của Jeff Bezos. Dưới đây là 5 bài học vô cùng giá trị mà những người khởi nghiệp cần học hỏi từ vị CEO tài ba này.

1. Triết lý về “chiếc ghế trống”

Trong những ngày đầu của Amazon, Bezos luôn đặt một chiếc ghế trống trong mỗi cuộc họp. Đối với tất cả những người tham dự, đây là “khách hàng” của Amazon và được xem như là một lời nhắc nhở rằng không có quyết định nào được phép làm trái ý “thành viên” quan trọng nhất trong cuộc họp.

Triết lý này đã khiến Amazon trở thành một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ai cũng ghét chờ đợi, không thích sản phẩm bị lỗi hay hết hàng trong kho, thế nên, Amazon liên tục thu thập thông tin và tìm cách giảm thiểu tối đa những phiền toái này. Đối với Bezos, đổi mới dựa trên thông tin thu thập được từ khách hàng chính là cách làm hiệu quả nhất.

2. Lời xin lỗi chân thành không làm tổn thương “cái tôi” của bạn

Năm 2009, Amazon từng chọc giận khách hàng khi thẳng tay xóa các bản copy của cuốn sách Animal Farm và 1984 của George Orwell dù đã được đăng ký mua. Nguyên nhân là do hai tác phẩm này đã được bán trái phép bởi một người bán ẩn danh. Đối với các công ty khác thì tình huống này đều được coi là một cuộc khủng hoảng ở mức độ trung bình.

Tuy nhiên, với Bezos thì lại khác. Ông đã viết một bức thư xin lỗi với danh nghĩa cá nhân tới tất cả người dùng. Ông nói, “cách giải quyết của chúng tôi đối với vấn đề này thật ngu ngốc, thiếu suy nghĩ và đi ngược lại với các nguyên tắc kinh doanh cơ bản của công ty… Từ sau, chúng tôi sẽ chín chắn hơn trong từng quyết định”.

Đối với một startup, có thể bạn sẽ nghĩ thừa nhận sai lầm dẫn tới mất khách hàng nhưng thực tế, từ chối làm điều này còn đẩy khách hàng ra xa bạn hơn. Trong ví dụ trên, đa phần các công ty sẽ đưa ra một thông cáo báo chí xin lỗi về sai sót đã mắc phải. Hoặc tệ hơn là phủ nhận mọi lỗi lầm. Rõ ràng bức thư cầu xin sự tha thứ đầy chân thành của Bezos đã “thu phục” được khách hàng.

3. Quy tắc 2 chiếc bánh Pizza

Trong suy nghĩ của Bezos, 2 chiếc pizza không đủ để cả nhóm trong 1 cuộc họp cùng ăn thì buổi họp đó có quá nhiều người tham dự. Thực chất, Bezos chỉ khuyến khích họp hành khi thực sự cần thiết.

Ông cho rằng việc xây dựng các đội nhóm quá nhiều thành viên sẽ trở nên kém hiệu quả, rất khó ra quyết định và gây lãng phí nguồn lực. Phân bổ các đầu việc cho từng nhóm nhỏ giúp nhiệm vụ hoàn thành nhanh hơn và ai cũng được tự do thể hiện quan điểm của mình.

4. Dài hạn mới là điều quan trọng

Khi chi tiền ra mua hơn 1 triệu đầu sách để phục vụ cho khách hàng, Bezos nhận được rất nhiều lời chỉ trích. Hơn 10 năm sau đó, khi khoản đầu tư bắt đầu có lãi, những lời chỉ trích đó biến thành lời ca ngợi thành công của Bezos.

Nếu một chiến thuật hoặc sáng kiến dường như tạo ra sự thay đổi lớn thì Bezos sẵn sàng bỏ qua mọi sự phản đối để thực hiện nó. Ông có thể chờ nửa thế kỷ để nhận được tiền lãi từ khoản đầu tư của mình. Nếu cảm thấy điều gì đó tốt, ông sẵn sàng thực hiện ngay lập tức. Nếu bạn tin tưởng thứ gì đó có thể thành công thì hãy làm và đừng lo lắng quá nhiều về các phần thưởng trong ngắn hạn.

5. Thất bại là đều kiện cần của sự cải tiến

Amazon được hình thành khi Internet “còn trong trứng nước” và thương mại trực tuyến đã bắt đầu phát triển nhưng chưa thực sự rõ ràng. Bezos nhận thức được tất cả những thất bại đang chờ đợi mình. Nhưng ông cũng biết rằng không có gì có thể ngăn cản ông đưa Amazon thành công.

Sau khi Amazon.com ra đời vào ngày 16/7/1995, với mục tiêu đầu tiên là bán sách, những gì Bezos và nhóm của mình tập trung vào là cải thiện bản thân trang web, từ tính năng cho tới chất lượng. Cả vốn lẫn công sức đều được Bezos đầu tư hết mức vào Amazon, ông không ngại tung ra những ưu đãi, gửi những sản phẩm miễn phí, giao hàng tận nhà và đảm bảo đúng hạn… Chính sự hào phóng quá mức đó đã khiến Amazon, sau hơn tám năm thành lập, không hề mang về một đồng lãi nào.

Gần một thập niên làm ăn thua lỗ, Bezos hẳn phải trở nên nản lòng? Năm 2003, doanh thu của Amazon đã tăng lên 34% (đạt hơn 5 tỉ USD) và tiếp tục tăng trong những năm sau đó, nhanh chóng đưa những nhà đầu tư vào Amazon trở thành tỉ phú. Hiện nay, đúng như cái tên Amazon, trang web này đã vươn ra toàn cầu, chiếm lĩnh một vị trí không thể thay thế trong kinh doanh bán lẻ trực tuyến.

Tầm nhìn chiến lược thì hầu như CEO nào cũng có, nhưng chưa chắc ai cũng dám “liều” đến cùng và kiên định hết mức như Jeff Bezos. Mong đợi thất bại nhưng đừng để nó cản trở kế hoạch của bạn. Thay vào đó, hãy chuẩn bị để đối mặt.