-
Có mục đích
Mục đích là một khái niệm bao quát mà mỗi chúng ta luôn tìm cách theo đuổi trong thời gian dài.
Hai giáo sư Amy Wrzesniewski (Yale) và Jane Dutton (Đại học Michigan) phát hiện ra rằng, việc làm có ý nghĩa và có mục đích sẽ khiến bạn yêu thích công việc của mình hơn, cũng như góp phần cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, ý thức về mục tiêu đồng thời khiến bạn cảm thấy dễ chịu, hòa đồng, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Có mục đích trong công việc nghe có vẻ đơn giản hơn so với thực tế. Tất nhiên, bạn có thể có những mục tiêu đơn giản, ngắn hạn, hoặc ước mơ một số điều không mang lại hạnh phúc thực sự như đã đề cập phía trên (ví dụ: chức danh mới, mức lương cao hơn…). Tìm một mục tiêu lớn, lâu dài để sống và tràn đầy năng lượng xoay quanh công việc hàng ngày không phải là điều dễ dàng.
Để tìm ra mục đích trong công việc, bạn có thể tìm hiểu về khái niệm Ikigai.
Ikigai là một khái niệm đến từ Nhật Bản đề cập đến lý do tồn tại – hình thành từ sự giao thoa của bốn yếu tố chính:
- Việc bạn yêu thích.
- Việc bạn giỏi.
- Việc thế giới cần.
- Việc bạn có thể được trả lương.
Tìm thấy Ikigai là bước đầu trên hành trình mang lại cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc trong công việc, vì nó gắn kết đam mê và kỹ năng của bạn với những giá trị mà thế giới coi trọng.
-
Đặt ra những mục tiêu nội tại có thể đạt được và mang lại cảm giác về thành tựu bản thân
Trong mô hình PERMA của Martin Seligman, chữ “A” là viết tắt của Accomplishment/Achievement (Thành tựu).
Cảm giác thành tựu xuất phát từ việc hướng tới và đạt được các mục tiêu, làm chủ nỗ lực và động lực tự thân. Hoàn thành mục tiêu đề ra góp phần mang lại hạnh phúc – vì bạn có thể tự hào về cuộc sống của mình.
Bên cạnh việc có một mục tiêu lớn trong cuộc sống/ công việc), việc đặt ra nhiều mục tiêu nhỏ có thể đạt được ngay lập tức cũng quan trọng không kém. Cho dù là hoàn thành một khóa học về lĩnh vực mà bạn muốn trở nên giỏi hơn, tạo ra nhiều kết nối hơn trong công việc, hoàn thành dự án đúng thời hạn hay giúp đỡ đồng nghiệp, những “chiến thắng” nhỏ đó sẽ mang đến sự khác biệt lớn trong cách bạn cảm nhận về công việc của mình.
Theo nghiên cứu năm 2002 của Locke và Latham, việc thiết lập mục tiêu tác động trực tiếp đến động lực và cảm xúc tích cực của cá nhân. Điều quan trọng là hãy đặt mục tiêu phù hợp với các giá trị và nguyện vọng nghề nghiệp của bạn, cũng như các mục tiêu mang lại động lực nội tại – hơn là những thứ “bề nổi” như tiền bạc, chức danh hay thăng chức.
Bằng cách này, bạn có thể làm việc hướng tới điều gì đó có ý nghĩa và có giá trị, góp phần mang lại sự hài lòng và cảm giác hạnh phúc trong công việc.
Ăn mừng những thành tựu bản thân là bước cần thiết để củng cố cảm xúc tích cực, cung cấp cho bộ não tín hiệu rằng bạn đã đạt được điều gì đó quan trọng. Chính điều này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy bạn tiếp tục đi tiếp cuộc hành trình và đặt ra những “cột mốc” lớn hơn nữa trong tương lai.
-
Tìm một người bạn ở nơi làm việc
Các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc không chỉ khiến bạn yêu thích công việc hơn – mà còn góp phần đáng kể vào hạnh phúc trong công việc.
Dữ liệu gần đây của Gallup ủng hộ quan điểm này, rằng việc có một người bạn thân tại nơi làm việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hài lòng trong công việc – đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới và xu hướng làm việc từ xa sau đại dịch.
Có một người “tri kỷ” nơi công sở mang lại những lợi ích như: khiến công việc trở nên thú vị hơn, hỗ trợ tinh thần, cải thiện hiệu suất công việc nhờ vào giao tiếp và cộng tác tốt hơn.
Nghiên cứu của Harvard cũng cho thấy kết quả tương đồng. Những người có mối quan hệ khăng khít và cảm thấy được kết nối nhiều nhất với người khác nhìn chung sống thọ hơn.
Ngược lại, trong báo cáo của MIT, sự cô đơn là một vấn đề “đáng báo động” trong xã hội hiện tại. Khi cảm thấy bị cô lập, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight). Điều này cũng đồng thời dẫn đến tình trạng căng thẳng, tăng khả năng mắc các bệnh về sưng, viêm hơn và nhiều hệ lụy khác nữa.
-
Đừng so sánh bản thân với người khác
So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui.
Theodore Roosevelt
Khi liên tục so sánh bản thân với người khác, bạn có thể cảm thấy mình không được đánh giá cao – hệ quả sau đó là cảm giác nản lòng, mất động lực, thất vọng và buồn bã.
Ngoài ra, khi tập trung vào những gì người khác có mà mình không có, bạn đang bỏ lỡ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình. Bạn có thể cảm thấy mình sẽ không bao giờ đủ giỏi – hoặc sẽ không bao giờ đạt được mức độ thành công như những người khác.
Ngay cả những người thành công nhất cũng có lúc cảm thấy cô đơn và bất hạnh. Đây là lời nhắc nhở rằng, thành công và thành tựu không phải là điều duy nhất mang lại hạnh phúc. Điều quan trọng là phải tập trung vun đắp các mối quan hệ tốt đẹp, tìm kiếm ý nghĩa trong công việc và trải nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống.