Nhu cầu người dùng và xu hướng tiêu thụ trong ngành hàng đá quý thay đổi đáng kể, đặc biệt sau ảnh hưởng của Covid-19. Để cạnh tranh giữ chân và mở rộng tập khách hàng cũng như để nâng cao thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng về sản phẩm, dịch vụ mà còn cần làm hài lòng khách hàng trên hành trình trải nghiệm.
Trong bất kỳ ngành nghề nào, điều quan trọng với doanh nghiệp không chỉ là cung cấp sản phẩm dịch vụ gì mà hơn hết, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng để họ có những trải nghiệm tuyệt vời. Sự hài lòng về trải nghiệm, sản phẩm và dịch vụ giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng cũ cũng như mở rộng tập khách hàng mới, góp phần tăng doanh thu, nâng cao thương hiệu trên thị trường. Đối với ngành đá quý, vấn đề cung cấp trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò thực sự quan trọng.
Thị trường trang sức toàn cầu ước đạt 229,3 tỷ USD năm 2019 và được dự đoán sẽ đạt 291,7 tỷ USD vào năm 2025 (1). Trong đó, thị trường trang sức kim cương toàn cầu, tính riêng, đạt giá trị 78 tỷ USD năm 2019 (2) và được dự báo sẽ tiếp tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Hiện tại, đời sống cũng như thu nhập của con người ngày càng được nâng cao, vì vậy, nhu cầu chăm sóc cho bản thân, đặc biệt về làm đẹp và các phụ kiện trang sức, đá quý ngày càng nhiều. Bởi vậy, thị trường ngành trang sức, đá quý cũng có cơ hội mở rộng phát triển không ngừng.
Tác động của dịch Covid-19 tới ngành hàng trang sức, đá quý
Trước cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, ngành công nghiệp đá quý cũng đã gặp phải những thiệt hại, tuy nhiên, vẫn có mức phát triển tốt hơn so với thị trường xa xỉ phẩm cá nhân nói chung. Năm 2020, doanh số bán hàng toàn cầu giảm 15%, tính riêng thị trường bán lẻ trang sức kim cương chỉ đạt giá trị 64 tỷ USD. Theo một cuộc khảo sát cho thấy, sau đại dịch, có từ 75-80% người tiêu dùng cho biết họ có ý định chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn cho trang sức kim cương so với số tiền trước khi đại dịch xảy ra. (3)
Việc đóng cửa, hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và những bất ổn kinh tế đã làm giảm doanh số bán đồ trang sức đá quý, kim cương của các doanh nghiệp và nhu cầu về trang sức đá quý của khách hàng cũng trở nên nội địa hóa hơn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã đang đẩy nhanh các xu hướng hiện góp phần định hình lại ngành công nghiệp kim cương. Chuỗi giá trị kim cương đang trở nên kỹ thuật số hơn mặc dù các cửa hàng truyền thống vẫn không bị mất giá trị.
Thương mại điện tử cũng được phát triển mạnh, năm 2020, có khoảng 20% doanh số bán lẻ diễn ra trực tuyến, trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ trang sức kim cương cũng công bố tăng trưởng doanh số 60-70% so với cùng kỳ 2019 trên các kênh trực tuyến của họ (3). Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng trên các kênh bán hàng trực tuyến, tuy nhiên, đa số người tiêu dùng vẫn thích mua kim cương tại các cửa hàng truyền thống do họ đánh giá cao việc được nhìn và chạm vào đồ trang sức cùng với các tư vấn trực tiếp từ nhân viên và các dịch vụ cá nhân đi kèm khác.
Xu hướng tiêu dùng trong thị trường ngành hàng đá quý
Một số xu hướng tiêu dùng đang nổi lên trong thị trường ngành hàng đá quý đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh hiện vẫn chưa có hồi kết, có thể kể đến như:
- Việc chuyển dịch hình thức mua sắm sang mua sắm trực tuyến diễn ra một cách nhanh chóng: trước những trách nhiệm với xã hội, cũng như để bảo vệ an toàn tối đa cho người tiêu dùng, chính vì vậy các doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp những trải nghiệm an toàn mà vẫn hài lòng cho người dùng cũng như thực hiện các công việc tiếp thị kỹ thuật số xuất sắc để đảm bảo không chỉ giữ vững thị trường kinh doanh hiện tại mà còn có thể mở rộng hơn nữa. Điều này đã tác động đến thói quen của người tiêu dùng, chuyển dịch hình thức mua sắm sang trực tuyến. Với xu hướng này, các nhà tiếp thị có thể áp dụng việc phân tích dữ liệu để phát triển các chiến dịch, sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa hơn cho người mua sắm trực tuyến.
- Khách hàng mong đợi sẽ được nhận những sản phẩm cá nhân hóa tại các đại lý bán hàng: Khi khách hàng có nhu cầu về các sản phẩm tùy chỉnh mang dấu ấn cá nhân, nếu cửa hàng, đại lý cung cấp được các sản phẩm như vậy cho khách hàng, sẽ giúp thương hiệu có thể phục vụ được nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn, tăng khả năng kinh doanh và cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Nâng cao ý thức về môi trường và xã hội: trong xã hội hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của môi trường cũng như các vấn đề về ổn định, an toàn xã hội, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có những giải pháp liên quan đến vòng đời sản phẩm xuyên suốt từ quản lý chuỗi cung ứng đến xử lý hàng tồn kho, … Ngành hàng đá quý có thể chú trọng vào việc hỗ trợ các sáng kiến góp phần đảm bảo nguồn gốc đá quý, kim cương; các chương trình bảo hành và đổi trả thích hợp cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao niềm tin và an tâm mua sắm của khách hàng.
- Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng được mở rộng: điều này có thể là cơ hội hoặc cũng có thể thách thức cho các thương hiệu nếu thương hiệu không có các chiến lược phát triển phù hợp. Việc cải tiến các sản phẩm đã lỗi thời hay phát triển những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị yếu của khách hàng hay đơn giản là triển khai các ưu đãi với các mức giá để có thể tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng là những vấn đề doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cần quan tâm thực hiện.
Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 22/07/2022
Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 22/07/2022
Một số ví dụ điển hình của các doanh nghiệp trong thị trường trang sức, đá quý
Một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trang sức, đá quý đã và đang ứng dụng công nghệ vào kinh doanh nhằm cung cấp tới khách hàng của họ những trải nghiệm tuyệt vời.
Tiffany & Co đã mở cửa hàng mới tại khu vực Covent Garden (London) với tên gọi Style Studio nhằm cung cấp một môi trường mua sắm thoải mái, thư giãn hơn cho khách hàng, tạo ra một khái niệm mới về sự sang trọng. Tại cửa hàng, Tiffany có các máy bán hàng tự động bán các sản phẩm nước hoa của hãng, đồng thời, cung cấp dịch vụ thiết kế khắc tại chỗ. Xung quanh cửa hàng đặt một số màn hình phẳng để khách hàng có thể vẽ và chuyển ý tưởng thiết kế của họ lên mặt dây chuyền hoặc các sản phẩm khác một cách nhanh chóng. Cửa hàng là sự kết hợp xu hướng mua sắm trang sức của các đối tượng khách hàng, bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa với cách thức chuyển dịch sang hướng năng động hơn nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt với phân khúc khách hàng trẻ (4).
Bên cạnh Tiffany, Cartier và Bulgati cũng đang chuyển trọng tâm sang việc tạo ra trải nghiệm và đưa công nghệ vào hoạt động của họ. Cartier đã đi đầu trong thị trường đồ trang sức mỹ nghệ trực tuyến, thương hiệu đã thu hút một lượng khá lớn khán giả trẻ, sành điệu đến với các sự kiện theo mùa của mình. Bulgati lại áp dụng cách tiếp cận khá khác với so với hai doanh nghiệp trước. Mặc dù họ chưa cải tiến không gian tại cửa hàng nhưng họ đã phát triển mở rộng độ nhận diện thương hiệu bằng cách đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm, và quảng bá chúng qua các chiến dịch truyền thông xã hội rộng rãi, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng tới xã hội.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi của người dùng và phát triển không ngừng trong thời đại số, liên tục cập nhật những xu hướng tiêu dùng của khách hàng là một hành động cần thiết để các doanh nghiệp trong ngành hàng trang sức đá quý đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như đảm bảo đạt được lợi ích kinh doanh cao nhất.
Nguồn tham khảo
(1) Statista.2020. Global jewelry market size from 2019 & 2025
(2) Statista. 2020. Global diamond jewelry market value 2009-2019
(3) Bain & Company. 2021. Brilliant Under Pressure: The Global Diamond Industry 2020–21
(4) Luxury Society. 2018. Modernizing the Fine Jewelry Shopping Experience