Quân khu 2 – Nhịp đời của tôi với thời làm Báo Quân khu 2

QK2 – Ngay từ những ngày đầu làm phóng viên Báo Quân khu 2, tôi được không ít đồng đội, bạn bè, người thân chia sẻ về những vất vả, gian truân của nghề báo; trong đó có  Bố đẻ tôi – Đại tá Tô Văn Tân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Chính trị Trường Quân sự Quân khu, ông thường bảo: “Cán bộ, phóng viên, đảng viên dù cấp cao hay thấp nếu có tài – đức thực sự thì sau này mới giữ được hai chữ “Nhà báo” dài lâu vì Quân đội ta ngày càng chính quy, hiện đại; đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ dân trí sẽ cao…”. Còn bạn bè ở Hà Nội đã đùa hỏi tôi: “Sao cậu đang yên, đang lành lại vào cái nghề viết lách làm gì cho đau đầu và hay mất ngủ… vậy?”.

Tác giả Tô Văn Binh tác nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Riêng anh trai tôi lúc ấy đã khuyên: “Quân khu 2 là địa bàn rất “màu mỡ” để tác nghiệp nên em cố gắng tìm tòi, sáng tạo tác phẩm và tranh thủ học thêm tại chức ở một trường nào đó liên quan đến nghiệp vụ của mình thì mai kia mới đủ tầm: Tay cầm bút, chân vượt núi rừng, ngực hứng giá lạnh, đầu đội nắng nóng phản ảnh sâu sắc các vấn đề nổi cộm, những nhân tố tập thể đơn vị, cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu và đồng bào các dân tộc Tây Băc”.

Nghe  người thân và bạn bè nói thế, tôi vừa miệt mài tác nghiệp, vừa xin thủ trưởng đơn vị về Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, chiều tối tranh thủ đi học quay phim, đêm khuya cậm cụi viết báo. Lương tháng Thượng úy tôi nuôi vợ con, nhuận bút tôi mua xăng nuôi xe máy, tâm đạo tôi nuôi nghiệp đời…

Con đường tôi đi, phong cách tôi chọn nếm trải qua năm bảy tờ báo với cái danh: “Phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên và một cái viên đặc biệt nữa là…đảng viên. “Có lần vợ tôi nói vui: “Anh đi đâu cũng thấy toàn là “viên” nhỉ…?”. Tôi tếu táo: Còn thiếu một cái viên nữa là viên mãn vì đôi ta đẻ con một bề, vì anh cầm bút đã mòn cả tay mà suốt cả năm 2011 chỉ có vài ba tác phẩm “đậm Đảng  – nhạt Đoàn” ngắn ngủn đăng trên các Báo: Quân khu, Quân đội, Tiền Phong, Thanh Niên, mà bố tôi nghỉ hưu ở quê nhà vẫn cứ “khoe suốt” với các ông bạn già lúc “trà dư tửu hậu”.

Thế là vào đầu tháng 10/2012, tôi phóng từ Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh về rẽ ngang vào Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc gặp Trung úy QNCN Đào Duy Tuấn (nay là Thiếu tá, Phóng viên Báo quân khu) hỏi thông tin để về đăng ký đề tài viết một vệt bài mang tên “Chi bộ quân sự cấp xã ở Vĩnh Phúc”.

Tác phẩm dài kỳ đầu tay này, tôi đem phô tô ra một bản trình Đại tá Nguyễn Tất Hiệp, Phó tổng biên tập Báo Quân khu, một bản cầm  về nhờ bố tôi xem, cho ý kiến không như thường lệ… Ông đeo kính ngồi trước hiên nhà nghiền ngẫm từng câu, từng chữ… xong rồi mới cất lời: “Kết cấu chặt chẽ, văn phong uyển chuyển… Nội dung đề tài khá mới bởi các chi bộ này vừa thành lập và đi vào hoạt động sẽ có những hạn chế, bất cập là đương nhiên rồi, nhưng con viết “mạnh tay’ như thế thì e  rằng sẽ làm khó cho Báo Quân khu đấy”.

Sự nhận định ấy của bố tôi như là một tiên cảm đã ứng nghiệm ngay khi tôi nghe Phó Tổng biên tập Nguyễn Tất Hiệp gọi vào phòng giao ban nói: “Anh đọc kỹ hết cả vệt bài của em rồi. Đề tài và nội dung tác phẩm rất sát thực tiễn, nhưng chưa thật đúng với định hướng tuyên truyền của báo mình là “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” nên nếu đăng vệt bài này của em vào các số báo tới thì phải sửa rất nhiều. Anh nói thế chắc em sẽ hiều lý do tác phẩm này chưa thể dùng ngay được chứ ?”.

 Vâng! Gần hai tuần sau tôi cũng biết, biết rồi lòng mới nhớ “tròn vành rõ nghĩa” cái điều mà bố tôi bảo ngày nào: “Con là đảng viên làm báo tức là làm chính trị. Mà phóng viên làm chính trị thì phải viết được thể loại điều tra, phản ảnh mềm dẻo cả những mặt hạn chế, yếu kém lẫn tích cực của các tập thể đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đúng lúc và hợp thời điểm. Với lại, con phải học nhiều, học ở mọi nơi; học ở cả những người, những cơ quan thất bại và học cả ở những tập thể, cá nhân thành công thì bút lực mới an yên như mong đợi…”

Tác phẩm ấy coi như “gần chết lâm sàng ”, tôi vẫn “sống vui, sống khỏe”, sống hằng ngày, sống từng giờ và thao thức với từng phút giây đổi thay, phát triển của Báo Quân khu, các đơn vị truyền thông đa phương tiện của nước nhà. Vì là người “ăn cây nào rào cây ấy” nên tôi đã sửa lại một số cụm từ, ngữ nghĩa trong vệt bài ấy cho “mềm hóa” nhưng thực ra bản chất, nội dung thì vẫn y nguyên, rồi đem bài nộp lại cho thủ trưởng đơn vị để đi công tác gấp tại Sơn La. Vài tuần sau nghe điện thoại đồng nghiệp, tôi biết vệt bài của mình lần lượt chào đời ở Báo Quân khu xong, đích thân Phó Tổng biên tập Nguyễn Tất Hiệp chuyển xuống Báo Quân đội nhân dân đăng tiếp. Tôi phấn khởi nhất là khi mình nhận được giấy mời trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mời dự buổi lễ Tổng kết công tác xây dựng tổ chức cơ sở các cấp năm 2012, rồi nhân nhận tấm bằng khen kèm số tiền thưởng vượt khung.

Thú thật với bạn đọc là cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng vũ trang Quân khu 2 và đồng bào các dân tộc Tây Bắc! Từ đầu năm 2013 đến năm 2015, tôi làm phóng viên, kiêm biên tập viên của Phòng Chuyên đề, Trung tâm Phát Thanh – Truyền hình Quân đội có không ít tác phẩm đã đoạt giải cao khi đem dự thi. Nhưng khổ nỗi, năm 2016 do cơ quan đang thiếu hụt nhân lực mà lại xin trên “cơi nới” thêm vài phòng, mấy ban, vì vậy tôi được điều lên làm Phó trưởng Phòng Văn Hóa – Thể Thao và Giải trí.

 Năm 2018, tôi xin đi học lớp trung sư đoàn tại Học viện Chính trị 13 tháng và tiếp tục học nâng cao Nghề đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình, đến giờ vẫn chưa xong nên đồng nghiệp, bạn bè không thấy tên Tô Văn Binh đăng các báo là đúng thôi. Tôi dùng bút danh Tố Tâm như là để “ở ẩn” hơn 4 năm qua rồi. Những phóng, ký sự phát thanh trên đài tiếng nói Việt Nam, báo in, mạng xã hội ngắn dài đủ cả nên ai biết đều gọi tôi là “tay đa phương tiện” .

 Hôm nay, tôi tâm sự với bạn đọc, bạn viết nói chung là không phải để kể lể, liệt kê thành tích (vấn đề này đã được chứng minh qua mọi tác phẩn của tôi đã có  trên các báo, đài từ trước tới nay). Cụ thể là bài “Vũ nữ xòe Thái 90 tuổi” của tôi được đăng ở Báo Quân khu 2 năm 2011 viết về cụ Mào Thị Be ở Mường Tè, Lai Châu. Cụ Be thuở xưa từng là vũ nữ “nghiêng nước, nghiêng thành” bị vua Thái Đèo Văn Long bắt về cung để múa hát cho quan Pháp thưởng ngoạn trong các tiệc rượu.  Nhờ gìn giữ được gần hai muơi điệu xòe cổ mà cụ Be đã truyền dạy cho con cháu, dân bản bảo tồn, phát huy đúng giá trị nghệ thuật.

Khi biết ngành văn hóa – thể thao và du lịch của mấy tỉnh vùng cao Tây Bắc vào tháng 10 năm 2021 đang  loay hoay đi tìm những người phụ nữ Thái cao tuổi giỏi xòe cổ để lập danh sách trình Ủy ban Liên Chính phủ công nhận Di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam cho UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi xin luôn bài “Vũ nữ Xòe Thái 90 tuổi” mà bố tôi đang giữ ở quê gửi tặng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu. Những thông tin quý giá hơn “vớ được vàng” đó đồng nghĩa với việc cụ Be và đội văn nghệ nữ Nậm Hản, Mường Tè đang từ chỗ chỉ biết múa xòe cho dân bản xem bỗng dưng vào trước ngày 15/12/2021 thành vũ công biểu diễn nghệ thuật xòe Thái cổ để chuyên viên quốc tế “sát hạch”, khách nước ngoài thưởng thức, bái vọng.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 như thế này,  tôi thường nghĩ về đồng nghiệp đơn vị cũ của mình, nhiều bạn viết, bạn đọc còn ở  khắp vùng cao Tây Bắc. Trước năm 2016, tôi về làm Truyền hình Quân đội, mỗi khi biết tôi tới sản xuất phim tài liệu, ký sự ở Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu dài ngày họ hay gọi điện hẹn để anh em hàn huyên tâm sự, luận bàn sôi nổi về  Báo Quân khu 2; đó là các bạn vong niên thân thiết, các nhà báo trẻ, các đồng nghiệp tốt nết bây giờ xa cách vẫn đậm tình, vẫn đọc không bỏ sót bất kỳ tác phẩm nào mang bút danh Tố Tâm của tôi khi đăng tải trên các báo in, hay điện tử. 

Thật vui, hôm vừa nhắn tin chúc Đại tá Đào Đức Hanh, Tổng biên tập Báo Quân khu 2 nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) sức khỏe, hạnh phúc; hỏi thăm các đồng nghiệp Báo Quân khu 2 thân quen, tôi viết: “Sang tuần sau em gửi bài “Dấu ấn bộ đội trên Mù Cang Chải” báo mình anh nhé. Nhưng bây giờ em đang nhiều cảm xúc sẽ thể hiện luôn tác phẩm “Nhịp đời của tôi vời thời làm báo Quân khu 2” anh ạ! Tôi nhận được lời phúc đáp: OK, đồng nghiệp viết luôn đi. Đồng nghiệp có ở bất cứ nơi đâu, làm gì thì trên danh bạ điện thoại của mình vẫn ghi là Binh BQK”.  Tôi không biết bày tỏ gì hơn ngoài dòng: “Vâng! em cảm ơn Tổng biên tập và Báo Quân khu 2  rất nhiều”.

 Còn nhớ vào tháng cuối cùng công tác ở Báo Quân khu 2 trước khi chuyển về Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội, tôi có xin tư liệu và nhờ trực tiếp Trung tá, phóng viên Ngô Hùng bấm máy quay những hình ảnh bộ đội giúp đồng bào Mông vượt qua vấn nạn tái trồng và nghiện thuốc phiện, tiêm chích ma túy  ở các bản làng vùng sâu tỉnh Yên Bái. Có trong tay thứ “của hồi môn” quý giá ấy, tôi đem ra biên tập thành tác phẩm “Những người mang hai dòng họ” đoạt suất sắc cuộc thi “Bộ đội Cụ Hồ – Bộ đội của dân” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân tổ chức vào ngày 31/3/2015.

Sau khi ẵm giải thưởng, ôm mấy bó hoa xuống sân khấu, tôi bị phóng viên của các loại hình báo chí trong và ngoài Quân đội đón đầu hỏi: “Tác phẩm này đoạt giải mà chỉ có đồng chí nhận là sao, thể loại phim tài liệu truyền hình như thế  phải có cả quay phim, đạo diễn cùng nhận giải mới đúng chứ…?”. Tôi không trả lời ngay mà trong lòng thầm cảm ơn tập thể cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 2 nói chung, anh Ngô Hùng nói riêng đã cho tôi những khoảnh khắc đầy cảm xúc dâng trào… rồi mới cất lời: “Đây là toàn bộ hành trang mà thủ trưởng, đồng nghiệp Báo Quân khu 2 gói gém tặng cho riêng tôi trước khi xuống dưới này nhận công tác mới”.

Bây giờ trong tôi bây giờ vẫn còn đọng lại bao day dứt khôn nguôi… Đó là không ít những cặp mắt thơ ngây trên mảnh đất vùng cao Yên Bái này chưa nhận diện được rõ cái nghèo đói, tụt hậu của cha mẹ, ông bà mình hiện tại là do đâu, là vô số cái nhìn nhìn khát khao được sống của những con nghiện ma túy đã thành bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối… là đầy sự gian truân của các thầy cô giáo “cắm điểm trường” sau mỗi đợt nghỉ hè phải mất cả tháng đi “bắt” học trò trở lại lớp học như thường lệ, là những người lính Cụ Hồ gắn bó cả đời binh nghiệp cho sự đổi mới, an nhiên của khắp các bản làng vùng cao Tây Bắc… Tất cả cứ lắng lại, để tôi cảm nhận rõ: Giá trị cuộc sống không chỉ nằm riêng ở sự giàu sang vật chất, quyền cao chức trọng, mà còn ở cả trái tim và tâm hồn cảm thông, sẻ chia vì cộng đồng của mỗi người! Tôi học được những điều quý giá đó từ khi là phóng viên Báo Quân khu 2.

TÔ VĂN BINH