STNN – Tại báo cáo tài chính năm 2022 thể hiện, Chubb Life đang có tổng tài sản là gần 17.333 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả tăng 12,5% lên mức 12.162 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần âm 96,4 tỷ đồng và Chubb Life dành khoảng 57,5% tài sản để đầu tư trái phiếu.
Lưu chuyển tiền thuần âm
Công ty TNHH Bảo hiểm Chubb Việt Nam (Chubb Life – trụ sở chính tại tầng 21, tòa nhà SunWah, 115 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM) được thành lập vào ngày 04/5/2005 với thời gian hoạt động là 50 năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay Chubb Life có vốn điều lệ là hơn 1.384 tỷ đồng do ông Lâm Hải Tuấn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Sơn làm Tổng Giám đốc.
Theo giới thiệu, Chubb Life là một doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, sở hữu bởi Chubb INA International Holdings Limited, một công ty được thành lập tại Mỹ. Hoạt động chủ yếu của Chubb Life là cung cấp các bảo hiểm nhân thọ như bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ… và các sản phẩm bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, Chubb Life cũng nhận và tái nhượng bảo hiểm đối với các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người.
Ngoài ra, Chubb Life cũng có một hệ sinh thái gồm 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Chubb Life (CFMC) và Quỹ Đầu tư Trái phiếu mở rộng Chubb. Trong đó, CFMC được thành lập vào tháng 10/2013 với vốn điều lệ 26 tỷ đồng do Chubb Life góp 100% vốn. Còn Quỹ Đầu tư Trái phiếu mở rộng Chubb là quỹ đầu tư chứng khoán dạng mở được thành lập vào tháng 4/2019. Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 thể hiện, Chubb Life góp 100 tỷ đồng (quyền sở hữu 99,57%) vào quỹ này và quỹ được quản lý bởi CFMC.
Về tình hình đầu tư vào các công ty con này, Chubb Life không ghi nhận sự biến động về dòng tiền. Khi mà BCTC năm 2022 của Chubb Life cho biết, Chubb Life chưa xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con để thuyết minh trên BCTC vì không có giá niêm yết trên thị trường cho các công cụ tài chính này.
Tại BCTC năm 2022 thể hiện, vào thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Chubb Life là gần 17.332 tỷ đồng. So với cùng thời điểm năm 2021 là 15.080 tỷ đồng, tổng tài sản của Chubb Life đã tăng thêm khoảng 15%. Trong đó, tài sản ngắn hạn của Chubb Life là gần 7.011 tỷ đồng, còn tài sản dài hạn là 10.322 tỷ đồng.
Với tổng tài sản được tăng lên thành 17.332 tỷ đồng thì nợ phải trả và vốn của chủ sở hữu của Chubb Life cũng được tăng lên theo. Cụ thể, tại BCTC cho thấy, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 tăng lên thành 12.162 tỷ đồng so với 10.809 tỷ đồng cùng thời điểm năm 2021 (tăng 12,5%). Đồng thời, vốn của chủ sở hữu cũng tăng lên thành 5.171 tỷ đồng so với 4.271. Tuy nhiên, trong phần vốn của chủ sở hữu có gần 3.648 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2022 của Chubb Life đạt 1.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 900 tỷ đồng. Lợi nhuận này có được đến từ doanh thu hoạt động tài chính với 887 tỷ đồng và doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm với gần 4.594 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong năm của Chubb Life âm 96,4 tỷ đồng dù thời điểm cuối năm 2021 là dương 210 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm tới tới 1.494,4 tỷ đồng, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ là 1.398 tỷ đồng.
Đầu tư mạnh cho trái phiếu
Cũng theo BCTC, tính đến ngày 31/12/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Chubb Life giảm xuống 96,3 tỷ đồng (tương đương 12,1%) còn hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, có 167 triệu tiền mặt, hơn 445 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 255 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.
Mặt khác, trong tổng số tài sản của Chubb Life thì phần đầu tư chỉ một phần nhỏ đầu tư góp vốn vào công ty con như đã nêu ở trên. Phần lớn tài sản của Chubb Life được dùng để đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn với thời gian đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn. Trong đó, Chubb Life tập trung tài chính dùng để đầu tư cho trái phiếu.
Cụ thể, BCTC thể hiện, tại khoản đầu tư tài chính dài hạn, Chubb Life dành hơn 10.130 tỷ đồng cho danh mục đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, 126 tỷ đồng vào công ty con và 10.004 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn – dài hạn. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn – dài hạn được Chubb Life đầu tư 8.608 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 492 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và hơn 921,7 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đến ngày đáo hạn là gần 5.592 tỷ đồng. Trong đó, có 4.516 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, 363 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 225 tỷ đồng tiền tạm ứng cho chủ hợp đồng và 502 tỷ đồng tiền trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể thấy, tính đến ngày 31/12/2022, Chubb Life đầu tư kênh trái phiếu với tổng số tiền là 9.965 tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng tài sản. Trong đó, có hơn 8.971 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và gần 994 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Một phần trong đó được đầu tư vào Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt), một doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt rất nhiều khó khăn và liên tục khất nợ thanh toán.
Theo đó, tại phần thuyết minh của BCTC về khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn của Chubb Life thể hiện, Chubb Life đang sở hữu 500 trái phiếu PDRH2123010 với tổng mệnh giá 50 tỷ đồng. Theo đó, 500 trái phiếu này thuộc lô 5.000 trái phiếu mã PDRH2123010 với tổng mệnh giá 500 tỷ đồng, được đảm bảo bằng cổ phiếu của Công ty Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR).
Công ty Phát Đạt cũng đã bổ sung tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu bằng 152 triệu cổ phần phổ thông của một công ty con. Công ty con này đang nắm giữ quyền sử dụng đất do nhà nước cho thuê trả bằng tiền hàng năm và tài sản gắn liền với đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu để phát triển dự án du lịch. Giá trị của tài sản đảm bảo bổ sung theo chứng thư thẩm định giá được cung cấp bởi một công ty thẩm định giá trong nước ngày 11/11/2022 là gần 3.858 tỷ đồng.
Được biết, chiều 24/6/2023, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong số này, thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ là nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt sau những ồn ào của thị trường bảo hiểm trong thời gian qua.
Sau đó, ngày 30/3/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra của 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng công bố kế hoạch đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong số 10 doanh nghiệp tiếp theo này, liệu sẽ có tên của Chubb Life hay không?
Anh Đức