Biến khát vọng thành hiện thực

QK2 – Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND – HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết, quyết định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành “miền quê đáng sống”.

Về các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Lạc vào dịp này chúng tôi không chỉ bắt gặp những gương mặt rạng ngời cùng nụ cười tươi rói nở trên môi của cán bộ, Nhân dân mà đến đâu cũng được bà con hồ hởi trò chuyện, kể về phong trào xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy chia sẻ, huyện triển khai xây dựng 3 “Làng văn hóa kiểu mẫu”, đó là: Thụ Ích (xã Liên Châu), Chi Chỉ (xã Đồng Cương) và Man Để (thị trấn Tam Hồng). Với sự tận tâm, quyết liệt của cán bộ các cấp, sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đến nay cả 3 khu thiết chế, văn hóa, thể thao đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nơi đây sẽ là trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của bà con trong thôn; là “địa chỉ đỏ” cung cấp thông tin, kiến thức trên các lĩnh vực. Từ khi bắt đầu triển khai xây dựng các khu thiết chế, nhiều người dân đã sẵn sàng đóng góp tiền, vật chất, hiến đất vàng cho chính quyền xây dựng, trở thành nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng. Đến nay, cả 3 “Làng văn hóa kiểu mẫu” của huyện đều đạt từ 7 đến 11 tiêu chí.

Câu lạc bộ hát Sọong cô xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên được duy trì hiệu quả, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Ở huyện Bình Xuyên, phong trào xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” cũng nở rộ không kém gì các địa phương khác. Cả 3 “Làng văn hóa kiểu mẫu” là: Tam Quang (thị trấn Gia Khánh), Trong Ngoài (thị trấn Hương Canh) và Chợ Nội (xã Tam Hợp) đều đã hoàn thành các Khu thiết chế văn hóa, thể thao. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù, đến nay Nhân dân của các thôn, tổ dân phố xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã đăng ký thực hiện nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, làm trang trại sản xuất, dừng chăn nuôi trong khu dân cư, quy tập các mộ riêng lẻ về nghĩa trang, vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô được chọn xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xã tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, làng nghề truyền thống đá Hải Lựu được địa phương lựa chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn. Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu là chủ cơ sở sản xuất và chế tác đá mỹ nghệ, trang trí, ốp lát và làm các con giống, con giáp, tạc tượng… tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập trung bình từ 9 – 10 triệu đồng/người/tháng. Do quê anh được chọn xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” nên được vận dụng một số cơ chế đặc thù vay vốn phát triển kinh tế gia đình với lãi xuất ưu đãi. Để đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm, anh dự định sẽ vay vốn đầu tư máy xẻ, máy tiện cỡ lớn và nhiều loại máy cắt nhỏ, cải tiến phương thức sản xuất. Hi vọng thu nhập của người làm nghề được ổn định và ngày càng cao hơn, không chỉ bán hàng trong nước mà mong xuất được đi cả nước ngoài.

Theo đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Xây dựng, hình thành nên “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã khó còn giữ và duy trì lâu dài, bền vững được là cả vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của cả chính quyền và người dân. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nền nếp, lối sống, những nét đẹp trong sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, ý thức tuân thủ pháp luật… Để mỗi chủ nhân của “Làng văn hóa kiểu mẫu” phải tự thay đổi từ bản thân cho đến gia đình, phù hợp với nếp sống mới, văn minh hơn.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2027, tỉnh Vĩnh Phúc chọn 60 thôn, tổ dân phố để thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở cả 9 huyện, thành phố, trong đó xây dựng các khu thiết chế văn hóa, thể thao chỉ là điểm nhấn, là nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí tập trung. Trong năm 2023 đã triển khai xây dựng ở 30 “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Tuy thời gian triển khai thực hiện chủ trương này mới chỉ được gần một năm, nhưng tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thôn, xã; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống. Lãnh đạo tỉnh nhất quán thực hiện quan điểm “không làm kinh tế bằng mọi giá”, “phát triển văn hóa phải ngang bằng với phát triển kinh tế”, mọi lợi ích đều hướng về người dân, ông Phạm Hoàng Anh chia sẻ thêm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã đi vào cuộc sống, đi vào lòng dân, vì vậy đây sẽ là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong nhiệm kỳ này. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đóng vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả, chất lượng xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Nhiều chủ trương, quyết sách đã được tỉnh xây dựng, triển khai nhanh chóng, đột phá, đổi mới, phù hợp với thực tiễn, có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt giữa các ban ngành, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “dọc ngang thông suốt”, “trên dưới đồng lòng”. Những kết quả đạt được bước đầu sẽ là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho cán bộ và Nhân dân quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành “miền quê đáng sống”.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN