QK2 – Hướng đến kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong tháng 4, Bảo tàng Quân khu tổ chức triển lãm “70 năm – Âm vang Điện Biên” bằng hình thức trưng bày, giới thiệu chuyên đề tại Bảo tàng và triển lãm lưu động. Đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và Nhân dân trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu học tập giá trị lịch sử truyền thống từ hệ thống tư liệu, hình ảnh hiện vật được trưng bày, giới thiệu.
Có mặt tại khuôn viên Bảo tàng Quân khu từ sáng sớm, chúng tôi đã nghe thấy giọng thuyết minh đầy cảm xúc của Thiếu tá QNCN Đinh Thị Thu, Hướng dẫn viên Bảo tàng Quân khu. Bên mô hình Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, chị Thu giới thiệu:
“Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, đơn vị của đồng chí Bế Văn Đàn được lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc này đồng chí là liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây địch ở Mường Pồn. Thấy lực lượng của ta ít, địch tập trung 2 đại đội có pháo binh yểm trợ liên tiếp phản kích. Đồng chí Bế Văn Đàn được lệnh xuống đại đội truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy. Tình hình ngày càng ác liệt, đồng chí được lệnh ở lại cùng đại đội chiến đấu. Đại đội bị thương vong nhiều và chỉ còn 17 người. Trong lúc cam go, chiến sĩ mang Trung liên Chu Văn Pù không bắn được vì chưa tìm được chỗ đặt giá súng. Trong tình thế khẩn cấp đó, đồng chí Bế Văn Đàn mặc dù đang bị thương nhưng đã không ngần ngại chạy đến ghì chặt 2 chân giá súng vào vai mình và hô đồng đội bắn. Thấy đồng chí Pù còn do dự, Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi bắn chết chúng nó đi, trả thù cho đồng đội”. Đồng chí Pù nghiến răng nổ súng quật ngã hàng chục tên, địch hốt hoảng bỏ chạy, đợt phản kích của chúng bị bẻ gãy. Đồng chí Bế Văn Đàn đã bị thương rất nặng và hy sinh khi hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai”.
Chăm chú theo dõi hướng dẫn viên, các chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 39, Bộ Tham mưu Quân khu không giấu nổi sự thán phục trước tấm gương người anh hùng năm xưa. Tất cả như lặng xuống khi hướng dẫn viên chỉ ra những chi tiết nhỏ trên mô hình thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh. Hai hàng nước mắt còn hiện rõ trên khuôn mặt đồng chí Chu Văn Pù. Rơi nước mắt xuống không phải vì sợ hãi quân thù mà vì xót thương đồng đội đã chấp nhận hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Lần đầu được tham quan Bảo tàng Quân khu 2, Binh nhì Nguyễn Tùng Lâm, Chiến sĩ Tiểu đoàn 39, Bộ Tham mưu Quân khu như nghẹn lại: “Chúng tôi đã được biết đến câu chuyện về anh hùng Bế Văn Đàn qua các bài học lịch sử, nhưng qua mô hình thực tế và giọng thuyết minh đầy cảm xúc, chúng tôi mới hiểu thấu được giá trị của hòa bình, hiểu được những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông đi trước. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với giá trị của hòa bình hôm nay”.
Mô hình Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng chỉ là một gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Quân khu 2 mang đến trong triển lãm lần này. Nội dung trưng bày giới thiệu chuyên đề được bố cục thành 4 chủ đề: Bối cảnh lịch sử; Đóng góp của quân và dân Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch và Âm vang chiến thắng. Thông qua đó, triển lãm phản ánh khái quát quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Tây Bắc cùng quân, dân cả nước đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải kỳ vào hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; khẳng định sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, gắn với đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quân khu, năm nay lượng khách đến tham quan Bảo tàng Quân khu tăng vọt so với mọi năm. 4 tháng đầu năm, đơn vị đã đón tiếp hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và khách thập phương đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Những ngày tháng 5 lịch sử đang đến gần, nhu cầu tham quan, học tập, giáo dục truyền thống của bộ đội là rất lớn. Do vậy đơn vị đã nỗ lực phối hợp hoàn thiện một số hạng mục chuyển đổi số bảo tàng; đồng thời tổ chức đợt triển lãm lưu động với phương châm “đem Bảo tàng đến với các đơn vị cơ sở”. Qua đó, mang đến cho bộ đội những mô hình, bài học lịch sử chân thực nhất, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; xây dựng ý chí quyết tâm luyện rèn cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lập thành tích cao nhất hướng đến 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Cùng với hoạt động triển lãm chuyên đề và lưu động, trong dịp này, Bảo tàng Quân khu 2 đang tích cực phối hợp với Viettel Phú Thọ triển khai dự án chuyển đổi số bảo tàng, trước mắt tập trung nâng cấp khu sa bàn Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thành mô hình trình chiếu 3D để đưa vào phục vụ khách tham quan ngay trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG