Công việc của một báo cáo viên thường sẽ có những đặc trưng riêng trong các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.
Vậy trong từng lĩnh vực cụ thể, công việc của báo cáo viên là gì? Cùng Glints Việt Nam làm rõ tất tần tật những thông tin quan trọng mà bạn cần biết về công việc hấp dẫn này. Đồng thời hiểu thêm về các tiêu chuẩn cần có giúp bạn có thể trở thành một báo cáo viên giỏi.
Báo cáo viên là gì?
Báo cáo viên là những vị trí thực hiện các công việc tuyên truyền, truyền đạt thông tin để đảm bảo các thông tin quan trọng được thông báo đầy đủ đến các cư dân ở địa phương đó.
Báo cáo viên còn có danh xưng khác là tuyên truyền viên và thường đảm nhiệm nhiệm vụ cung cấp các thông tin sau đây:
- Cung cấp thông tin về các chương trình, dự án phát triển tại địa phương trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v.
- Cập nhật xu hướng, tình hình phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tài chính, xã hội, chính trị, khoa học, kỹ thuật đang có tại địa phương.
- Tuyên truyền thông tin về an toàn, trật tự xã hội cũng như các hoạt động an ninh quốc phòng hiện nay tại địa phương.
- Nêu gương các tấm gương có thành tích nổi bật trong tập thể, cộng đồng, xã hội.
- Giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nổi bật và cung cấp thông tin đầy đủ để hỗ trợ sự phát triển của hoạt động sản xuất và chất lượng sống cho người dân.
Tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên
Là đầu mối thông tin của địa phương, khu vực, một người báo cáo viên/tuyên truyền viên đóng nhiều vai trò quan trọng. Do đó, việc xây dựng đầy đủ đội ngũ báo cáo viên là một nhu cầu cần thiết đối với một khu vực, địa phương trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Sự cần thiết của việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên xuất phát từ các kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động báo cáo viên từ trước đến nay. Trong đó, Đảng ta luôn luôn sử dụng đội ngũ báo cáo viên một cách rất hiệu quả và nhanh chóng, chính xác trong các hoạt động tại từng khu vực, địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo cũng được xây dựng bởi yêu cầu phát huy thế mạnh và chất lượng của hoạt động tuyên truyền một cách hiệu quả.
Đồng thời, sự cần thiết của đội ngũ báo cáo viên còn xuất phát từ yêu cầu định hướng thông tin chính xác và toàn diện hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu khiến việc tiếp cận thông tin trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Tiêu chuẩn báo cáo viên giỏi
Để trở thành một báo cáo viên hoàn hảo, bạn cần đảm bảo mọi thông tin được phân công đều được truyền tải đầy đủ, chính xác và trung thực.
Để làm được những yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng thông tin, một người báo cáo viên cần sở hữu các tố chất về cả phẩm chất lẫn năng lực và kỹ năng.
Về phẩm chất
Về phẩm chất, một người báo cáo viên lý tưởng cần sở hữu một lập trường kiên định để có thể trình bày và truyền đạt các quan điểm một cách đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, một năng lực vững vàng về các quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần giúp cho báo cáo viên có thể tiến xa hơn trong hành trình nghề nghiệp.
Một người báo cáo viên cũng cần có một tinh thần kỷ luật cao, đạo đức, trách nhiệm cao và có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người.
Về năng lực, kỹ năng
- Có am hiểu và kiến thức nền tảng về chính trị, bao gồm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật Việt Nam và các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
- Trình độ năng lực nhất định trong nhiều lĩnh vực đa dạng như kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, v.v cũng như các kiến thức sư phạm, nghiệp vụ báo cáo viên/tuyên truyền viên, v.v.
- Năng lực tiếp nhận, thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin để có thể truyền lại và trình bày thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng và chính xác đến các đối tượng người nghe.
- Năng lực giao tiếp, đối thoại với mọi người xung quanh.
- Bản lĩnh nói trước đám đông, công chúng, khả năng nhạy bén về thông tin cũng như các khía cạnh về chính trị, tư tưởng, đường lối của Đảng và Nhà nước, v.v.
- Đảm bảo các phát ngôn đều chính xác, đúng sự thật, phù hợp và không tùy tiện phát ngôn những thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực.
- Có suy nghĩ và quan điểm độc lập với một ý thức trách nhiệm cao để có thể luôn sẵn sàng đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao.
- Có sự đam mê và tâm huyết, gắn bó với nghề báo cáo viên.
- Sự cần cù, kiên trì, tinh thần học hỏi và cầu tiến để phát triển bản thân tốt hơn và luôn rèn luyện, thực hành để nâng cao năng lực không ngừng.
- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các nghiệp vụ về báo cáo viên cũng như các cập nhật mới để phát triển nghề nghiệp hiệu quả hơn.
Một số câu hỏi thường gặp về báo cáo viên
Cán bộ viên chức có được làm báo cáo viên tại đơn vị hay không?
Theo Quyết định 52/2016/QĐ-TTg về các tiêu chuẩn cần có để trở thành một báo cáo viên, bạn cần có:
“1. Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có tín nhiệm trong công tác; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
2. Có khả năng truyền đạt; sử dụng thông thạo ngôn ngữ nói bằng tiếng Việt hoặc tiếng các dân tộc thiểu số tại địa phương.
3. Nắm vững lĩnh vực chuyên môn mà báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền miệng.
4. Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn mà báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền miệng ít nhất 3 năm liên tục.”
Tóm lại, cán bộ viên chức có mong muốn trở thành báo cáo viên chỉ cần đảm bảo các yêu cầu trên đây thì có thể tham gia công việc.
Khi trở thành một báo cáo viên tham gia công tác tại các khu vực, địa phương, các cơ sở, đơn vị, cơ quan cần có trách nhiệm đảm bảo, hỗ trợ các báo cáo viên làm việc hiệu quả, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cần thiết để đảm bảo công tác tuyên truyền, báo cáo được diễn ra hiệu quả.
Những nội dung này cũng được quy định đầy đủ trong quy chế hoạt động thông tin cơ sở được đính kèm cùng với Quyết định 52/2016/QĐ-TTg (Điều 15).
Đọc thêm: Chia Sẻ Góc Nhìn: Nên Làm Nhà Nước Hay Tư Nhân?
Báo cáo viên pháp luật là gì?
Công việc báo cáo viên pháp luật được quy định đầy đủ và cụ thể trong Điều 35 theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong đó, công việc báo cáo viên pháp luật được định nghĩa là các cán bộ viên chức, công chức hay các sĩ quan đã tham gia hoạt động trong lực lượng vũ trang nhân dân được công nhận vai trò và nhiệm vụ về việc phổ biến và giáo dục pháp luật.
Để trở thành một báo cáo viên pháp luật, bạn cần có đủ những tố chất sau:
- Đạo đức tốt và sở hữu lập trường, quan điểm và tư tưởng kiên định.
- Có khả năng tốt về giao tiếp, truyền đạt, đối thoại thông tin.
- Đã tốt nghiệp đại học ngành luật, đồng thời có kinh nghiệm làm việc trong ngành pháp luật tối thiểu 2 năm, hoặc bằng đại học và kinh nghiệm 3 năm làm việc trong ngành luật.
Báo cáo viên pháp luật có các quyền nào?
Khi trở thành báo cáo viên pháp luật, bạn có thể được hưởng nhiều quyền lợi quan trọng:
- Được hỗ trợ cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu pháp luật, quy phạm pháp luật và các loại văn bản liên quan để phục vụ cho công tác thực thi việc phổ biến và giáo dục pháp luật.
- Được hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cần thiết để có thể thực hiện công việc phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hiệu quả nhất.
- Cơ hội tham gia các buổi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật các kiến thức về lĩnh vực pháp luật, giúp phát triển kỹ năng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một báo cáo viên pháp luật.
- Được hưởng thu nhập, thù lao đầy đủ cũng như những chế độ phúc lợi, lợi ích của pháp luật khi tham gia công tác dưới vai trò của một báo cáo viên pháp luật.
Lời kết
Thông qua bài viết trên các câu hỏi quan trọng “báo cáo viên là gì?”, “Tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên?”, “Tiêu chuẩn của một báo cáo viên giỏi” và các thắc mắc xung quanh công việc báo cáo viên đã được giải đáp rất đầy đủ.
Hi vọng bạn sẽ nắm bắt những thông tin quan trọng có thể giúp bạn chinh phục công việc như mong muốn.
Và đừng quên theo dõi những bài viết mới đầy bổ ích tại Glints Việt Nam nhé!
Tác Giả