Một công ty hay tổ chức là tập hợp của các bộ phận, vị trí với các chức năng khác nhau, cùng phối hợp để đảm bảo công ty, tổ chức đó vận hành một cách trơn tru và hiệu quả ngay từ lúc bắt đầu. Các bộ phận trong công ty lại bao gồm nhiều vị trí khác nhau, đóng góp vào quá trình thực hiện trách nhiệm và mục tiêu của từng bộ phận.
Cụ thể, trong một công ty thường có những bộ phận nào và vai trò của từng bộ phận là gì? Glints sẽ giải đáp thắc mắc của bạn trong bài viết này.
Vai trò quan trọng của các bộ phận trong một công ty
Trước tiên, hãy nói qua về vai trò của các vị trí trong công ty. Tại sao lại cần có nhiều bộ phận khác nhau như vậy trong cùng một công ty?
Các bộ phận trong công ty thường được chia nhỏ ra thành nhiều vị trí với chức năng và nhiệm vụ khác nhau dưới sự chỉ đạo chung của ban giám đốc. Các bộ phận này có thể hoạt động theo quy trình hoàn toàn riêng biệt và công việc cũng khác nhau nhưng chung quy đều có mối quan hệ mật thiết, tương trợ lẫn nhau trong quá trình làm việc để hoàn thành mục tiêu chung của công ty.
Tổng hợp các bộ phận trong công ty
Tuỳ vào lĩnh vực mà mỗi công ty sẽ có số lượng bộ phận khác nhau. Sau đây là các bộ phận trong công ty cơ bản nhất:
1. Bộ phận hành chính, nhân sự
Con người luôn là một nhân tố quan trọng trong bất cứ một doanh nghiệp nào. Chính vì vậy, có một bộ phận chuyên về vấn đề liên quan đến nhân sự trong một công ty là điều rất cần thiết.
Bộ phận hành chính nhân sự có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân viên, xây dựng văn hoá công ty, cũng như đảm bảo một môi trường làm việc tuyệt vời cho nhân viên trong công ty.
2. Bộ phận tài chính, kế toán
Bộ phận tài chính, kế toán là một trong những bộ phận đảm nhận trách nhiệm quan trọng liên quan đến tài chính, các khoản thu chi của công ty và lương cho nhân viên.
Các nhân viên trong bộ phận kế toán, tuỳ thuộc vào chức vụ sẽ đảm đương các công việc khác nhau, nhằm hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo sự công khai minh bạch trong bất cứ vấn đề gì liên quan đến tài chính.
Người làm việc trong bộ phận này đòi hỏi phải có đầu óc nhanh nhạy, làm việc được với số liêu, và đặc biệt phải trung thực.
3. Bộ phận kinh doanh
Bộ phận kinh doanh là bộ phận trực tiếp quyết định doanh số bán hàng của một công ty. Để có thể trụ vững trên thị trường và trở nên nổi bật hơn so với đối thủ, ngoài yếu tố quan trọng là sản phẩm, doanh nghiệp cần có một đội ngũ kinh doanh xuất sắc và nhiệt huyết.
Nhân viên trong bộ phận kinh doanh, tiêu biểu như nhân viên Sales, có trách nhiệm tiếp cận với khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của họ, và cung cấp giải pháp hữu ích là sản phẩm hay dịch vụ của công ty. Để có thể thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, nhân viên kinh doanh phải thực sự hiểu được tâm lý mua hàng của khách hàng, đồng thời có khả năng giao tiếp, thuyết phục.
4. Bộ phận marketing
Cùng với bộ phận kinh doanh, marketing là bộ phận đóng góp không ít công sức vào việc tăng doanh thu cho công ty.
Về cơ bản, bộ phận marketing đảm nhiệm việc xây dựng thương hiệu cho công ty, tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, và quảng bá sản phẩm của công ty.
Nếu không có marketing, công ty sẽ khó có thể tiếp cận khách hàng và mang sản phẩm của mình đến gần với họ.
5. Bộ phận kỹ thuật, sản xuất
Trong các công ty sản xuất thì đây là một bộ phận vô cùng quan trọng vì đó là nơi những sản phẩm được tạo ra.
Từ khâu thiết kế, chọn lọc nguyên liệu, đến gia công sản phẩm, tất cả đều có thể được thực hiện bởi bộ phận kỹ thuật sản xuất. Sản phẩm được tạo ra cần có sự giám sát và thử nghiệm để đảm bảo chất lượng, sau đó mới được phân phối ra thị trường.
Bộ phận này cũng đảm nhiệm chức năng bảo dưỡng, sửa chửa đối với bất cứ lỗi nào phát sinh từ sản phẩm. Ngoài ra, việc cung cấp các số liệu về sản phẩm cho bộ phận kinh doanh cũng hết sức cần thiết trong trường hợp khách hàng cần hỗ trợ và muốn biết thêm thông tin về sản phẩm.
6. Bộ phận kiểm soát chất lượng
Một công ty cũng có thể có bộ phận kiểm soát chất lượng riêng biệt so với bộ phận kỹ thuật sản xuất nếu quy mô của công ty đó lớn hay số lượng sản phẩm sản xuất ra khổng lồ. Khi đó, một đội ngũ chuyên gia thẩm định chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra đạt tiêu chuẩn là vô cùng cần thiết.
Đúng như cái tên của nó, bộ phận này có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm cuối cùng liệu có đạt yêu cầu đã đề ra theo kế hoạch hay chưa, có vi phạm quy định của Nhà nước hay không (ví dụ như quy định về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hàng tiêu dùng), hoặc có tiềm năng thu hút khách hàng hay không.
Để có thể trở thành nhân viên của bộ phận kiểm soát chất lượng, bạn phải là người am hiểu về sản phẩm, cũng như những quy định về sản xuất nói chung. Bên cạnh đó những phẩm chất như tỉ mỉ, cẩn thận là rất cần thiết đối với một chuyên viên kiểm soát chất lượng (Quality Control – QC).
Tạm kết
Trên đây là bài viết tổng hợp các bộ phận trong công ty cơ bản nhất. Bạn có thể sẽ trở thành thành viên của một trong số các bộ phận kể trên, vì vậy tìm hiểu về nó trước khi thực sự bước chân vào thị trường lao động sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về cách thức tổ chức và hoạt động của một công ty là như thế nào. Nếu thấy thông tin này hữu ích, đừng quên theo dõi Glints Blog để cập nhật nhiều bài viết hay ho khác nhé!
Tác Giả