Đi làm đã lâu nhưng bạn đã nắm rõ về các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như những quyền lợi cụ thể của người lao động về những loại bảo hiểm này? Đây chính là những quyền lợi quan trọng của người lao động được đề cập cụ thể trong các bộ luật về lao động cũng như các hợp đồng lao động.
Cùng Glints khám phá những thông tin cần biết về những quyền lợi cụ thể của người lao động khi tham gia các loại bảo hiểm này nhé!
Tại sao phải đóng bảo hiểm bắt buộc khi đi làm?
Bảo hiểm bắt buộc là những hình thức bảo hiểm có sự tham gia đầy đủ của người lao động và cá nhân, tổ chức sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Điều kiện bảo hiểm, mức phí và số tiền bảo hiểm tối thiểu cho các loại bảo hiểm bắt buộc cũng sẽ được quy định rõ ràng theo các điều khoản của pháp luật.
Mục đích chủ yếu của bảo hiểm bắt buộc là để bảo vệ các lợi ích công cộng cũng như sự an toàn cho xã hội.
Về phía doanh nghiệp, việc tham gia đầy đủ bảo hiểm bắt buộc thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và sự san sẻ những rủi ro mà doanh nghiệp thực hiện cho cộng đồng và xã hội.
Về phía người lao động, bảo hiểm bắt buộc sẽ là phương tiện giúp hỗ trợ và bảo vệ nhu cầu cũng như quyền lợi chính đáng của người lao động trong quá trình tham gia lao động.
Bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
1. Bảo hiểm xã hội
Khái niệm bảo hiểm xã hội
Theo quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014, định nghĩa về bảo hiểm xã hội như sau: là sự bảo đảm, bù đắp thay thế cho người lao động trong những trường hợp bị suy giảm hay mất nguồn thu nhập xảy ra do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, nghỉ hưu hoặc chết.
Bảo hiểm xã hội sẽ được chi trả cho người lao động trong những hợp trên bằng cách sử dụng một phần thu nhập hằng tháng của người lao động kể từ khi ký kết hợp lao động chính thức với doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội có mấy loại?
Hiện tại, bảo hiểm xã hội được chia thành 2 loại sau đây:
- Bảo hiểm loại bắt buộc: là bảo hiểm xã hội được Nhà nước tổ chức, yêu cầu người lao động và tổ chức/cá nhân sử dụng lao động phải tham gia và tuân thủ đầy đủ.
- Bảo hiểm loại tự nguyện: là bảo hiểm xã hội được Nhà nước tổ chức, trong đó người tham gia bảo hiểm được tùy chọn mức bảo hiểm phù hợp với thu nhập.
Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội
Những đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Người lao động là công dân Việt Nam.
- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề được cung cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Đồng thời, hợp đồng lao động phải có thời hạn tối thiểu từ 01 năm trở lên.
- Người sử dụng lao động: người sử dụng lao động có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài.
Mức đóng bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu vùng vừa được điều chỉnh tăng, vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội cũng cần được sửa đổi lại.
Đồng thời, quá trình đóng và hưởng bảo hiểm xã hội chỉ được xác nhận khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu cho người lao động, cụ thể, mức lương chi trả cho người lao động cần cao hơn ít nhất là 7% dựa trên mức lương tối thiểu vùng.
Từ ngày 01/07 – 30/09/2022, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội là 31%, được thu từ 10.5% của người lao động và 20.5% của bên sử dụng lao động.
Từ ngày 01/10/2022, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh thành 32%, tăng thêm 1%.
Điều kiện để nhận lương hưu
Dựa trên Luật Bảo hiểm xã hội, từ 01/01/2018, người lao động khi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu hằng tháng bằng 45% thu nhập bình quân đóng bảo hiểm xã hội, được đánh giá tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Từ 2022 trở đi, các quy định về điều kiện nhận lương hưu đã có một số điều chỉnh. Để nhận được lương hưu người lao động cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Đối với lao động nam: tham giam bảo hiểm xã hội ít nhất 20 năm. Đồng thời, khi đóng đủ bảo hiểm xã hội 35 năm sẽ nhận được lương hưu tối đa (75% lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng).
- Đối với lao động nữ: tham gia bảo hiểm xã hội ít nhất 15 năm, khi đóng đủ bảo hiểm xã hội 30 năm cũng sẽ nhận được lương hưu tối đa.
Đọc thêm: Lương Gross Và Lương Net Là Gì? Cách Tính Lương Gross Và Lương Net
2. Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế là một trong những loại bảo hiểm bắt buộc được áp dụng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật, phục vụ cho quá trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ chi trả một phần hay toàn bộ chi phí y tế xảy ra do bệnh tật hay tai nạn, điển hình như chi phí phát sinh khi khám bệnh, điều trị, phục hồi sức khỏe, v.v.
Đọc thêm: Các Công Ty Bảo Hiểm Hàng Đầu Ở Việt Nam
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Giống như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được chia thành 2 loại: bắt buộc và tự nguyện.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, bảo hiểm y tế bắt buộc được áp dụng cho 6 nhóm đối tượng người lao động sau đây:
- Bảo hiểm được đóng bởi người lao động và người sử dụng lao động
- Bảo hiểm được đóng bởi người sử dụng lao động
- Bảo hiểm được đóng bởi cơ quan bảo hiểm xã hội
- Bảo hiểm được đóng bởi ngân sách Nhà nước
- Bảo hiểm được hỗ trợ mức đóng bởi ngân sách Nhà nước
- Bảo hiểm được đóng bởi hộ gia đình
Những đối tượng còn lại không nằm trong 6 nhóm đối tượng quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc sẽ được tham gia hình thức bảo hiểm tự nguyện.
Các hình thức chi trả của bảo hiểm y tế
Đối với bảo hiểm y tế, người tham gia sẽ được tùy chọn cơ sở khám chữa bệnh để được hưởng một phần hoặc toàn bộ chi phí tại cơ sở này. Đầu mỗi quý, người tham gia có thể thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh mới.
Tùy theo từng trường hợp và đối tượng khác nhau, bảo hiểm y tế sẽ có thực hiện hỗ trợ các mức chi trả khác nhau, có thể hỗ trợ một phần chi phí cho người lao động và một số trường hợp được chi trả hoàn toàn.
- Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm y tế đúng tuyến: tham gia khám chữa bệnh tại đúng cơ sở y tế đã đăng ký như ban đầu. Các mức hỗ trợ thường là 80%, 95% và 100% dựa vào các đối tượng và trường hợp đã quy định.
- Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm y tế trái tuyến: tham gia khám chữa bệnh tại cơ sở y tế khác với nơi đã đăng ký ban đầu. Bảo hiểm sẽ chi trả cho trường hợp này với mức hỗ trợ 40% trên tổng phí điều trị nội trú trung ương, và 100% trên tổng phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh và tuyến huyện.
3. Bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong số các loại bảo hiểm bắt buộc, hỗ trợ người lao động trong trường hợp mất việc làm, đang học nghề hoặc đang trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được chi trả cho người lao động theo quy định dựa trên tổng chi phí đã đóng cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định trong Luật Việc làm 2013, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng như sau:
- Người lao động tham gia đóng 1% dựa trên tiền lương tháng.
- Người sử dụng lao động sẽ tham gia đóng 1% dựa trên quỹ tiền lương tháng của người lao động.
Mức đóng cụ thể sẽ dựa trên tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp, và cũng là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Người lao động tham gia chế độ lương quy định bởi Nhà nước: Mức đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở
- Người lao động tham gia chế độ lương quy định bởi người sử dụng lao động: Mức lương tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hay trợ cấp thất nghiệp được quy định cụ thể trong Luật Việc làm 2013 (Điều 50) và được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định 28/2015/NĐ-CP (Điều 8).
Người lao động được nhận mức trợ cấp 60% trên tiền lương bình quân đóng bảo hiểm của 06 tháng liên tiếp trước khi thất nghiệp, đồng thời không vượt quá 05 lần lương cơ sở/lương tối thiểu vùng.
Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ từ 12 – 36 tháng, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp trong 3 tháng. Sau đó, thêm 12 tháng tham gia đầy đủ sẽ được hưởng 01 tháng trợ cấp nhưng không được vượt quá 12 tháng.
Ví dụ: Người lao động thất nghiệp sau 36 tháng làm việc và tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là 10.000.000đ. Vì vậy, người này có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 03 tháng kế tiếp, với mức trợ cấp mỗi tháng là 6.000.000đ.
Đọc thêm: Cách Tính Bảo Hiểm Thất Nghiệp Như Thế Nào Là Chính Xác Nhất?
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là gì?
Theo Luật Việc làm 2013 (Điều 49), người lao động cần đáp ứng đủ những điều kiện sau đây để được nhận đủ trợ cấp thất nghiệp:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động.
- Đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng tối thiểu trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xét duyệt bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự hay nghĩa vụ công an, bị tạm giam hoặc đã định cư ở nước ngoài, đã chết, v.v.
Kết luận
Glints đã giúp bạn có những hình dung cụ thể nhất về các loại bảo hiểm bắt buộc, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Đây chính là những quyền lợi cơ bản vô cùng quan trọng đối với người lao động khi tham gia ký kết hợp đồng lao động và làm việc tại các doanh nghiệp.
Hi vọng bạn sẽ ghi nhận được những thông tin quan trọng giúp đảm bảo lợi ích cho bản thân trong quá trình làm việc.
Tác Giả