Thu thập thông tin là một trong những yêu cầu cần thiết và quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần thực hiện trước khi chiến dịch marketing. Bởi thông tin chính là cơ sở giúp doanh nghiệp dễ dàng hoạch định chiến lược marketing cho sản phẩm/dịch vụ của mình.
Do đó việc làm thế nào để có được thông tin chính xác, đem lại giá trị là điều hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm. Để giúp doanh nghiệp của bạn dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin Glints chia sẻ đến bạn các phương pháp thu thập thông tin trong marketing thông dụng ngay trong bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu nhé.
Thu thập dữ liệu nghiên cứu trong marketing là gì?
Thu thập dữ liệu trong marketing được hiểu là một giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp phải dành thời gian của mình để tiến hành nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội có liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức và chi phí để có thể thu thập dữ liệu cần thiết trước khi bắt tay lên kế hoạch marketing và thực hiện chiến lược đó.
Do đó, để tránh mất thời gian, chi phí và công sức thì người thu thập dữ liệu phải có kỹ năng, kinh nghiệm khi làm việc tại vị trí này.
5 Phương pháp thu thập dữ liệu nghiên cứu trong marketing
1. Phương pháp quan sát và lắng nghe (Observation & Listening)
Phương pháp quan sát và lắng nghe được cho là phương pháp đầu tiên trong 5 cách thu thập dữ liệu nghiên cứu trong marketing hiện nay. Thông qua phương pháp này bạn sẽ dễ dàng thu thập được những thông tin, dữ liệu quan trọng cho doanh nghiệp.
Dựa vào dữ liệu có được từ phương pháp lắng nghe bạn cần tiến hành phân tích để biết được xu hướng hiện nay mà khách hàng mong muốn.
Hiện tại, phương pháp quan sát được kết hợp với các phương pháp khác để kiểm tra chéo độ chính xác khi thu thập dữ liệu.
Các phương pháp quan sát sẽ bao gồm:
- Quan sát trực tiếp/gián tiếp: Quan sát trực tiếp là phương pháp mà bạn sẽ tiến hành quan sát các sự kiện, hành động đang diễn ra. Quan sát gián tiếp là bạn sẽ quan sát các tác động hay kết quả của một hành vi.
- Quan sát ngụy trang và công khai: Là phương pháp nghiên cứu quan sát các đối tượng được nghiên cứu mà họ không biết mình đang bị quan sát. Còn quan sát công khai là quan sát, nghiên cứu các đối tượng mà họ biết mình đang là đối tượng bị quan sát.
- Công cụ quan sát là con người hoặc thiết bị: Quan sát được thực hiện bằng con người là bạn sẽ sử dụng các giác quan của mình để quan sát kĩ đối tượng nghiên cứu. Còn quan sát bằng thiết bị là sẽ sử dụng máy đếm, máy đọc quét, v.v.
- Quan sát có cấu trúc hoặc không cấu trúc: Quan sát có cấu trúc sẽ giúp bạn biết được nên quan sát hành vi nào trước, hành vi nào sau. Còn quan sát không cấu trúc tức là không giới hạn hành vi quan sát của bạn đối với đối tượng mục tiêu.
2. Phương pháp phỏng vấn (Interview)
Phương pháp phỏng vấn được hiểu đơn giản là một cuộc hỏi đáp giữa một bên là phỏng vấn và một bên là người được tham gia phỏng vấn thông qua hình thức tiếp xúc nào đó.
Thực tế thì hình thức tiếp xúc trong phỏng vấn khá đa dạng. Đối với phương pháp thu thập dữ liệu này bạn có thể áp dụng một trong các hình thức sau đây:
- Phỏng vấn trực tiếp
- Phỏng vấn thông qua hình thức thư tín
- Phỏng vấn bằng điện thoại
- Phỏng vấn thông qua thư điện tử
Ngoài hình thức phỏng vấn để thu thập dữ liệu, bạn cũng cần quan tâm đến kỹ thuật phỏng vấn và các hình thức tổ chức trong quá trình phỏng vấn, cụ thể:
Kỹ thuật trong phỏng vấn như:
- Hỏi đáp theo cấu trúc: Là việc bạn tiến hành hỏi đáp dựa trên thứ tự một bảng bao gồm các câu hỏi có sẵn đã được định trước. Thường thì kỹ thuật này thích hợp cho những cuộc nghiên cứu với số lượng người tham gia khảo sát lớn.
- Hỏi đáp không theo cấu trúc: Có nghĩa là cuộc phỏng vấn được hỏi một cách tự nhiên như một cuộc đàm phán, hay nói chuyện tâm tình với nhau tùy vào sự hiểu biết của người đáp mà người hỏi sẽ hỏi nhiều hay ít. Kỹ thuật phỏng vấn này được sử dụng khi phỏng vấn viên là người có trình độ cao.
Các hình thức tổ chức phỏng vấn:
- Phỏng vấn cá nhân: Cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra giữa hai người là phỏng vấn viên và đối tượng phỏng vấn. Hình thức tổ chức này thường được diễn ra ở những không gian riêng để tránh sự nhòm ngó của những người xung quanh.
- Phỏng vấn nhóm: Là cuộc phỏng vấn được tổ chức để phỏng vấn cùng lúc với nhiều người. Có 2 loại trong phỏng vấn nhóm là: Nhóm trọng điểm và nhóm cố định.
3. Phương pháp thăm dò, khảo sát (Survey)
Có thể nói điều tra chính là việc bạn tiến hành tìm hiểu thật kỹ vấn đề, từ đó thu thập những thông tin cùng với nhân chứng và vật chứng cụ thể. Hiện nay, phương pháp nghiên cứu marketing thông qua thăm dò, khảo sát được ứng dụng một cách phổ biến. Vì những ưu thế mà phương pháp này đem lại giúp đảm bảo 4 nguyên tắc của một cuộc nghiên cứu khoa học.
Công cụ chủ yếu được sử dụng để thu thập dữ liệu trong marketing khi áp dụng phương pháp này là bảng câu hỏi để khách hàng tự trả lời. Thông qua bảng câu hỏi doanh nghiệp sẽ nắm được các ý kiến, kỳ vọng của khách hàng, nhà cung cấp, người tiêu dùng, v.v.
4. Phương pháp thử nghiệm (Experimentation)
Phương pháp thu thập thông tin trong marketing thông qua thử nghiệm có hai loại:
- Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm: Được sử dụng để quan sát và đo lường các phản ứng tâm lý hoặc dùng để theo dõi các cuộc phỏng vấn, thảo luận đối với nhóm đối tượng trọng điểm. Phòng thí nghiệm thu thập dữ liệu sẽ được chia làm 2 ngăn: Ngăn 1 sẽ dùng cho những người tham gia phỏng vấn, thử nghiệm. Còn ngăn 2 sẽ được dùng cho quan sát viên và các trang bị kỹ thuật khác.
- Thử nghiệm tại hiện trường: Dùng để đo lường phản ứng, thái độ của khách hàng khi doanh nghiệp đưa ra những thay đổi về giá bán, cách thức phục vụ, chăm sóc khách hàng, v.v. Và quá trình quan sát sẽ được diễn ra tại nơi giao dịch do đó mới được gọi là thử nghiệm tại hiện trường.
5. Phương pháp thảo luận nhóm tập trung (Focus group)
Phương pháp thảo luận nhóm tập trung được cho là phương pháp được dùng nhiều nhất trong quá trình nghiên cứu định tính. Các dữ liệu sẽ được thu thập thông qua các cuộc thảo luận giữa một nhóm đối tượng nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của người điều khiển cuộc thảo luận.
Có thể nói thành công của cuộc thảo luận phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dẫn dắt và khuyến khích các thành viên tham gia vào việc trả lời của chính người điều khiển chương trình. Và thường những người điều khiển cũng chính là nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và khả năng dẫn dắt tốt.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của Glints về các phương pháp thu thập thông tin trong marketing mà chúng mình muốn gửi đến bạn đọc. Mong rằng với những thông tin hữu ích từ bài viết trên của chúng mình sẽ giúp bạn có được những dữ liệu chính xác, có giá trị để giúp doanh nghiệp bạn có được chiến lược đúng đắn khi thực hiện chiến dịch marketing.
Tác Giả