Dựa vào năng lực và kinh nghiệm của bản thân bạn đã thành công đậu phỏng vấn và nhận được thư mời nhận việc từ chính công ty mà bạn hằng mong ước? Nhưng bạn đang không biết làm thế nào để trả lời thư mời nhận việc mà mình vừa nhận được?
Đừng lo, bài viết sau đây của Glints sẽ gợi ý đến bạn một vài mẫu thư trả lời nhận việc chuyên nghiệp. Theo dõi ngay để biết được những mẫu thư đó như thế nào nhé.
Thư mời nhận việc là gì?
Thư mời nhận việc từ doanh nghiệp gửi cho bạn sẽ được thể hiện dưới dạng file giấy hoặc file mềm gửi qua email. Nội dung chính của thư mời nhận việc là thông báo kết quả phỏng vấn của bạn và mong muốn muốn hợp tác của doanh nghiệp với ứng viên tại một vị trí công việc cụ thể mà doanh nghiệp đang tuyển dụng.
Thư mời nhận việc còn được hiểu là lời mời chính thức từ nhà tuyển dụng gửi đến những ứng viên tham gia phỏng vấn thành công và sắp tới sẽ trở thành nhân viên của doanh nghiệp.
Thường các điều khoản và điều kiện được nêu rõ trong thư mời nhận việc sẽ bao gồm các thông tin như:
- Mức lương
- Lợi ích, tiền thưởng cuối năm
- Giờ làm việc
- Công việc chính của nhân viên
- Tên người quản lý hoặc cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp
- Ngày bắt đầu làm việc chính thức,…
Cách trả lời thư mời nhận việc
Vậy sau khi nhận được thư mời nhận việc nên trả lời như thế nào để thể hiện mình là người chuyên nghiệp. Để giúp cho quá trình trả lời thư được suôn sẻ, tạo được ấn tượng tốt đối với doanh nghiệp bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Xem xét thư trả lời trúng tuyển từ nhà tuyển dụng
- Đàm phán với nhà tuyển dụng
- Đưa ra lời chấp nhận hoặc từ chối đối với vị trí công việc từ nhà tuyển dụng
Xem xét thư trả lời trúng tuyển
Sau khi nhận được thư mời nhận việc ứng viên cần phải quyết định được cách trả lời thư mời làm việc như thế nào cho phù hợp.
Thường sẽ có ba cách phản hồi lời mời điển hình mà ứng viên nên biết, cụ thể: chấp nhận, đưa ra thương lượng với các điều khoản tuyển dụng của doanh nghiệp và từ chối lời mời nhận việc của doanh nghiệp.
Trước khi đưa ra sự lựa chọn cho cách trả lời thư nhận việc bạn cần xem xét về nhu cầu tài chính, trách nhiệm bạn phải thực hiện, sự quan tâm của bạn đối với vị trí trúng tuyển và văn hóa công ty có phù hợp với bạn hay không.
Đàm phán thêm
Đàm phán là một trong những cách trả lời thư mời nhận việc được nhiều ứng viên lựa chọn. Cụ thể là khi các điều khoản trong thư nhận việc không đáp ứng được tiêu chí mà ứng viên đặt ra đối với vị trí mà họ ứng tuyển.
Khi phản hồi thư mời nhận việc bạn nên nêu rõ sự quan tâm của mình đối với vị trí mà doanh nghiệp đang tuyển dụng. Đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy được mong muốn của bạn về mức lương, chế độ đãi ngộ, v.v khi làm việc tại doanh nghiệp.
Chấp nhận hoặc từ chối offer
Nếu bạn đồng ý nhận việc
- Nếu bạn đưa ra quyết định là đồng ý và có thể nhận việc ngay theo thư mời nhận việc bằng email mà doanh nghiệp gửi cho bạn, thì hãy trả lời đồng ý ngay lập tức với những thông tin mà doanh nghiệp gửi.
- Bày tỏ sự cảm ơn đối với doanh nghiệp vì đã cho mình cơ hội làm việc bằng cách thể hiện sự háo hức khi bắt đầu hoặc bày tỏ cách mà bạn sẽ đóng góp cho doanh nghiệp khi làm việc.
- Xác nhận các thông tin lao động trong thư mời nhận việc một lần nữa, việc xác định chính xác các nội dung thông tin sẽ hạn chế được sự hiểu lầm của bạn đối với các điều khoản được đề cập trong thư nhận việc. Cần xác định chính xác các thông tin về ngày bắt đầu làm việc, lương, lịch làm việc, chế độ và chính sách khi làm việc, v.v.
- Hỏi các bước cuối khi nhận việc, khi kết thúc câu trả lời nhận việc của mình bạn nên cân nhắc hỏi nhà tuyển dụng có điều gì cần thực hiện trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên không.
Đọc thêm: Mẹo Trả Lời Câu Hỏi Mức Lương Mong Muốn Trong Buổi Phỏng Vấn
Nếu bạn từ chối nhận việc
- Cảm ơn nhà tuyển dụng đã đánh giá cao bạn và cho bạn một cơ hội làm việc tại doanh nghiệp. Đặc biệt doanh nghiệp đã dành thời gian quý báu của mình để tạo cơ hội cho bạn và bạn cũng cần biết rằng giữa vô vàn các hồ sơ sơ xin việc để chọn được một hồ sơ phù hợp không phải là điều đơn giản. Vì thế lời cảm ơn sẽ là cách giúp bạn thể hiện sự biết ơn của mình đối với những gì mà nhà tuyển dụng đã làm.
- Đưa ra lý do ngắn gọn, hợp lý nhưng không gây mất thiện cảm với doanh nghiệp. Một số lý do mà bạn có thể cân nhân khi trả lời thư mời nhận việc như: địa điểm làm việc xa nhà, đã nhận được lời mời làm việc từ bên khác, không phù hợp với định hướng nghề nghiệp mà bạn đã đặt ra,…
- Cung cấp các phản hồi cũng là cách giúp bạn thể hiện sự khéo léo trong việc từ chối nhận việc. Bạn có thể gửi một vài góp ý nhỏ của mình khi tham gia ứng tuyển, đó có thể là lời nhận xét, động viên, hay phản hồi chưa tốt, v.v.
- Để ngỏ cơ hội cơ hội là cách giúp bạn mở ra nhiều cơ hội cho tương lai, biết đâu sau này bạn sẽ có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp thì sao. Vì thế đừng vội đóng sầm cánh cửa kết nối giữa bạn và nhà tuyển dụng nhé.
Mẫu trả lời thư mời làm việc
Sau đây là một vài mẫu trả lời thư mời làm việc mà Glints muốn chia sẻ đến bạn đọc. Đừng bỏ qua nếu bạn đang loay hoay chưa biết trả lời thư mời nhận việc như thế nào nhé.
Mẫu viết thư chấp nhận công việc
Tiêu đề thư trả lời nhận việc: Email đồng ý nhận việc… (tên công việc) -… (tên người gửi)
Kính gửi ông/ bà/ công ty:……
Tôi rất lấy làm vinh hạnh và vui mừng khi được nhận thư mời làm việc từ quý doanh nghiệp, thật lòng tôi rất biết ơn vì đã cho tôi cơ hội được cống hiến và làm việc hết mình tại vị trí… (tên công việc). Đây thực sự là công việc mà tôi hằng mong ước, vừa đúng chuyên môn vừa đúng mong đợi mà ứng tuyển. Vì vậy tôi rất muốn gắn bó và phát triển công ty lâu nhất có thể.
Vì vậy, tôi viết thư này để xác nhận với quý công ty rằng tôi đồng ý đảm nhận vị trí công việc… (tên công việc) và sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao.
Như đã thảo luận trước đó, mức lương hàng tháng của tôi là…. và tôi sẽ bắt đầu làm việc vào ngày…..
Nếu quý doanh nghiệp cần thêm thông tin hay giấy tờ liên quan, vui lòng phản hồi tôi trong thời gian sớm nhất để tôi có thể chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn!
Trân trọng!
…. (tên người gửi)
(Email – số điện thoại liên hệ)
Đọc thêm: Cách Viết Thư Cảm Ơn Sau Phỏng Vấn Gây Ấn Tượng Với Nhà Tuyển Dụng
Mẫu thư từ chối job offer
Tiêu đề: (Tên người gửi) – Thư trả lời lời mời làm việc tại vị trí…. (tên vị trí công việc)
Kính gửi Anh/Chị X/Quý Công ty Y:…. (tên người nhận/tên công ty)
Em tên là…. (tên người gửi). Lời đầu tiên cho em xin phép gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Anh/Chị/Quý Công ty đã tạo cơ hội cho em được làm việc tại vị trí… (tên vị trí) tại doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về lời đề nghị từ phía Anh/Chị/Quý Công ty em rất tiếc phải từ chối lời mời nhận việc. Lý do là em đã đồng ý thỏa thuận với một công ty khác. Vì vậy rất mong Anh/Chị/Quý Công ty thông cảm.
Qua đây, em thật lòng biết ơn Anh/Chị/Quý Công ty đã dành thời gian quý báu của mình để quan tâm đến hồ sơ ứng tuyển của em, cũng như dành thời gian phỏng vấn và gửi thư mời nhận việc cho vị trí này. Mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác với nhau.
Cuối cùng, chúc Anh/Chị/Quý Công ty nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí này. Chúc công ty luôn thành công và phát triển hơn nữa.
Trân trọng,
Ký tên.
Đối với mẫu thư từ chối nhận việc, tùy vào từng lý do cụ thể mà ứng viên có thể thay đổi nội dung thư trả lời nhận việc sao cho phù hợp.
Mẫu trả lời thư mời nhận việc khi bạn cần đàm phán
Xin chào… (tên người nhận thư),
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã tạo cơ hội cho tôi làm việc tại vị trí… (tên công việc). Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời khi gặp gỡ mọi người trong buổi phỏng vấn và rất vui mừng về cơ hội việc làm tại doanh nghiệp.
Sau khi xem xét lời đề nghị, tôi có một số câu hỏi mà tôi muốn bạn giải đáp — đặc biệt là về mức lương cơ bản và quy trình làm việc tại doanh nghiệp. Bạn có thời gian trong tuần này để thảo luận không? Tôi rảnh hầu hết các buổi chiều vào khoảng 1 giờ chiều.
Trân trọng,
Ký tên.
Lời kết
Qua các thông tin trong bài viết trên mà Glints chia sẻ chắc rằng bạn đã phần nào nắm được cách trả lời thư mời nhận việc như thế nào cho chuyên nghiệp và hợp lý.
Mong rằng những thông tin trên từ Glints sẽ giúp ít cho bạn ít nhiều trong quá trình tìm hiểu.