Copywriter là ngành nghề khá hot hiện nay. Tuy nhiên, công việc này vẫn thường vấp phải những lầm tưởng và mâu thuẫn trong thị trường tuyển dụng. Cùng Glints Việt Nam điểm nhanh 08 nhầm lẫn thường gặp của nghề Copywriter để tránh ngay kẻo muộn.
Copywriter là gì?
Copywriter thường được biết đến như một Chuyên viên sáng tạo nội dung trong lĩnh vực quảng cáo và marketing.
Nhiệm vụ của họ sẽ chú trọng vào việc sản xuất nội dung bằng văn bản. Từ đó, đưa ra những nội dung, tài liệu văn bản phù hợp để giới thiệu hay thể hiện ý tưởng nhằm phục vụ cho mục đích xây dựng thương hiệu, truyền thông và quảng cáo.
Đương nhiên, mục tiêu lớn nhất của một sản phẩm từ Copywriter chính là thu hút, thuyết phục người mua đến với sản phẩm, và cuối cùng là bán được hàng.
Copywriter thường làm việc cùng với Giám đốc sáng tạo (Creative Director) hay Giám đốc nghệ thuật (Art Director) để cùng hợp tác sáng tạo cho cả phần nội dung chữ và ý tưởng hình ảnh trực quan. Về cụ thể, công việc của họ có thể bao gồm:
- Đặt tên cho sản phẩm/thương hiệu mới
- Viết slogan, tagline, concept, storyboard
- Viết kịch bản và lời thoại cho TVC Quảng cáo, Radio, hay các nội dung dạng video trên kênh YouTube/TikTok, v.v…
- Viết headline, sub headline, nội dung văn bản cho ấn phẩm quảng cáo/tiếp thị
Đọc thêm: Đừng Nhầm Lẫn Giữa Content Creator, Content Writer Và Copywriter
Nhầm lẫn 01: Nghề Copywriter chỉ có viết lách
Công việc chính của một Copywriter là viết lách. Do đó, nhiều người vẫn nghĩ mỗi ngày họ chỉ việc viết là xong nhiệm vụ.
Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ để hoàn thành bất kỳ bài viết nào phục vụ cho công tác truyền thông. Mỗi Copywriter cũng cần học tập, nghiên cứu sản phẩm, hiểu rõ mục tiêu khi viết là gì và linh hoạt trong từng ấn phẩm.
Ngoài ra, người làm công việc này cũng cần biết đôi chút về tâm lý học để hiểu và cải thiện trải nghiệm người đọc.
Hiện nay, để trở thành Copywriter chuyên nghiệp và lành nghề, bạn phải có đầy đủ các kỹ năng gồm:
- Tối ưu SEO (Công cụ tìm kiếm)
- Có kiến thức cơ bản (thậm chí chuyên sâu) về Marketing
- Phân tích tâm lý khách hàng và ra quyết định
- Sáng tạo và tư duy về hình ảnh
- Chỉnh sửa nội dung video và các hình thức sáng tạo nội dung khác
- Định hướng chiến lược và lên kế hoạch nội dung
- Xây dựng và quản lý mối quan hệ với khách hàng
- Hiểu biết về phương tiện truyền thông mạng xã hội và tạo nội dung quảng cáo thu hút
- Nghiên cứu thị trường và sản xuất nội dung phù hợp từng đối tượng
- Áp dụng thành thạo các nguyên cứu vào mỗi dự án
Nhầm lẫn 02: Có thể sửa bài nhanh từ nguồn internet sẵn có
Tại Việt Nam, Google là công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến nhất, đem đến nguồn thông tin khổng lồ với hàng loạt bài nghiên cứu, báo mạng… từ khắp nơi trên thế giới. Với nghề Copywriter ở Việt Nam, đây chắc hẳn là nguồn tham khảo hữu dụng, hỗ trợ cho công việc.
Thế nhưng, nếu nói dùng internet chỉ để sao chép nội dung và hoàn thành công việc thì đây là sai lầm lớn. Bởi lẽ, khách hàng vẫn có thể sử dụng công cụ để tìm ra lỗi đạo văn và Google cũng có tiêu chuẩn gắt gao về duplicate content (nội dung sao y bản gốc) để kiểm tra.
Những lỗi này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài viết và uy tín người viết.
Do đó, các Copywriter thường tự thân vận động tạo ra nội dung hay dựa trên thông tin có sẵn (tra từ Google hoặc yêu cầu phía khách hàng) để bài viết có giá trị cao.
Nhầm lẫn 03: Copywriter sử dụng ngôn ngữ bay bổng
Dù có chung điểm mạnh sử dụng linh hoạt từ ngữ nhưng Copywriter không phải nhà văn hay tiểu thuyết gia, chỉ sử dụng từ ngữ bay bổng cho mọi bài viết. Ngoài vốn từ đa dạng, một Copywriter còn phải biết lập luận logic trong từng bài viết để thuyết phục người đọc vì sao nên chọn mua sản phẩm/ dịch vụ của công ty.
Thêm nữa, như đã liệt kể ở phần 01, Copywriter giờ đây phải viết được ở đa kênh, hình thức, sản phẩm, dịch vụ… Ở mỗi phương diện, bạn phải thay đổi văn phong để phù hợp. Cụ thể, các yêu cầu trong copywriting là gì?
Chẳng hạn, nội dung mạng xã hội cần ngắn gọn và thu hút, từ ngữ câu dẫn được sử dụng nhiều hơn; với nội dung bài PR, không nên nhắc ngay đến sản phẩm mà cần dẫn dắt từ số liệu hoặc nhân vật kiểm chứng; và với nội dung email thì phần mở đầu là quan trọng nhất, kích thích trí tò mò để người nhận phải bấm mở mail… Bạn thấy đấy, ngôn ngữ bay bổng hay không còn tùy vào mục đích và đối tượng đọc bài viết.
Đọc thêm: Storytelling Là Gì Và Tầm Quan Trọng Của Nó Trong Content Marketing
Nhầm lẫn 04: Làm Copywriter là “thích gì viết nấy”
Không giống như các blogger tự do hay tiểu thuyết gia được tự do “bung xõa” khai thác mọi loại ý tưởng, chủ đề, Copywriter thường phải viết bài theo yêu cầu được đưa ra từ phía doanh nghiệp, hoặc khách hàng (nếu làm việc trong các Agency).
Đó có thể là một kế hoạch quảng bá sản phẩm, hoặc có thể định hướng người tiêu dùng thực hiện một hành đồng nào đó đối với sản phẩm. Do đó, mỗi ý tưởng nội dung được hình thành đều phải bám sát vào mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng.
Điều này đồng nghĩa rằng: Một Copywriter phải linh hoạt, tâm lý, có khả năng thích ứng và học hỏi nhanh, cũng như biết cách dung hòa giữa ý tưởng sáng tạo cá nhân và các yêu cầu kèm theo từ sếp, từ khách hàng.
Có người nói nghề Copywriter chỉ cần học giỏi môn Văn, dùng từ ngữ nghe có vẻ “đao to búa lớn” là có thể sáng tạo ngay con chữ hay cho sản phẩm của mình. Song, thực chất thì, việc học tốt môn Văn hay biết nhiều từ ngữ “cao siêu” không hẳn sẽ giúp nội dung của bạn trở nên tốt hơn.
Một Copywriter giỏi thường đi kèm với một tư duy sáng tạo tốt với “con chữ”, đặc biệt là thấu hiểu tâm lý của khách hàng mục tiêu.
Cái cần quan tâm của họ chính là chất lượng nội dung (đi kèm với bán-được-hàng), chứ không phải là viết những thứ trông “hào nhoáng, vẻ vang” nhưng lại không được việc.
Nhầm lẫn 05: Muốn làm Copywriter phải được đào tạo qua trường lớp bài bản
Bạn không cần xuất thân là sinh viên của các trường Ngôn ngữ hay Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để trở thành người làm nghề viết. Bạn cũng không cần phải học đúng chuyên ngành Truyền thông, Quảng cáo, hay Báo chí thì mới trở thành một Copywriter thành công.
Sẽ thật tốt nếu bạn có điều kiện để tham gia các khóa học Content hay được đào tạo bài bản tại trường đại học.
Tuy nhiên, bằng cấp chứng chỉ không phải là điều cần để bạn trở thành một Copywriter, mà chỉ là điểm cộng cho sự nghiệp của bạn. Một số khách hàng sẽ yêu cầu bằng cấp liên quan đến nghề này khi hợp tác với bạn. Nhưng đa số thì không quan trọng chúng lắm đâu!
Như trong cuốn sách “The Outlier” (Những kẻ xuất chúng) của tác giả Malcolm Gladwell có đề cập: “Rèn luyện giúp ta tạo nên sự vĩnh viễn”.
Những gì bạn cần để theo đuổi nghề này chính là một tư duy sáng tạo ham học hỏi, và đam mê của bạn dành cho từng con chữ. Hãy chăm chỉ mài dũa kỹ năng viết của mình. Học hỏi thêm từ những người đi trước, đọc thêm sách, tài liệu, bổ sung kiến thức, luyện tập cách viết và triển khai ý tưởng từng ngày.
Thường thì người ta sẽ nhìn nhận vào năng lực để đánh giá liệu bạn có phải là Copywriter giỏi hay không. Vậy nên, đừng quên xây dựng cho mình một bộ Portfolio chuyên nghiệp để chứng minh bản thân nhé!
Nhầm lẫn 06: Nghề viết lương thấp lắm
Tại thị trường lao động quốc tế, mức lương trung bình của nghề Copywriter là $47,838, với khoảng thu nhập giao động từ $35,000 cho tới $65,000 hằng năm theo dữ liệu thu thập từ Payscale và Salary.com. Con số này có thể tiếp tục tăng lên tới $100,000 cho những ai đã dày dặn kinh nghiệm.
Tuy nhiên, vị trí Copywriter tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào phúc lợi của nhiều công ty với mức lương dao động từ 7-15 triệu, tùy vào năng lực của ứng viên (tham khảo thêm nhiều mức lương cụ thể tại Glints.com).
Song với đó, Freelance Copywriter lại có thể kiếm được mức thu nhập cao hơn rất nhiều, có thể lên đến 20-30 triệu một tháng, tùy thuộc vào chất lượng dự án mà họ tham gia.
Clayton Makepeace, một trong những Copywriter giỏi và giàu nhất thế giới đã chia sẻ rằng ông đã từng đặt ra hàng tá câu hỏi trước khi nhận một dự án từ khách hàng của mình để đảm bảo chất lượng nội dung tốt nhất.
Và đúng vậy, những chiến dịch quảng bá mà ông làm ra đã từng mang lại doanh số hơn $1,5 tỷ đô trong các ngành hàng như sức khỏe, tài chính, hay sản phẩm công nghệ.
Vậy nên, đừng lo lắng rằng bạn sẽ kiếm ít tiền nếu cố gắng theo đuổi nghề Copywriter này. Hãy nhìn nhận lại bản thân, cố gắng trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Mức thu nhập cũng sẽ tương xứng với năng lực sáng tạo và thái độ cầu tiến của bạn trong công việc.
Đọc thêm: Tất Tần Tật Về Cách Định Giá Freelancer, Người Làm Tự Do Chớ Bỏ Qua
Nhầm lẫn 07: Copywriter là công việc dễ dàng
Viết nhiều sẽ cho bạn kĩ năng viết mạch lạc và cách sử dụng từ ngữ nhưng không hề dễ dàng vì đây là một nghề đòi hỏi phải có những trải nghiệm sống và một đầu óc nhạy bén, sáng tạo để kết nối và có góc nhìn mới lạ với nhau.
Ngoài ra, Copywriter cần tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết; chưa tính đến thời gian sửa bài sau khi nhận được phản hồi.
Đôi khi, một bài ngắn khoảng 500 từ sẽ gây khó khăn hơn là bài 1.000 từ vì số lượng rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo thông điệp truyền tải và thu hút.
Nhầm lẫn 08: Làm Copywriter ít cơ hội thăng tiến
Suy nghĩ sai lầm này cũng bắt nguồn từ câu chuyện “Copywriter chỉ có viết lách”. Một Copywriter giỏi sẽ biết nâng cấp bản thân mình để phát triển hơn trong tương lai.
Và bởi công việc không chỉ dừng lại ở “viết lách”, họ cần phải trở nên đa nhiệm hơn với những kỹ năng quản lý nội dung, nghiên cứu, và các kỹ năng chuyên môn khác trong ngành truyền thông và tiếp thị.
Học nghề viết, ngoài công việc của một Copywriter như kể trên, bạn cũng có thể linh hoạt đổi mới dưới nhiều vị trí, chức danh khác nhau, chẳng hạn như:
- Content Writer
- Technical Writer
- Chuyên viên truyền thông
- Chuyên viên nội dung
- Trưởng nhóm nội dung
- Giám đốc nội dung
- Giám đốc sáng tạo, v.v…
Điều này cũng là minh chứng cho nhiều cơ hội thăng tiến mở rộng trong nghề Copywriter.
Về cơ bản, bạn cũng có thể cùng Glints tham khảo qua lộ trình thăng tiến của một Copywriter sau đây:
Nên nhớ rằng: Một Copywriter có phát triển sự nghiệp tốt trong nghề được hay không cũng đều phù thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả năng lực và sự cố gắng của mỗi cá nhân.
Lời kết
Hy vọng với chia sẻ của Glints, bạn đã có cái nhìn sâu hơn về công việc của copywriter cũng như copywriting là gì.
Hiện nay, content marketing là ngành công nghiệp được định giá lên đến 118 tỷ USD và có xu hướng tăng đều mỗi năm. Đây hoàn toàn là công việc đáng để theo đuổi vì tiềm năng phát triển trong tương lai. Nghề copywriter ở Việt Nam cũng đang được chào đón và mở rộng cơ hội trong nhiều ngành.
Vậy, đừng quên ghé Glints tìm kiếm cơ hội việc làm Copywriter bạn nhé!
Bài viết được đóng góp bởi Tany
Tác Giả