STNN – Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa, Công ty nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã đạt được nhiều thành công ấn tượng trong năm 2023. Theo đó, nhà máy của DUYTAN Recycling hiện có công suất 60.000 tấn/năm, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm.
Khi vận công suất nhà máy được vận hành tối đa, năng suất có thể đạt tới 100.000 tấn, tương đương 7 tỷ chai nhựa. Trong năm 2023, DUYTAN Recycling đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa. Trong số này, tỷ lệ tiêu thụ trong nước là 40%, và xuất khẩu sang các nước khác là 60%.
Xem rác thải nhựa là tài nguyên
Để đạt được kết quả này, ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của DUYTAN Recycling còn đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) và hệ thống các chứng nhận khác. Qua đó, khẳng định chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Bằng những nỗ lực không ngừng, trong năm 2023, DUYTAN Recycling đã được trao nhiều chứng nhận danh dự: Chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp; danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Chứng nhận doanh nghiệp xanh Thành phố do UBND TP.HCM cấp và nhiều chứng nhận từ các đơn vị đánh giá khác. Để đạt được những chứng nhận trên, toàn bộ hệ thống công nghệ của DUYTAN Recycling đều phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc quốc tế.
Điều này cho thấy ngành tái chế hiện nay không còn là ngành thô sơ như trước đây mà có tiềm năng trở thành ngành công nghệ tái chế dành cho các doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chất lượng quốc tế để có thể phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Góp phần bảo vệ môi trường theo cách của riêng mình
Bên cạnh các nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong mô hình này, yếu tố bền vững được đặt ra không chỉ ở khâu sản xuất hay sử dụng; mà là cả chuỗi giá trị từ thiết kế, sản xuất, đến sau tiêu dùng. Từ đó, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải ra môi trường và tăng giá trị cho những sản phẩm đã qua sử dụng.
Tính đến thời điểm này, DUYTAN Recycling là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế “Bottle to Bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí “3 không” trong quá trình sản xuất: không rác thải – không khí thải – không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất.
Nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng và các công ty bao bì
Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu của DUYTAN Recycling là các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài việc đầu tư vào nhà máy tái chế, công ty còn tích cực tham gia các hoạt động, diễn đàn uy tín về chủ đề kinh tế xanh, thông qua đó đóng góp vào các sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững. Trong năm 2023, Công ty đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác thu gom – tái chế cùng với các doanh nghiệp hàng đầu như Lavie, Unilever Việt Nam. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động với Coca-Cola Việt Nam trong việc đồng hành, lan toả việc sử dụng sản phẩm tái chế nhằm hướng đến mục tiêu chung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công ty còn tự hào là thành viên chính thức của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Hiệp hội Nhựa (VPA); Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA).
Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng. Nói cách khác, việc thực hiện Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) sẽ giúp doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của mình. Trong năm 2024, EPR chính thức được áp dụng cho nhóm sản phẩm có tiềm năng tái chế, đặc biệt với ngành sản xuất bao bì. Chính vì vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực chính để các công ty thực hiện mục tiêu phát triển vì môi trường và xã hội. Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành động vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Để thu hẹp khoảng cách này, cần nâng cao nhận thức về lợi ích của sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực của việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ góp phần vào mục tiêu bền vững mà còn đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị của các sản phẩm đã qua sử dụng.
PV