Giám đốc Centic Việt Nam hành trình khởi nghiệp ngành nhựa

STNN – Ngành nguyên liệu nhựa là một trong những ngành kinh tế quan trọng, sản phẩm đầu ra của nhiều ngành sản xuất khác. Mặc dù có nhiều đơn vị tham gia trong một thị trường khá phân mảnh, nhưng thành công được trong ngành không phải điều dễ dàng. Nó phụ thuộc vào rất nhiều biến số của thị trường cạnh tranh toàn cầu. Người làm trong ngành, ngoài việc trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm thị trường trong nước, còn phải nắm được các kiến thức kinh doanh thương mại quốc tế.

Hầu hết những doanh nhân trong ngành là những người có kiến thức và dày dặn kinh nghiệm thực tế, mới có thể tồn tại được. Nhưng có một phụ nữ chưa từng học quản trị kinh doanh bài bản, song đã gặt hái được những thành công. Bằng nỗ lực cá nhân, chị tìm cách tiếp cận học hỏi thực tế và trưởng thành. Những thành công ấy đủ khích lệ để chị bước tiếp, mở rộng con đường và thành lập công ty riêng, đó là doanh nhân Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Centic Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Centic Việt Nam và hành trình khởi khởi nghiệp ngành nhựa
Doanh nhân Nguyễn Thị Loan.

“Bén rễ” với ngành kinh doanh nguyên liệu nhựa

Doanh nhân Nguyễn Thị Loan bước vào thế giới những người làm kinh doanh như một sự đưa đẩy của công việc mang tới, hơn là sự lựa chọn của chính chị. Cuộc sống lựa chọn và chị cứ nương theo dòng để phát triển sự nghiệp, mở rộng các cơ hội của mình. Chị bị hấp lực của ngành cuốn đi và lặn lội trong đó suốt thời gian dài gần 15 năm qua. Chị đã gặt hái được rất nhiều thành quả đáng tự hào. Tới nay, chị đã có một công ty riêng với mức doanh thu 200 tỷ/năm. Quan trọng nhất là chị được sống với một công việc yêu thích, mặc dù nó đòi hỏi ở chị rất nhiều nỗ lực và sự cố gắng.

Nói một chút về bản thân chị. Doanh nhân Nguyễn Thị Loan tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009. Ngành học vốn không liên quan gì tới lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh thương mại quốc tế. Lúc ban đầu chị chưa biết làm gì. Nhưng rồi liên tục nỗ lực, chị đã bước tới thành công trong ngành kinh doanh nguyên liệu nhựa. Thành công của chị đủ để làm nhiều người phải thán phục, bởi xuất phát điểm, nền tảng ban đầu của chị không có gì nhiều, ngoài sự cố gắng và nỗ lực của bản thân.

Ngã rẽ công việc này đến với chị ở những năm đầu tìm việc trái ngành để tồn tại giữa Sài Gòn. Một sinh viên ngành nhân văn mới ra trường đi tìm việc giữa Sài Thành quả thật không dễ dàng gì. Chị lại lớn lên ở mảnh đất Đắk Nông trong một gia đình thuần nông, không có ai giúp đỡ để hiểu biết các việc kinh doanh, càng không biết gì về lĩnh vực kinh doanh thương mại quốc tế. Tất cả công đoạn của việc kinh doanh đều là chị phải tự mày mò học lấy. Học từ đồng nghiệp, từ cấp trên, từ các khóa học kinh doanh cấp tốc ngắn hạn. Quan trọng nhất là học từ các trải nghiệm thực tế trong ngành để phát triển bản thân. Lúc đó, có lẽ thứ mà chị có là lòng nhiệt huyết, sự lạc quan của một người trẻ mà thôi. Chị đã kể câu chuyện làm nghề của mình với nhiều cảm xúc!

Chị kể, sau khi ra trường, chị ứng tuyển vào các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Chị bắt đầu làm việc và thuyên chuyển qua nhiều văn phòng của các công ty như Singapore, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ… làm những công việc khác nhau. Những công việc này khiến chị học hỏi được rất nhiều điều, trưởng thành nhanh chóng. Môi trường làm việc chuyên nghiệp giúp chị trau dổi khả năng ngoại ngữ, định hình rõ công việc cần làm trong thế giới của những người làm kinh doanh thương mại quốc tế. Chị vừa đi làm, vừa đi học nhằm bắt nhịp nhanh chóng với công việc mới. Nỗ lực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các khóa học ngắn hạn, thử sức ở nhiều vai trò là cách chị tìm ra thế mạnh của bản thân.

Đến khi được tuyển dụng vào văn phòng đại diện của một công ty Hàn Quốc. Với vai trò thiết lập phòng kinh doanh nguyên liệu nhựa, chị bắt đầu bung toàn lực của mình. Tại đây, chị đã gặt hái được rất nhiều thành quả, cái duyên với ngành nhựa cũng bắt đầu “bén rễ” từ đây. Chị đã góp phần vào việc xây dựng phòng kinh doanh hạt nhựa của công ty phát triển. Lúc chị mới vào, văn phòng còn mới toanh, chưa có người làm. Tới khi chị rời đi đã xây dựng được một phòng kinh doanh với mức doanh thu lớn. Sau đó, chị làm việc cho một công ty Mỹ, chuyên phân phối nguyên liệu nhựa cho thị trường thế giới gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương.

Ở công ty này chị làm việc say mê, nhiệt huyết và tạo ra doanh thu đáng nể. Chị cũng tiếp cận với nhiều cách thức đa dạng hơn trong việc kinh doanh thương mại quốc tế. Thấu hiểu ngành hàng của mình tới tận “chân tơ kẽ tóc” và có những quyết định kinh doanh hiệu quả. Thậm chí, khi làm việc với đối tác nước ngoài, họ không giấu nổi sự tò và hỏi chị: “Nhà bạn có truyền thống làm kinh doanh phải không?” Bởi họ nhìn thấy ở chị có một nguồn năng lượng dồi dào, sự hoạt bát và cách làm việc hiệu quả, nhanh chóng, giống y như “con nhà nòi” bước ra thương trường vậy.

Và sau mười mấy năm trời lặn lội trong ngành, chị muốn thử sức mình trong một vai trò mới. Chị mạnh dạn bước vào con đường khởi nghiệp với việc thành lập công ty riêng – Công ty Cổ phần Centic Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2016. Với bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, chị đang rất tự tin vào các bước đi của mình. Dưới sự chèo lái của chị, công ty phát triển vững vàng, ổn định và hiệu quả. Do mức độ vận hành chưa quá phức tạp nên để tối ưu hóa hoạt động, chị có các dịch vụ thuê ngoài; chỉ nắm trực tiếp các công đoạn sản xuất và khách hàng.

Hiện đơn vị cũng đã có hàng nghìn mét vuông nhà xưởng tại Long An. Doanh thu của công ty tới từ hai hoạt động chính: Kinh doanh nguyên liệu nhựa và sản xuất các loại túi vải không dệt, thân thiện với môi trường. Việc mở rộng hoạt động sản xuất các loại túi vải không dệt là hoạt động sản xuất mới, nhằm tạo ra dòng sản phẩm kinh doanh gối đầu, chuẩn bị cho thời kỳ tăng trưởng tiếp theo.

Các bài học trong nghề

Nhìn lại quãng thời gian làm việc ban đầu, chị nói: “Thực ra mình rất may mắn khi đi làm, đã gặp được rất nhiều người giỏi trong công việc; được họ chỉ dạy nhiều điều, từ những thứ cơ bản nhất tới những thứ phức tạp hơn trong kinh doanh thương mại quốc tế. Giúp cho mình, từ một đứa “vừa xuống núi” trở nên hiểu biết, mạnh dạn và tự tin hơn trong xử lý công việc”, chị cười nói.

Nói vậy là chị thể hiện sự khiêm nhường và dành sự biết ơn cho các bậc tiền bối. Nhưng ai có dịp trực tiếp nghe chị kể lại hành trình phát triển của chị, mới thấy, những thành quả mà chị gặt hái được hôm nay không phải tự nhiên mà có. Đó là một quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục, rèn luyện không ngừng của một người có bản lĩnh, có ý chí phấn đấu mãnh liệt trong nghề. Chị không hề ngại khó khăn vất vả, việc gì làm được là bắt tay vào làm ngay. Chị cũng là người vô cùng lạc quan, tự tin, năng động, linh hoạt và sáng tạo trong công việc.

Chị kể, có giai đoạn các doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa rất khó khăn, đó là những năm 2013-2017. Lúc đó giá nhựa nguyên liệu liên tục tăng cao. Chị là người đã tìm và đưa về Việt Nam loại nguyên liệu được gọi là nguyên liệu off – tức là hàng mới nhưng bị vài lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm. Nguyên liệu này có giá rẻ hơn từ 100 – 200 usd/tấn. Hàng về tới nơi là khách hàng tranh nhau mua hết, bán “cháy hàng” luôn. Đây cũng là một cách nhằm chung tay giải quyết khó khăn cho khách hàng, đáp ứng với thị trường khi đó. Quan điểm của chị là luôn nghĩ đến lợi ích của khách hàng, luôn trung thực trên nguyên tắc “đôi bên cũng có lợi”. Làm việc thật, người thật, có sao nói vậy. Quan điểm này dẫn lối chị trong các hoạt động kinh doanh xuyên suốt nhiều năm qua, từ khi làm công ăn lương tới lúc mở doanh nghiệp. Chị đã giữ chân được nhiều khách hàng với cách làm như vậy và nhiều đối tác mua hàng vẫn theo chị suốt nhiều năm qua.

Doanh nhân Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Centic Việt Nam và hành trình khởi khởi nghiệp ngành nhựa
Nhà máy tại Long An.

Chị nói thêm, mặt hàng này phải nhập từ nước ngoài. Khi hàng đang lênh đênh trên tàu biển, phải mất vài tháng trời mới cập cảng. Khi cập cảng thì có khi giá đã thay đổi rồi. Tất nhiên khi giá tăng cao thì tốt. Nhưng nhiều khi xuống giá, phải xoay xở đàm phán lại với khách hàng vô cùng mệt mỏi. Đây là cả một vấn đề, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong các cách tiếp cận. Phải xử lý công việc uyển chuyển, linh hoạt đảm bảo lợi ích đôi bên, không phải là chuyện dễ.

Có một điều đặc biệt ở chị mà ai tiếp xúc qua cũng dễ dàng nhận thấy; đó là khả năng nhìn nhận các mặt tích cực của cuộc sống. Chị có một tinh thần lạc quan giống như một thứ bẩm sinh vậy. Thậm chí khi được hỏi, chị khó khăn gì trong vai trò là một phụ nữ làm lãnh đạo, khi định kiến giới vẫn còn tồn tại trong các môi trường làm việc ngày nay. Nhưng chị trả lời ngay, chị thấy mình có được lợi thế, khi là phụ nữ trên bàn đàm phán. Chị còn kể ra một câu chuyện làm bằng chứng. Có một đối tác người Campuchia, khi mua hàng của công ty, hàng bị lỗi và họ vô cùng tức giận. Tưởng chừng như có thể hủy hết các đơn hàng đang có. Chị chạy sang gặp khách hàng trực tiếp. Khi thấy một phụ nữ chân ướt, chân ráo chạy tới đàm phán, họ dịu lại, sau đó còn mời chị đi ăn để trò chuyện nhiều hơn. Kết quả, họ không hủy đơn hàng mà còn trở thành đối tác lớn của công ty trong suốt nhiều năm qua.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, trong nhiều câu chuyện chị đã kể ra trong việc làm nghề. Chị luôn giữ được thái độ nhìn nhận tích cực, lạc quan và chủ động trong các tình huống. Tinh thần chủ động làm việc luôn được chị đề cao. Trong công việc, chị cũng luôn có ý thức xác lập mục tiêu để giữ mình đi sát với thực tế. Chị chia sẻ cách đặt ra các mục tiêu hợp lý và vạch rõ lộ trình thực hiện. Chị nói, thường vào dịp đầu năm mới, chị đặt ra các mục tiêu và bám sát các kế hoạch đó để thực hiện. Những thói quen tốt này giúp chị gặt hái được ích rất nhiều lợi ích. Và hầu như bất cứ mục tiêu nào đặt ra, chị đều có thể đạt được.

Bên cạnh những thuận lợi thì kinh doanh thương mại quốc tế ngày nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh qua các công việc thực tế trong ngành nên chị dường như có một trực giác tốt, có thể phán đoán được các tình huống khẩn cấp. Chị nói, việc có khả năng phán đoán và ra quyết định trong các tình huống có những dấu hiệu lừa đảo, biết cách phải xử lý, tránh gặp những rủi ro là việc quan trọng của người làm trong nghề này. Vì thế, phải có cách rèn luyện để phân biệt được thật giả, tốt xấu trong vô vàn tình huống diễn ra hàng ngày.

Khi được hỏi, công việc nhiều áp lực như vậy, đặc biệt với một phụ nữ còn gánh vác công việc gia đình thì chị thấy sao? Chị tâm sự: Những lúc công việc không trôi, cũng rầu lắm, nhưng chị biết cách thoát ra nhanh chóng và giữ lửa tinh thần. Thậm chí, đôi khi gặp khó khăn lớn tưởng chừng như không thể vượt qua khiến chị mất ăn, mất ngủ cả tháng trời. Chị vẫn tìm ra cách tự động viên mình, xoay xở cho ổn thỏa mọi việc. Và rồi thương vụ này chưa xong lại có thương vụ khác đến, liên tiếp cuốn chị đi, không còn thời gian để suy nghĩ nữa.

May mắn là chị có được sự ủng hộ của gia đình hai bên gia đình và của chồng. Bản thân chồng chị cũng là một doanh nhân. Anh có một công ty khác và cũng gánh vác các trách nhiệm của một người đứng đầu. Vì thế, anh cũng thấu hiểu được các áp lực của vợ, dễ dàng thông cảm và chia sẻ những khi chị gặp khó khăn. Anh để chị tự do làm việc theo cách của mình, chỉ đóng góp ý kiến khi chị cần sự giúp đỡ. Chị làm việc khá thoải mái vì có được sự hậu thuẫn của gia đình. Chị nói, những phụ nữ làm kinh doanh như chị, có được sự ủng hộ của gia đình là đã thắng được 50% rồi. Vì thế chị cảm thấy mình là người vô cùng may mắn. Đây cũng là nguyên nhân đóng góp lớn vào sự thành công của chị ngày hôm nay.

Thành công của chị đã chứng minh một điều, không được làm đúng nghề, đôi khi cũng không phải là điều gì đó quá tồi tệ. Nếu biết uyển chuyển, dám bứt phá khỏi các giới hạn của bản thân thì người ta hoàn toàn có thể tìm được những con đường mới, có khi còn tươi sáng hơn rất nhiều và doanh nhân Nguyễn Thị Loan là một minh chứng. Khi nhắc về các dự định tương lai, chị nói, chị còn đang ấp ủ nhiều hoài bão và ước mơ. Chị đang lên kế hoạch tiến vào lĩnh vực làm nhựa tái sinh, chuẩn bị xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương. Đây là kế hoạch phát triển theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được Chính phủ quan tâm, và chị muốn gây dựng các hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững. Những thành công trong chặng đường 15 năm qua, đang khích lệ chị dấn bước vào hành trình mới. Và người ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một bứt phá mới của chị, đưa doanh nghiệp vươn tới thành công lớn hơn trong tương lai!

Hà Thanh