Hãy Đọc Những Điều Này Trước Khi Quyết Định Đổi Nghề

Đổi nghề không phải là một chuyện hiếm thấy. Chúng ta có thể gắn bó cả đời với một nghề duy nhất hoặc cũng có thể một đời đổi dăm ba nghề với những lý do khác nhau. Có người muốn mở mang kiến thức, thử sức với đa dạng nghề nghiệp, theo đuổi đam mê đã lỡ, có người muốn nâng cao thu nhập, cũng có người vì “chán” công việc hiện tại mà theo đuổi nghề nghiệp mới. 

Song song với những cơ hội là rủi ro mà nếu hấp tấp đổi nghề khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, ắt sẽ xảy ra. 

Vậy làm thế nào nếu bạn đang muốn đổi nghề lắm rồi? Có nên đổi nghề bất chấp tất cả? Hãy cân nhắc những điều sau đây để không mắc phải sai lầm vì quyết định thay đổi nghề nghiệp nhé. 

1. Bạn có thực sự muốn đổi nghề hay chỉ muốn một chỗ làm mới?

Đổi nghề và đổi việc là hai phạm trù vô cùng khác nhau trong hoàn cảnh này. Đổi nghề là chuyển sang một lĩnh vực khác có thể không liên quan đến công việc hiện tại của bạn. Trong khi đó đổi việc thường là việc đi tìm một công việc mới trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi, ở một môi trường làm việc mới, công ty mới. 

Có rất nhiều lý do khiến bạn muốn nghỉ việc và tìm chỗ làm mới. Đừng nhầm lẫn chúng là nguyên do khiến bạn chán ghét lĩnh vực mình đang làm. 

Nếu bạn vẫn muốn theo đuổi nghề nghiệp mà mình đã dành thời gian học tập và trau dồi kinh nghiệm, đơn giản là hãy tìm một chỗ làm mới tốt hơn. Lúc này, bạn vẫn muốn gắn bó với nghề đấy. Điều cần làm là lựa chọn một môi trường giúp bạn ngày càng cảm thấy yêu nó hơn. 

Còn nếu đã thực sự muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, hãy cân nhắc đến chuyện đổi nghề.

đổi nghề kiếm cơm

2. Bạn biết gì về lĩnh vực mới mà mình muốn theo đuổi?

Vì thiếu hiểu biết hoặc không nghiên cứu tường tận về lĩnh vực mới nên sau khi đổi nghề, nhiều người cảm thấy công việc mới cũng không khá khẩm hơn công việc cũ của họ. Có người còn rơi vào tình trạng “vỡ mộng” khi công việc không được như ý muốn. 

Chính vì vậy, trước khi quyết định đổi nghề, hãy dành thời gian học hỏi, luyện tập, và cập nhật kiến thức về lĩnh vực, công việc mới giống như khi bạn bắt đầu với công việc cũ. 

Ngoài kiến thức chuyên môn, hãy tìm hiểu cả thị trường, cũng như đặc thù công việc để không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu. Nếu có thể, hãy tận dụng các mối quan hệ bạn có được từ công việc cũ, liên hệ họ để hỏi ý kiến, kinh nghiệm, v.v. 

3. Bạn nghĩ nhà tuyển dụng có chấp nhận một người đổi nghề? 

Câu hỏi này có thể có nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên điều bạn cần quan tâm là nhà tuyển dụng sẽ muốn tuyển người thực sự có năng lực. 

Hãy đặt câu hỏi liệu nhà tuyển dụng có muốn làm việc với một người có kinh nghiệm và kỹ năng như bạn? Bạn có gì để cạnh tranh với rất nhiều ứng cử viên khác đã theo đuổi ngành nghề này từ đầu và có nhiều lợi thế hơn? 

Những điều này sẽ có thể khiến bạn nhận ra rằng thách thức để bạn có thể chạm tay đến nghề nghiệp mới không hề dễ dàng. Tuy nhiên đừng quá hoảng loạn nhé! Hãy khách quan đánh giá năng lực của bản thân và xem xét các lý do khiến bạn chưa tự tin có được công việc mới này. Từ đó, hãy lên kế hoạch để nâng cấp bản thân và tiến gần hơn đến công việc mới. 

Đọc thêm: Lựa Chọn Nghề Nghiệp Thế Nào Khi Không Biết Mình Thích Gì?

4. Bạn có chấp nhận bị giảm thu nhập vì sự thay đổi này?

Điều này dễ xảy ra khi bạn chuyển sang một lĩnh vực mới và bắt đầu lại từ con số 0. Nghĩa là bạn sẽ bắt đầu từ vị trí nhỏ nhất. Ví dụ, bạn đang làm Senior Marketer ở một agency, sau khi đổi nghề sang làm ở một công ty vận tải, bạn bắt đầu với công việc của một Junior logistics Analyst, có thể là Logistics Analyst Intern. 

Và đương nhiên, mức lương của những vị trí sơ cấp này sẽ ít hơn so với những vị trí cao hơn mà bạn từng làm. 

Hãy hỏi chính mình rằng bạn có chấp nhận hy sinh môt khoản thu nhập để đổi lại công việc mới đó không? Chưa kể đến thời gian bạn cần bỏ ra để học tập, nghiên cứu, và thích nghi với nó cũng có thể được tính bằng tiền. 

5. Bạn có chấp nhận một vị trí thấp hơn so với vị trí hiện tại? 

Câu hỏi này cũng tương tự với câu hỏi bên trên và đặc biệt cần thiết đối với những ai đang đảm nhận công việc ở vị trí cấp cao, quan trọng, và có mức lương đáng ngưỡng mộ. 

Liệu đánh đổi vị trí hiện tại lấy một công việc ở vào cùng vị trí đầu tiên mà bạn có được vào thuở mới gia nhập thị trường lao động có khiến bạn hài lòng? 

Hãy cân nhắc đến những thay đổi mà bạn sẽ có thể phải trải qua ngoài vấn đề lương hay công việc. Chúng có thể là quan hệ với đồng nghiệp, môi trường làm việc, khoảng cách thế hệ, v.v. 

Tóm lại là: Có nên đổi nghề không? 

có nên đổi nghề
Đổi nghề hay không phụ thuộc vào chính bạn

Một lần nữa đưa ra câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng quả là đáng chê trách! Tuy nhiên, nếu bạn đã đọc đến đây, chắc hẳn trong bạn cũng đã nhen nhóm ý định đổi nghề phải không nào? 

Quyết định cuối cùng là ở bạn. Tuy nhiên, để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất, việc trả lời những câu hỏi như trên là vô cùng cần thiết. 

Giống như trong kinh doanh, người ta dùng SWOT để phân tích điểm mạnh yếu, mặt lợi hại của vấn đề, bạn cũng cần cân nhắc việc “đổi nghề” của mình từ nhiều khía cạnh, dưới nhiều góc nhìn. 

Sau khi cân nhắc, bạn sẽ phát hiện ra rằng mình thực sự muốn và cần chuyển đổi nghề nghiệp hoặc, bạn đang chọn đúng nghề rồi và chỉ cần một công việc mới thôi. 

Dù đó là một bước chuyển mình hoàn toàn mới hay chỉ là một cuộc “cải cách” để công việc hàng ngày bớt nhàm chán, Glints sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bạn.

Tác Giả

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word