Luật là một trong số ít ngành có tính ứng dụng cao trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Trở thành luật sư không phải con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp ngành luật. Tính đặc thù của nó tạo ra sự đa dạng về nghề nghiệp cho các cử nhân luật.
Vậy cụ thể học luật ra làm gì? Triển vọng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành luật là như thế nào? Hãy cùng Glints đi tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.
Sơ lược về ngành luật ở Việt Nam
Đầu tiên, bạn cần nắm sơ lược về ngành luật ở Việt Nam trước khi tìm hiểu học luật ra làm gì.
Luật pháp là một tập hợp các quy tắc được tạo ra và có hiệu lực thi hành bởi các tổ chức xã hội hoặc chính phủ. Mục đích chính của ban hành luật là để điều chỉnh hành vi. Nó còn được các học giả mô tả như một môn khoa học và nghệ thuật của công lý.
Học luật mang lại cơ hội phát triển các kỹ năng và khám phá nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nó mang lại cho bạn cơ hội rèn giũa trí óc, củng cố sự hiểu biết và đào sâu trải nghiệm trong toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bạn sẽ có được sự hiểu biết kể cả chiều rộng và chiều sâu ở các lĩnh vực mà bạn quan tâm.
Luật thu hút những người muốn phát triển cả tư duy trừu tượng và giải quyết vấn đề thực tế. Tại Việt Nam, đa phần mọi người thường nghĩ học luật ra trường thì sẽ mặc định là luật sư. Tuy nhiên, tính ứng dụng của ngành luật là tương đối cao, khiến nó phù hợp và là yếu tố cần thiết của nhiều ngành nghề.
Ngoài việc trở thành một luật sư, bạn còn có thể là một chuyên viên pháp lý, nhà sản xuất, chính trị gia, nhà quản lý, nhà báo, nhà ngoại giao hoặc cảnh sát. Tấm bằng cử nhân luật giúp bạn phù hợp với hầu hết mọi ngành nghề đòi hỏi sức mạnh trí tuệ kết hợp với cách tiếp cận thực tế.
Bộ kỹ năng cần thiết để theo đuổi ngành luật
Trước khi có định hướng theo ngành luật, bạn cần cân nhắc một số kỹ năng cần thiết để theo đuổi ngành đặc thù này. Cụ thể:
Sinh viên luật phải thể hiện khả năng đọc, viết, nói và nghe rất tốt. Thường thì họ phải đọc một lượng lớn tài liệu phức tạp và sử dụng thông tin đó để viết các tài liệu liên quan. Vì lẽ đó, nếu bạn muốn thành công trong trường luật, khả năng hiểu thông tin và viết về nó là rất quan trọng.
Sinh viên ngành luật cũng phải trình bày tranh luận của mình trước các đồng nghiệp và giảng viên. Việc tham gia vào các dự án nhóm hoặc vị trí lãnh đạo trong các nhóm sinh viên sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng giao tiếp. Một kỹ năng quan trọng không kém khác là lắng nghe chủ động, thứ thường bị mọi người bỏ qua.
Đọc thêm: Kỹ Năng Giao Tiếp Hiện Tại Của Bạn Đã Hiệu Quả Chưa?
- Suy nghĩ logic và kỹ năng phân tích
Là một sinh viên luật, bạn sẽ phải đánh giá lập luận của nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, việc tiếp xúc với những ý tưởng mới có thể giúp bạn hiểu và phân tích các quan điểm khác nhau. Bằng cách trao đổi với các cố vấn và giảng viên về các khóa học khả thi, bạn có thể tìm hiểu và chọn các lớp học nhấn mạnh đến tư duy phân tích và phản biện.
- Tìm tòi và nghiên cứu
Sinh viên luật thường phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Vì vậy, học cách tận dụng các kênh nghiên cứu tại thư viện khi còn là sinh viên sẽ giúp bạn thu thập và phân tích thông tin tại trường luật một cách hiệu quả và có chọn lọc. Tương tự như vậy, hoàn thành hoặc trợ giúp các bài nghiên cứu có thể giúp bạn học cách khám phá, quản lý, tổng hợp và phân tích một lượng lớn tài liệu.
- Tổ chức và quản lý
Các luật sư thường xuyên phải nhanh chóng chuẩn bị cho các phiên tòa. Vì lẽ đó, có được khả năng phân tích nhanh chóng và sắp xếp một lượng lớn tài liệu phức tạp sẽ có lợi cho bạn. Bằng cách tham gia các khóa học đầy thử thách và hoàn thành các bài tập kích thích tư duy, bạn có thể học các kỹ thuật sắp xếp dữ liệu liên quan, đồng thời quản lý thời hạn giao việc.
Học luật ra làm gì? Triển vọng nghề nghiệp của ngành luật tại thị trường Việt Nam
Không để bạn chờ đợi lâu hơn nữa, phần tiếp sau đây sẽ trả lời trực tiếp cho câu hỏi học luật ra làm gì. Các sinh viên tốt nghiệp ngành luật thường hoạt động chủ yếu ở các mảng sau:
Phổ biến nhất chính là trở thành luật sư, những công việc thường nhật của một luật sư bao gồm:
- Tư vấn và đại diện cho khách hàng tại tòa án, trước các cơ quan chính phủ trong các vấn đề liên quan đến pháp lý
- Giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp, thẩm phán và những người khác có liên quan đến vụ việc
- Tiến hành nghiên cứu và phân tích các vấn đề pháp lý
- Giải thích luật, quy tắc và quy định cho các cá nhân và doanh nghiệp
- Trình bày sự thật bằng văn bản và bằng lời nói với khách hàng của họ hoặc những người khác.
- Tranh luận hay kháng cáo thay mặt cho khách hàng
- Soạn thảo và nộp các tài liệu pháp lý, chẳng hạn như đơn kiện, kháng cáo, di chúc, hợp đồng và chứng thư
Với tư cách là người bào chữa, luật sư đại diện cho một trong các bên trong phiên tòa hình sự hoặc dân sự bằng cách đưa ra bằng chứng và lập luận ủng hộ thân chủ của họ. Với tư cách là cố vấn, luật sư tư vấn cho khách hàng về các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Đồng thời, họ đề xuất các cách hành động trong kinh doanh và các vấn đề cá nhân. Tất cả các luật sư nghiên cứu mục đích của luật pháp và các quyết định tư pháp và áp dụng luật pháp vào các trường hợp cụ thể mà khách hàng của họ phải đối mặt.
Ngoài luật sư, sinh viên tốt nghiệp ngành luật có thể có các chức danh và nhiệm vụ khác nhau, tùy thuộc vào nơi họ làm việc. Trong các công ty luật, luật sư, đôi khi được gọi là cộng sự, thực hiện công việc pháp lý cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Người đại diện và bào chữa cho bị can có thể được gọi là luật sư luật hình sự hoặc luật sư bào chữa.
Luật sư cũng làm việc cho chính phủ, các sở, ban, ngành và địa phương. Công tố viên làm việc cho nhà nước với vai trò chính là buộc tội các cá nhân hoặc công ty bị cáo buộc vi phạm pháp luật. Một số cũng có thể làm luật sư công. Họ là đại diện cho những cá nhân không đủ khả năng thuê luật sư riêng của họ.
Bạn cũng có thể làm cố vấn cho các cơ quan hành chính và các nhánh hành pháp hoặc lập pháp của chính phủ. Nhiệm vụ của vị trí này là giải thích luật và quy định nhằm thiết lập các thủ tục để thực thi chúng. Các cố vấn pháp lý cũng hỗ trợ đánh giá pháp lý về các quyết định của cơ quan. Họ còn thay mặt nhà nước tranh luận trong các vụ án dân sự và hình sự.
Ngoài chức danh chính là luật sư, cư nhân ngành luật còn có thể hoạt động trong các công ty luật, công ty, doanh nghiệp tư nhân. Cố vấn nội bộ là người làm việc cho doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ. Họ tư vấn giám đốc điều hành về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh. Những vấn đề này có thể liên quan đến bằng sáng chế, quy định của chính phủ, hợp đồng với các công ty khác, quyền lợi tài sản, thuế hoặc thỏa thuận thương lượng tập thể với các công đoàn.
Khái quát về mức lương, đãi ngộ của ngành luật tại Việt Nam
Sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật có hai hướng đi chính: làm việc cho cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân.
Nếu làm tư vấn luật pháp cho cơ quan công, mức lương của bạn sẽ được tính theo hệ số lương của nhân viên nhà nước. Hiện tại, mức lương tối thiểu đối với vị trí này khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Lưu ý, đây chỉ là mức khởi điểm, tuỳ vào vị trí làm việc mà lương của bạn sẽ được tính theo hệ số khác nhau.
Nếu bạn có ý định trở thành công tố hoặc kiểm sát viên, đãi ngộ của bạn sẽ từ 8-10 triệu/tháng + 25% phụ cấp nhà nước. Đối với luật sư trong các công ty luật, mức lương trung bình bạn có thể nhận dao động 15-20 triệu đồng/tháng. Đối với cấp bậc quản lý, con số này có thể lên đến 30-40 triệu đồng/tháng.
Top các trường đào tạo ngành luật tốt nhất ở Việt Nam
Vậy đâu là những trường, đơn vị hay cơ sở đào tạo ngành luật tốt nhất ở Việt Nam. Dưới đây là danh sách mà Glints tổng hợp được:
- Trường Đại học Luật Hà Nội
- Trường Đại học Luật TP.HCM
- Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học Vinh
- Trường Đại học Luật – Đại học Huế
- Đại học Cần Thơ
- Trường Đại học Kinh tế – Luật
Kết luận
Luật pháp là yếu tố cần thiết cho mọi vấn đề, lĩnh vực trong xã hội. Nghề luật, tuy mang tính đặc thù, nhưng lại là ngành nghề đa dạng với nhiều cơ hội rộng mở.
Qua bài viết trên, Glints đã cùng bạn trả lời cho câu hỏi học luật ra làm gì. Hi vọng thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình định hướng nghề nghiệp của bản thân. Nếu yêu thích các nội dung tương tự, hãy luôn theo dõi Glints để đón đọc thêm nhiều content thú vị về chủ đề hướng nghiệp nhé!
Tác Giả