Hiện nay, các chiến lược marketing và phát triển nội dung mạng xã hội (nổi bật là Facebook) đã và đang mang lại những hiệu quả rõ ràng vượt bậc. Tất nhiên, một kế hoạch phát triển nội dung trên Facebook sẽ không thể thành công nếu thiếu đi những mẫu plan content cho fanpage chỉn chu, hiệu quả.
Vậy content plan là gì? Làm thế nào để lập được một mẫu content plan cho fanpage ưng ý nhất? Cùng theo dõi bài viết dưới đây và đừng quên tải ngay bộ template content plan chuyên nghiệp từ Glints nhé!
Content Plan là gì?
Kế hoạch nội dung (Content Plan) cho mạng xã hội bao gồm tất cả các chỉ số marketing và là nơi tổng hợp dữ liệu cần thiết để đạt được mục tiêu trong chiến lược nội dung của bạn.
Một mẫu kế hoạch nội dung quản lý fanpage có thể bao gồm tất tần tật: từ công cụ SEO, mức độ tương tác, tiến trình sáng tạo nội dung, mật độ bài đăng, thời gian đăng bài, người phụ trách,…
Thông thường, một mẫu plan content cho fanpage được trình bày dưới dạng bảng Excel hoặc các công cụ quản lý công việc để thuận tiện cho các thành viên tham gia theo dõi và cập nhật tiến độ công việc.
Vì sao lập mẫu content plan cho fanpage rất quan trọng?
Tiếp cận được nhiều đối tượng người dùng là mục tiêu chính của các chiến dịch content marketing trên fanpage. Tuy nhiên, một chiến dịch thiếu đi kế hoạch nội dung bài bản sẽ khó lòng duy trì hình ảnh trong mắt khách hàng và tần suất tiếp cận của thương hiệu trong mắt người dùng.
Bên cạnh đó, các Content Marketer hơn ai hết đều hiểu rằng việc nghĩ ra nội dung để đăng lên fanpage thường rất “bấp bênh”: có lúc ý tưởng rất nhiều, nhưng có những lúc mãi không thể “nặn” ra một suy nghĩ hay ho nào. Đôi khi ý tưởng còn bị trùng lặp khó lòng kiểm soát.
Vì vậy, lập kế hoạch content chính là cách tốt nhất để thống nhất và phân phối đều đặn về mặt nội dung, đăng bài phù hợp với từng thời điểm sẽ tạo được sự chuyên nghiệp trong mắt người theo dõi.
8 bước lập kế hoạch cho mẫu Plan Content Fanpage hiệu quả
Bạn đã nắm được tầm quan trọng của việc lên kế hoạch nội dung cho fanpage rồi chứ? Tiếp theo, mời bạn tìm hiểu 8 bước giúp bạn tự xây dựng cho mình một content plan hoàn chỉnh từ A đến Z nhé!
Bước 1: Định hướng mục tiêu rõ ràng cho kế hoạch Content Marketing
Kế hoạch sản xuất nội dung cho fanpage luôn nên được gắn liền với mục tiêu và chiến lược marketing của thương hiệu.
Các yếu tố như ngân sách, nhân lực, quỹ thời gian, KPI, v.v. đều được quyết định trước đó vì content plan là bước cuối cùng trong quy trình thể hiện ý tưởng của thương hiệu.
Trước khi tổng hợp ý tưởng vào content plan, đừng quên thảo luận cùng các bộ phận liên quan để làm rõ những mục tiêu nào của kế hoạch cần được thỏa mãn nhé.
Bước 2: Nghiên cứu chi tiết các khía cạnh liên quan
Một kế hoạch content mang lại hiệu quả khi:
- Thỏa mãn nhu cầu của người đọc.
- Thể hiện sự khác biệt với các thương hiệu còn lại.
- Điểm mạnh của sản phẩm/dịch vụ được thể hiện nổi bật.
Đâu là chìa khóa giúp bạn đáp ứng được các tiêu chí trên? Nghiên cứu thành công 4 yếu tố dưới đây là một trong những bước quan trọng quyết định sự thành công của kế hoạch sản xuất nội dung trên fanpage:
- Thương hiệu: Ý nghĩa của thương hiệu là gì? Thông điệp và giá trị cốt lõi?
- Sản phẩm/dịch vụ: Sản phẩm đang bán là gì? Sản phẩm có những điểm mạnh/lợi ích gì?
- Đối tượng mục tiêu: Khách hàng của bạn là ai? Họ đang gặp vấn đề/nhu cầu gì?
- Đối thủ: Đối thủ đang có những bước tiến gì? Điểm mạnh, yếu của họ?
Bước 3: Phân tích insights và tìm thông điệp chính (big idea)
Nếu chưa biết thông điệp chính là gì, bạn hãy thử phân tích insights đối tượng mục tiêu bằng cách tìm lời giải cho câu hỏi sau:
Bạn muốn đối tượng mục tiêu nhớ được điều gì sau khi đọc nội dung đến từ fanpage của bạn? Bạn muốn hình ảnh thương hiệu trong mắt họ như thế nào?
Để đạt được kết quả tốt nhất, thông điệp chính nên thỏa mãn các tiêu chí như:
- Chi tiết, đi thẳng vào trọng tâm.
- Có sự liên kết với customer insight.
- Ngôn ngữ đại chúng, dễ hiểu, thân thiện.
- Độc nhất, không nên để bị trùng lặp.
- Dễ nhớ và nhất quán xuyên suốt chiến lược.
Bước 4: Đưa ra định hướng nội dung (Content Direction)
Một cách hiểu đơn giản, Định hướng nội dung chính là những yêu cầu và tiêu chuẩn mà mọi nội dung được phổ biến trên fanpage cần phải tuân theo. Các tiêu chuẩn và yêu cầu phổ biến mà người viết cần tuân theo như:
- Thông tin chi tiết về mục tiêu và nghiên cứu (ở Bước 1 và Bước 2)
- Tham khảo (nội dung nổi bật đến từ các đối thủ)
- Chi tiết về thông điệp chính (đã xác định ở Bước 3)
- Yêu cầu hình thức (bố cục, yêu cầu SEO, giọng văn, v.v.)
- Định hướng nội dung (các ý cần nhấn mạnh)
- Định hướng hình ảnh (Logo, font chữ, màu sắc, v.v.)
Một mẫu plan content cho fanpage luôn phải bao gồm các thông tin cơ bản trên. Bạn sẽ không muốn các bài viết trên fanpage thiếu sự thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức đâu.
Bước 5: Xác định chủ đề chính (Content Pillar)
Content Pillar còn được xem là những chủ đề chính cho fanpage của bạn được phát triển từ thông điệp chính (Big Idea) đã được tìm hiểu ở bước 3. Từ những trụ cột đó, bạn có thể lên ý tưởng về các chủ đề nhỏ hơn, các ý tưởng phụ xoay quanh.
Giả sử bạn đang điều hành một fanpage về các thiết bị điện tử, có những content pillar như:
- Nhóm thiết bị điện tử
- Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm
- Dịch vụ sửa chữa và mua bán
- Review sản phẩm công nghệ và hàng điện tử
- Sự kiện nổi bật
Bước 6: Phát triển và chọn lọc ý tưởng content
Sau khi có Content Pillar ở bước trên rồi, đây là lúc bạn lên ý tưởng viết bài cho từng pillar đó.
Phát triển ý tưởng như thế nào? Glints gợi ý cho bạn những cách dưới đây nhé.
- Lấy ý tưởng từ các bước nghiên cứu. Những thông tin đã thu nhặt được ở Bước 1 hoàn toàn có thể gợi ý cho bạn khá nhiều ý tưởng phù hợp với mục tiêu chung cho từng pillar khác nhau.
- Sử dụng và biến tấu nội dung do người dùng tạo ra (UGC – User-Generated Content).
- Cùng các thành viên liên quan thảo luận để đưa ra ý tưởng mới. Thay phiên đặt ra câu hỏi và tìm giải pháp, bạn sẽ tìm ra vô số ý tưởng hay ho đấy.
- Thay đổi góc nhìn (content angle). Một chủ đề có thể được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau (góc nhìn chuyên gia, giá trị sản phẩm, thống kê, trải nghiệm người dùng, v.v.)
Bước 7: Lên thời gian biểu bằng Content Calendar
Content Calendar còn được gọi bằng cái tên Editorial Calendar hoặc Social Calendar, bao gồm kế hoạch đăng bài lên fanpage trong một khoảng thời gian nhất định.
Mỗi fanpage sẽ có một khung giờ thích hợp để đăng nội dung, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của thương hiệu. Sau khi phân tích về khách hàng mục tiêu, bạn hoàn toàn có thể chủ động chọn khung giờ “vàng” để đăng bài và thu hút họ một cách hiệu quả hơn.
Nếu bạn chưa hình dung được một Content Calendar trông như thế nào, hãy tham khảo các content plan mẫu đến từ Glints nhé.
Bước 8: Triển khai nội dung, đăng tải và đo lường
Bước cuối cùng chính là thời điểm bạn trổ tài viết lách của mình rồi. Để gia tăng sự thú vị trong nội dung, bạn có thể dàn trải các nội dung gây tò mò và hứng thú với người đọc của fanpage.
Sau đó, đừng quên đánh giá sự hiệu quả của các loại content đã đăng tải nhé. Bạn có thể dựa vào đó để cải thiện và chỉnh sửa content plan của fanpage sao cho phù hợp nhất.
Những điều cần lưu ý khi lập content plan cho Fanpage
Để tạo được một content plan như ý, bạn hãy đảm bảo thực hiện đúng ba yếu tố sau đây:
1. Content Plan “ăn khớp” với chiến lược truyền thông mạng xã hội
Chiến lược truyền thông vô cùng quan trọng với thương hiệu, và khó có thể khẳng định rằng kế hoạch truyền thông của bạn là hoàn hảo ngay từ lúc bắt đầu.
Trong quá trình theo dõi kết quả, bạn có thể nhận thấy rằng có kế hoạch không thực sự hiệu quả như mong đợi và ngược lại. Cho nên hãy linh động điều chỉnh content plan thường xuyên nhưng vẫn phải phù hợp với chiến lược marketing nhé.
2. Lịch trình đăng tải nội dung (content calendar)
Content calendar không chỉ đơn giản là ghi chú lịch trình đăng nhập vào fanpage, đăng tải nội dung và thoát ra đâu nhé.
Các quản trị viên nên bao gồm trong calendar của mình thời gian online để tương tác với độc giả (chia sẻ, bình luận, trả lời câu hỏi, v.v.) giúp fanpage trở nên “sống động” hơn.
3. Không nên đăng bài quá ít hoặc quá nhiều
Chọn lựa số lượng bài đăng và thời gian đăng bài trên Facebook cũng là một “nghệ thuật” đó. Nếu đăng quá ít, lượng tương tác của fanpage sẽ không phát triển ổn định. Nếu đăng quá nhiều fanpage sẽ bị “loãng”, khó tập trung truyền tải thông tin chất lượng đến độc giả.
Bạn hãy liên tục đánh giá lượt tương tác của các bài đăng và chọn tần suất đăng bài phù hợp nha.
Đọc thêm: Storytelling Là Gì Và Tầm Quan Trọng Của Nó Trong Content Marketing
Các mẫu plan content cho fanpage bằng file excel chuyên nghiệp
Nếu bạn chưa chọn được cho mình một mẫu content plan ưng ý, các mẫu content plan cho fanpage đến từ Glints sẽ rất đáng để bạn tham khảo đấy.
TẢI TẠI LINK DỰ PHÒNG: https://forms.gle/nupyYFjAKbVFC4wM6
Kết
Qua bài viết trên, hy vọng độc giả đã nắm được tầm quan trọng của content plan cho fanpage, cũng như tìm hiểu qua các bước để thiết kế cho fanpage một kế hoạch nội dung hoàn chỉnh. Glints chúc bạn thành công trên hành trình quản lý fanpage nhé!
Tác Giả