Hướng dẫn cách tính bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 chính xác nhất

Bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành một trong những loại bảo hiểm quan trọng của người lao động, giúp họ chia sẻ gánh nặng về tài chính. Việc nắm rõ những điều luật thông tin liên quan đến bảo hiểm sẽ giúp cho bạn có được quyền lợi của mình.

Tuy nhiên cho đến hiện tại thì vẫn có một số bạn chưa biết cách tính bảo hiểm thất nghiệp. Đừng quá lo lắng, Glints sẽ giúp bạn tính được khoản tiền này trong bài viết dưới đây!

Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

cách tính bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch Covid, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) càng trở nên quan trọng trong cuộc sống người dân. Chúng được ví như những chiếc phao cứu sinh, hỗ trợ và giải quyết nhiều vấn đề cho người lao động.

Theo khoản 4, Điều 3, Luật Việc làm 2013: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.

Theo quy định này thì cả người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm tham gia loại bảo hiểm này.

Đọc thêm: Lương Net Và Lương Gross Là Gì? Cách Tính Lương Net Và Lương Gross

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng hiện nay

Việc hiểu rõ về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp bạn biết được trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo hiểm. Theo khoản 1, Điều 57, luật Việc làm năm 2003, các mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể như sau:

  • Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
  • Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động hiện đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
  • Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động hiện đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Cần đáp ứng những điều kiện nào để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về cách tính bảo hiểm thất nghiệp, bạn cần xem xét bản thân có thuộc đối tượng được hưởng hay không. Dưới đây là thông tin của những đối tượng được hưởng BHTN:

  • Đối tượng có hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc được ký không xác định thời hạn;
  • Đối tượng có hợp đồng lao động được ký kết có thời hạn, trong một khoảng thời gian nhất định;
  • Đối tượng làm hợp đồng lao động thời vụ, hoặc đang làm một công việc nhất định mà thời gian làm việc từ 3 đến dưới 13 tháng;
  • Nếu trong trường hợp người lao động ký kết với nhiều hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc thì người sử dụng lao động và người lao động sẽ tính trợ cấp theo hợp đồng lao động được ký sớm nhất, đã có tham gia BHTN.

Điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp

tiền bảo hiểm thất nghiệp được tính như thế nào
Một số điều kiện bắt buộc khi nhận bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

Đối với người lao động, để nhận được số tiền bảo hiểm thất nghiệp thì cần phải đạt 4 điều kiện theo Điều 49 của Luật Việc làm 2013:

Thứ nhất: Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ một số  trường hợp:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái với pháp luật Việt Nam;
  • Người lao động nằm trong chính sách được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Thứ hai: Người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp:

  • Từ đủ 12 tháng trở lên và trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn/xác định thời hạn;
  • Từ đủ 12 tháng trở lên và trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ/một công việc nhất định có thời gian từ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

Lưu ý: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để tham gia xét thưởng trợ cấp thất nghiệp chính là tổng các khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không, cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến lúc chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ ba: Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại những trung tâm việc làm do cơ quan quản lý nhà nước thành lập.

Thứ tư: Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp:

  • Đi học với thời gian trên 12 tháng;
  • Tham gia nghĩa vụ công an hoặc nghĩa vụ quân sự;
  • Bị tạm giam, buộc chấp hành hình phạt tù;
  • Đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng hoặc ra nước ngoài định cư;
  • Chấp hành những quyết định áp dụng biện pháp như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc;
  • Đã chết.

Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Theo điều được 54 Luật Việc làm 2013, đối với người lao động chỉ cần đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng việc làm thì chỉ cần có nhu cầu tìm kiếm việc làm chắc chắn sẽ được hỗ trợ, giới thiệu từ các trung tâm giới thiệu việc làm.

Điều kiện được hỗ trợ học nghề

Theo điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động được hỗ trợ học nghề khi đạt đủ những điều kiện dưới đây:

Đã chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động. Trừ trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, trái với luật, hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 trước khi chấm dứt hợp đồng hoặc hợp đồng lao động.

Người lao động đã hoàn tất nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, trong khoảng thời hạn từ 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.

Trong trường hợp chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ lúc  nộp hồ sơ tại trung tâm việc làm. Trừ một số trường hợp khác như: Thực hiện nghĩa vụ công, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tạm giam,…

Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm

cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người sử dụng lao động có nhiệm vụ đào tạo người lao động

Trong chính sách dành riêng cho người sử dụng lao động có nhiệm vụ phải hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ để duy trì việc làm cho người lao động. Để được hưởng quyền lợi hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động cần phải có đủ các điều kiện Tại Điều 47 Luật Việc làm 2013:

  • Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời gian liên tục, đủ 12 tháng cho đến khi đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;
  • Gặp các khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì bất kỳ lý do nào bắt buộc phải thay đổi công nghệ, cơ cấu;
  • Không đủ kinh phí để bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động;
  • Đã có phương án bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng và duy trì việc làm, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất 2022

Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp

Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính như sau:

Mức hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương 1 tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Trong đó bạn cần biết một số quy định sau:

  • Đối với người lao động hưởng chế độ lương theo quy định của nhà nước thì mức hưởng hàng tháng không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
  • Đối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì mức tiền trợ cấp hàng tháng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính ngay thời điểm chấm dứt HĐLĐ).

Số tháng được trợ cấp như sau: Khi đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì hưởng 3 tháng trợ cấp. Cứ đóng đủ 12 tháng thì sẽ thêm 1 tháng thất nghiệp nhưng thời gian hưởng sẽ không quá 12 tháng.

Ví dụ cách tính bảo hiểm thất nghiệp

cách tính nhận bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động nên nắm rõ các công thức cách tính nhận bảo hiểm thất nghiệp

Để hiểu rõ hơn về lương thất nghiệp tính thế nào, chúng mình cùng tìm hiểu các ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: Ông Bảo làm nhà nước và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 12 tháng với mức lương trung bình 6 tháng cuối là 15 triệu đồng/tháng. Cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

  • Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa = lương cơ sở * 5 = 1,49 * 5 = 7,45 triệu đồng/tháng
  • Trợ cấp thất nghiệp theo công thức = 15 * 60% = 9 triệu đồng/tháng

Vì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không thể vượt quá mức trợ cấp thất nghiệp tối đa nên ông Bảo sẽ nhận 7,45 triệu đồng/tháng.

Ví dụ 2: Bà Hoa đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 62 tháng, mức lương cơ bản vùng 2, lương trung bình 6 tháng cuối là 7 triệu/tháng. Thời gian được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp của bà Hoa như sau:

  • 36 tháng đầu: hưởng 3 tháng trợ cấp
  • 23 tháng kế tiếp: hưởng 2 tháng
  • 2 tháng còn lại: được cộng dồn vào những lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.

Cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà Hoa như sau: 7 * 60% = 4,2 triệu/tháng.

Ví dụ 3: Khi ông Châu đóng bảo hiểm thất nghiệp được 15 tháng tại doanh nghiệp tư nhân vùng 2, mức lương trung bình 6 tháng cuối của ông là 30 triệu/tháng. Mức nhận bảo hiểm thất nghiệp của ông được tính như sau:

  • 15 tháng: được hưởng 3 tháng trợ cấp
  • Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tại vùng 2 tối đa =  lương tối thiểu vùng * 5 = 19,6 triệu/tháng.
  • Tính trợ cấp thất nghiệp theo công thức = 30*60% = 18 triệu.

Vậy ông sẽ được hưởng 18 triệu đồng/tháng với thời hạn 3 tháng.

Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Theo điều 54 của bộ luật Việc làm năm 2013, thì người lao động được miễn phí tư vấn việc làm trong thời gian thất nghiệp thông qua việc sử dụng các dịch vụ tại trung tâm giới thiệu việc làm.

Hỗ trợ học nghề

Dựa theo Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề:

  • Đối với khóa đào tạo nghề 3 tháng: Mức hỗ trợ dựa trên mức thu học phí của cơ sở đào tạo, và thời gian học nghề thực tế. Nhưng mức hỗ trợ tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
  • Đối với khóa trên 3 tháng: Mức hỗ trợ sẽ dựa theo mức thu học phí, tính theo tháng, thời gian thực tế và tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm

Dựa theo Điều 4, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Khi người sử dụng lao động có đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ cho việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao được trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động:

Mức hỗ trợ tối đa cho 1 người = 1 triệu/tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể sẽ được tính theo thời gian học thực tế, tính theo tháng của nghề, hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Quá trình nộp bảo hiểm thất nghiệp cần chuẩn bị gì

lương thất nghiệp tính thế nào
Người lao động cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để nộp hồ sơ

Hồ sơ cần có và địa điểm nộp hồ sơ

Bộ hồ sơ để nộp với mục đích yêu cầu nhận trợ cấp thực hiện sẽ bao gồm:

  • Giấy đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo chuẩn mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
  • Bản sao hoặc bản chính một số giấy tờ sau đây về việc xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cụ thể như: Quyết định sa thải, quyết định nghỉ việc, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,…các thông báo chấm dứt hợp đồng làm việc.
  • Trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc công việc theo mùa vụ chỉ có hiệu lực từ 3 tháng đến 12 tháng. Giấy tờ này là bản chính hoặc bản sao có công chứng.
  • Sổ bảo hiểm xã hội

Địa điểm chấp nhận hồ sơ:

Dựa theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp và chưa có việc làm cần phải nộp 1 bộ hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Sau 3 tháng, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không giải quyết  thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp và thời gian đóng BHTN sẽ được bảo lưu.

Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Cách nhận bảo hiểm thất nghiệp là một trong những điều được nhiều người quan tâm. Đầu tiên, bạn cần phải tra cứu thông tin bảo hiểm thất nghiệp qua các cách như: Tra cứu qua VSSID, tổng đài, qua SMS.

Bạn sẽ nhận được thủ tục trợ cấp thất nghiệp bằng cách làm theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ tại các trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Bước 2: Hồ sơ của bạn sẽ được giải quyết trong vòng 20 ngày, sau đó sẽ nhận được thông báo chấp nhận hoặc từ chối tại trung tâm.
  • Bước 3: Kể từ ngày bạn nhận được quyết định hưởng trợ cấp, thì bạn hãy đến cơ quan BHXH để nhận trợ cấp (thời hạn không quá  5 ngày).
  • Bước 4: Bạn đến trung tâm dịch vụ để tìm kiếm việc làm mới theo quy định.

Cách nhận bảo hiểm thất nghiệp

Theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH tại Chương IV Điều 9 về Tổ chức chi trả BHTN, người lao động có thể nhận số tiền hỗ trợ thất nghiệp qua các hình thức sau:

  • Nhận tiền mặt tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ hoặc trung tâm dịch vụ việc làm.
  • Nhận tiền mặt qua thẻ ngân hàng.
  • Nhận tiền qua bưu điện.

Hiện nay, hình thức phổ biến nhất chính  chi trả qua thẻ ngân hàng, chuyển trực tiếp vào tài khoản của người lao động. Hình thức này có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức.

Đọc thêm: Thất Nghiệp Nên Làm Gì? Thử Ngay 12 Công Việc Có Ích Sau Đây

Kết luận

Bài viết sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ về cách tính bảo hiểm thất nghiệp, giúp bạn biết được số tiền sẽ được hỗ trợ trong thời gian thất nghiệp. Hiểu được điều này, bạn sẽ bảo vệ được quyền lợi của mình trong khoảng thời gian khó khăn thất nghiệp.

Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm về những thông tin liên quan đến bảo hiểm mà người lao động phải đóng cùng những quyền lợi đi kèm, hãy ghé ngay Glints chúng mình để cập nhật thêm nhé!

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word