Lãnh đạo bằng sự tử tế: Xu hướng của tương lai

Doanh nhân khởi nghiệp Gary Vaynerchuk luôn nói về sức mạnh của sự tử tế trong kinh doanh. Ông tin rằng các kỹ năng mềm quan trọng hơn những gì chúng ta thường nghĩ.

Theo thời gian, chúng ta đã quá chú trọng vào khái niệm về sự quyết đoán và sức mạnh đến nỗi chúng ta cho rằng điều đó có nghĩa là bạn không thể có những phẩm chất khác như lòng tốt và sự đồng cảm.

Jacinda Ardern

Ông nói: “Cái xấu chỉ là nhất thời, cuối cùng thì cái tốt luôn thắng.

Một số người có thể nói đây là một cách nhìn thế giới ngây thơ. Mặc dù sự tử tế và lòng tốt có vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhưng liệu những điều này có thể giúp xử lí các vấn đề trong công việc được không?

Tại sao chúng ta đánh giá cao việc sống một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn và yêu thương nhưng tại nơi làm việc, với một số người, cách duy nhất để tiến lên là sử dụng quyền lực và sự cứng rắn như một công cụ? Trong cuộc sống, chúng ta chủ động loại bỏ bản thân khỏi những mối quan hệ độc hại vì chúng ta biết điều đó là vô ích. Vậy tại sao, trong bối cảnh công việc, chúng ta không làm điều tương tự?

Lãnh đạo bằng sự tử tế

Không có cơ sở khoa học nào đằng sau ý kiến cho rằng khi bạn tốt bụng, thu hút hoặc dễ mến có nghĩa là bạn có nhiều khả năng trở thành người dễ bị thuyết phục hoặc mọi người sẽ không tôn trọng bạn. Đó là một lối suy nghĩ cũ kĩ và thiếu bằng chứng.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng mọi người có xu hướng nghỉ việc cao hơn khi họ cảm thấy thiếu sự hỗ trợ hoặc mất sự gắn kết với sếp.

Một khảo sát của Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy 57% nhân viên nghỉ việc vì sếp của họ. 14% khác đã rời bỏ nhiều công việc vì người quản lý của họ và thêm 32% đã nghiêm túc cân nhắc việc rời đi vì người quản lý của họ. Điều này cho thấy các công ty có thể đang thiếu định hướng chính xác trong việc thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài.

Lãnh đạo bằng sự tử tế – Sức mạnh của kết nối giữa người với người

Trong khảo sát hàng năm với người lao động Hoa Kỳ, Gallup nhận định rằng “nhận được lời khen, những lời công nhận và khen ngợi có thể giúp các cá nhân cảm thấy thỏa mãn hơn, nâng cao lòng tự trọng, cải thiện khả năng đánh giá bản thân và khơi dậy những cảm xúc tích cực.” Chắc chắn điều này tạo ra năng suất trong nhóm và là một điểm sáng.

Một nghiên cứu nổi tiếng của Google – có tên Dự án Aristotle – về việc xây dựng một đội ngũ hoàn hảo, đã chứng minh rằng mối quan hệ giữa con người với nhau tại nơi làm việc giữ vai trò quan trọng tương tự như bất kỳ nơi nào khác.

Nghiên cứu cho thấy: “Các hành vi tạo ra sự an toàn về tâm lý – trò chuyện luân phiên và đồng cảm – là một phần của cùng một quy tắc bất thành văn mà chúng ta thường hướng đến, với tư cách cá nhân, khi cần thiết lập một mối quan hệ. Và những mối quan hệ giữa con người với nhau ở nơi làm việc cũng quan trọng như ở bất kỳ nơi nào khác. Đôi lúc còn có phần quan trọng hơn.”

Quá trình thu thập dữ liệu và xử lý số liệu cường độ cao của Google đã dẫn đến những kết luận giống như các nhà quản lý giỏi luôn biết. Trong những nhóm làm việc hiệu quả nhất, các thành viên lắng nghe nhau và thể hiện sự nhạy cảm với cảm xúc và nhu cầu.

Nghiên cứu khoa học cũng nhận định rằng các công ty có thể giữ chân nhân viên bằng cách xây dựng một môi trường lành mạnh, hỗ trợ, đồng cảm và có tính giao tiếp cao – một kết luận mà Gallup rút ra từ hàng thập kỷ dữ liệu và phỏng vấn 25 triệu nhân viên. Đó là lẽ thường, hơn bao giờ hết, khi các công ty nỗ lực duy trì năng suất trong và sau thời kỳ đại dịch cùng với lực lượng lao động từ xa.

Không được bỏ qua sự tử tế – đây là cách lãnh đạo của thế kỷ 21.

Mạnh mẽ và táo bạo

Một lập luận khác đáng được làm sáng tỏ là khái niệm một nhà lãnh đạo ‘mềm mỏng’, có lòng trắc ẩn không thể trở nên mạnh mẽ và táo bạo. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã hết lần này đến lần khác truyền đạt rằng các nhà lãnh đạo có thể vừa đồng cảm vừa mạnh mẽ.

Trong Leading with Empathy (tạm dịch: Lãnh đạo bằng sự đồng cảm), Ardern nhấn mạnh mong muốn được lãnh đạo bằng sự tử tế, không ngại tập trung vào hoặc bị thúc đẩy bởi sự đồng cảm. Bà nói:

“Tôi nghĩ một trong những điều đáng buồn mà tôi đã thấy trong giới lãnh đạo chính trị là – bởi vì theo thời gian, chúng ta đã quá chú trọng vào các khái niệm về sự quyết đoán và sức mạnh – nên có lẽ chúng ta đã cho rằng điều đó có nghĩa là bạn không thể có những phẩm chất khác như sự tử tế và đồng cảm.”

Tuy nhiên, khi nghĩ về tất cả những thách thức lớn mà chúng ta đã và đang phải đối mặt trên thế giới, đó có lẽ là phẩm chất mà chúng ta cần nhất. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo có thể đồng cảm với hoàn cảnh của người khác; để đồng cảm với thế hệ tiếp theo mà chúng ta đang thay mặt đưa ra quyết định. Và nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc được coi là người mạnh nhất, quyền lực nhất thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đánh mất mục đích mà chúng ta có mặt ở đây.”

Sống tử tế để hạnh phúc và thành công

Vậy làm thế nào để các nhà lãnh đạo tử tế đối phó với các tình huống khó khăn? Tất nhiên là với tính xác thực và sự đồng cảm.

Theo Jacinda:

“Tôi thực sự quyết định rằng tôi không cần phải xây dựng vẻ ngoài cứng rắn. Thay vào đó, tôi chỉ học cách sàng lọc mọi thứ; làm thế nào để tiếp nhận lời chỉ trích đó và lắng nghe nó khi tôi cần, hoặc nói cách khác, ‘Chà, thực ra người đó chỉ đến từ một góc nhìn rất khác’, và chỉ cần học cách chắt lọc lại nó. Và đó là một đường cong học tập thực sự lớn, bạn biết đấy? Trên thực tế, thế giới không cần nhiều chính trị gia mặt dày; họ cần những người quan tâm.”

Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy. Và không quan trọng công ty lớn hay nhỏ. Một số người có thể nói rằng làm như vậy khi khởi nghiệp là ổn nhưng điều đó không hiệu quả đối với một doanh nghiệp lớn vì cần có sự quyết đoán và cứng rắn khi đưa ra những quyết định khó khăn và sự đánh đổi. Tất cả chúng ta đều là con người và có nhu cầu về động lực như cảm giác thuộc về, tình yêu, sự an toàn và lòng tự trọng. Lãnh đạo thấu cảm là khả năng làm những việc khó khăn một cách nhân văn.

Thực hành lãnh đạo bằng sự tử tế

Trong tác phẩm CEO Excellence (tạm dịch: Giám đốc Điều hành xuất sắc) của McKinsey, cuốn sách xem xét cách các CEO giỏi sắp xếp tổ chức, người ta nhận thấy rằng tất cả 67 CEO được nêu trong cuốn sách đều xem trọng những kĩ năng mềm cũng giống như những kĩ năng cứng. Họ đặt sự nghiêm ngặt ngang nhau vào cách họ xử lý các chủ đề như quản trị nhân tài, văn hóa doanh nghiệp và xây dựng tổ chức. Họ biết đây là một nguồn lợi thế cạnh tranh khi họ thấu hiểu được những điều đó thay vì chỉ đơn giản là làm.

Là người lãnh đạo, chúng ta phải quan tâm đến đội ngũ dưới quyền mình. Những người trong chúng ta sẵn sàng đặt cái tôi của mình sang một bên có thể phát triển với tư cách là nhà lãnh đạo và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình trong công việc và cuộc sống. Lãnh đạo hiện đại trong thế kỷ 21 đòi hỏi sự tử tế để tạo ra nền tảng lành mạnh cho ba thành phần rất quan trọng trong các đội nhóm thành công giúp giữ chân nhân tài: giao tiếp hiệu quả, an toàn tâm lý và cơ hội phát triển.

Bạn có cơ hội tạo ra một môi trường có ý nghĩa, tích cực và thịnh vượng cho nhân viên của mình, điều này sẽ không chỉ có tác động lâu dài đến những cá nhân bạn tiếp cận mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong việc gia tăng kết nối xã hội và sự hòa nhập trong toàn công ty.

Lãnh đạo bằng sự tử tế

Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống, hạnh phúc và toàn tâm toàn ý với công việc có nghĩa là tôi đang thực sự sống. Nếu có thể lan tỏa một chút lòng tốt và niềm vui trong công việc, thì hãy làm điều đó – bằng chứng cho chúng ta biết rằng hiệu suất và năng suất sẽ chỉ tăng lên.

Các đội nhóm tốt nhất là nơi các thành viên và người lãnh đạo lắng nghe lẫn nhau và thể hiện sự nhạy cảm với cảm xúc và nhu cầu.

Có thể bạn quan tâm: