Nâng cao năng lực số cho nhân sự ngành bán lẻ

Ngành bán lẻ là một trong những ngành luôn đi đầu về tốc độ đổi mới. Nhân lực ngành bán lẻ cần phải nỗ lực đổi mới sáng tạo và trau dồi kỹ năng để thích nghi với xu thế thị trường, đặc biệt là nâng cao năng lực số.

Khoảng 30 năm trước, người dùng phải trực tiếp đến cửa hàng để có thể mua 1 chai sữa. Khoảng 10 năm trước, họ bắt đầu đặt mua sữa trên máy tính và điện thoại di động. Ngày nay, chiếc tủ lạnh thông minh có thể giúp người dùng tự động thêm sữa vào danh sách mua sắm trực tuyến khi gần hết, thậm chí đặt hàng nhờ tích hợp với ứng dụng Groceries by MasterCard. Có thể thấy cách một chai sữa đến tay người tiêu dùng và trải nghiệm mua sắm của họ đã liên tục thay đổi trong những năm qua. Khách hàng ngày nay không chỉ đơn thuần là mua một món hàng, mà họ còn mua cả một trải nghiệm.

1. Ảnh hưởng của mô hình làm việc mới tới cơ cấu nhân sự ngành bán lẻ

Tương lai của ngành bán lẻ sẽ là sự kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến, đa kênh và đa điểm chạm. Các nhà bán lẻ cần phải tận dụng dữ liệu để làm hài lòng khách hàng và giảm chi phí đồng thời tăng quy mô hoạt động của họ. Với mô hình làm việc mới, nhân sự ngành bán lẻ cần nắm bắt và làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực số tạo lợi thế cạnh tranh với những ứng dụng IoT, thực tế tăng cường và phân tích dữ liệu. Các doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng có thể hợp tác với các đối tác trong và ngoài ngành để tạo ra một hệ sinh thái lớn hơn, đồng thời tạo ra những thay đổi trong các quy trình hiện có.

năng lực số
Hình 1: Sự chuyển dịch giữa mô hình làm việc cũ và mới trong ngành bán lẻ

Khi ngành bán lẻ đang được số hóa mạnh mẽ, cơ cấu nhân sự của ngành cũng thay đổi rõ rệt. Số lượng nhân viên cửa hàng và văn phòng giảm đáng kể trong khi số lượng nhân sự quản lý các nền tảng trực tuyến và tự động hóa tăng lên. Số lượng các quản lý cấp cao xây dựng lộ trình và chiến lược cũng tăng lên đáng kể.

Hình 2: Cơ cấu nhân sự ngành bán lẻ có sự chuyển biến rõ rệt

Các vị trí công việc có nguy cơ bị cắt giảm bao gồm nhân viên kiểm kê, nhân viên bán hàng, nhân viên kho. Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng đang tăng lên trong ngành là các vị trí đòi hỏi năng lực số, bao gồm các nhà phân tích dữ liệu bán lẻ, quản lý hình ảnh số, nhà thiết kế quy trình CNTT, chuyên gia tiếp thị nội dung số, và quản lý trải nghiệm khách hàng. Có thể thấy, sự nhạy bén trong kinh doanh với việc làm chủ công nghệ là một yếu tố quan trọng đối với nguồn nhân lực trong ngành bán lẻ (1).

2. Nhu cầu và thách thức xây dựng đội ngũ nhân lực số trong ngành bán lẻ

Ảnh hưởng của đại dịch Covid đã khiến lực lượng lao động trong ngành bán lẻ cân nhắc và đánh giá lại định hướng nghề nghiệp của họ. Thống kê cho thấy, trên 30% nhân sự trong ngành bán lẻ đang khám phá các nguồn thu nhập mới hoặc dự tính thay đổi nghề nghiệp khi 50% công việc trong ngành bán lẻ có thể được tự động hoá (4)

McKinsey Global Institute (MGI) dự đoán rằng số giờ dành cho việc thực hiện các công việc chân tay trong ngành bán lẻ sẽ giảm từ 24% (năm 2016) xuống 18% (năm 2030) và số giờ dành cho công việc lặp lại sẽ giảm từ 27% (năm 2016) xuống 24% (năm 2030). Ngược lại, số giờ dành cho các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và năng lực số sẽ tăng lên đáng kể. Thách thức đặt ra khi sự phát triển về năng lực của lao động trong ngành bán lẻ chưa theo kịp nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Có thể thấy, để bảo vệ thị phần và đạt được tăng trưởng kỳ vọng, các lãnh đạo của doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng đầu tư hơn vào việc nâng cao các kỹ năng cho nhân viên, đặc biệt là các kỹ năng số. Khi đó, nhân viên có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời các nhà bán lẻ sẽ tạo ra một lực lượng lao động có thể đáp ứng những thách thức đang phát triển của ngành và duy trì nguồn nhân lực.

Thế hệ Z là nguồn nhân lực đang dần chiếm tỉ trọng lớn hơn trong xã hội với nhu cầu kết nối với công nghệ và kỹ thuật số tại nơi làm việc cao hơn các thế hệ khác. Thế hệ Z dự kiến sẽ chiếm tới 27% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2025 (2). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần thiết lập văn hoá đổi mới sáng tạo và tận dụng chuyển đổi số để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ với sự nhạy bén và khả năng thích ứng cao với công nghệ. Nghiên cứu cho thấy thế hệ Z với những ưu tiên và quan điểm khác biệt với thế hệ trước có nhiều khả năng từ chối lời mời làm việc nếu một tổ chức không có nền tảng và thiết bị kỹ thuật số hiện đại. Những doanh nghiệp đi ngược với xu hướng chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với thách thức đánh mất những tài năng thế hệ Z.

Bài đọc nhiều nhất

Internet of Thing 01/10/2023

3. Câu chuyện thành công: Chiến lược nhân lực số đột phá của Unilever Vietnam

Ngành hàng tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của chuyển đổi số, từ nguồn cung ứng, sản xuất, đến hoạt động tiếp thị, bán hàng và phân phối sản phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành FMCG như Unilever Vietnam không chỉ áp dụng công nghệ mới vào các hoạt động vận hành và kinh doanh mà còn cần có chiến lược nhân lực với năng lực số đột phá. ​

Giải pháp đào tạo nhân lực số của Unilever Vietnam là tổ chức các khoá đào tạo, huấn luyện tư duy, kỹ năng về công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa và phân tích dữ liệu, phát triển ngành hàng, thương mại điện tử cho toàn bộ nhân viên, hướng tới mục tiêu có thể phân tích dữ liệu và tự thiết kế hệ thống tự động hóa cũng như lập trình các thuật toán cơ bản.​ Từ năm 2021, Unilever Vietnam tổ chức sự kiện DigiSpark thường niên nơi các nhà lãnh đạo chia sẻ về các hoạt động chuyển đổi số chiến lược ưu tiên của tập đoàn và các xu hướng công nghệ đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.​ Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ này cũng tổ chức chương trình One Unilever để truyền cảm hứng và khuyến khích tất cả nhân viên phát triển các kỹ năng số để trở nên phù hợp với nhu cầu của tương lai, từ đó giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.​ Phương thức làm việc Linh hoạt – Agile trước, trong và sau COVID-19 cũng được Unilever chú trọng xây dựng và triển khai.

Hình 3: Unilever thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho nhân viên

Những nỗ lực của Unilever Vietnam trong việc nâng cao năng lực số cho thế hệ tương lai đạt được nhiều kết quả nổi bật.

    • Hơn 10.000 người trong chuỗi giá trị của Unilever Việt Nam đang hằng ngày đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. ​
    • Nhà máy của Unilever Việt Nam đã có một đội ngũ kỹ sư có thể tự thiết kế, lập trình cho các hệ thống tự động thông minh mới và 100% nhân viên kỹ thuật có năng lực bảo trì, bảo dưỡng cho các hệ thống hiện hữu.​
    • Nhiều sáng kiến số của nhân viên về tiếp thị dựa trên dữ liệu và kênh bán hàng số được triển khai (ứng dụng OrderUNow giúp hơn 170.00 cửa hàng tạp hóa toàn quốc có thể nhập hàng trực tiếp từ Unilever, hệ sinh thái thương mại điện tử UShop chuyên bán các sản phẩm của Unilever,…).​
    • Đạt giải thưởng 6/6 hạng mục tại Vietnam HR Awards 2022 – giải thưởng uy tín hàng đầu của ngành Nhân sự tại Việt Nam với những chính sách nhân sự đột phá trong và sau đại dịch COVID-19, điển hình là nỗ lực chuyển đổi số trong phát triển năng lực của tổ chức và quản lý nhân tài (3).

Kết Luận

Có thể thấy các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Unilever đã và đang bắt đầu có những thành công nhất định trong việc triển khai các chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nhân lực. Đây sẽ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp bán lẻ khác dõi theo, và đưa ra lộ trình phát triển nhân lực phù hợp nhất để không bị tụt hậu lại so với các đối thủ. Tuy nhiên việc nâng cao năng lực số cho nhân sự và xây dựng văn hoá đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà đòi hỏi những nỗ lực dài hạn, đặc biệt là cảm hứng được lan toả từ các cấp lãnh đạo.

 

Nguồn tham khảo
(1) Capgemini. The Future Of The Retail Workforce
(2) McCrindle. 2023. Gen Z and Gen Alpha Infographic Update
(3) Unilever Vietnam. 2022. Sự kiện chuyển đổi số trên toàn tập đoàn
(4) The Future of Jobs 2020. World Economic Forum