New normal: Thích ứng với trạng thái bình thường mới

Trạng thái bình thường mới – New normal là gì?

Đối với một số doanh nghiệp, tồn tại trong ngắn hạn là mục tiêu duy nhất. Số còn lại phải suy tính về phương pháp định vị khi cuộc khủng hoảng qua đi và môi trường kinh doanh dần trở lại bình thường. Câu hỏi đặt ra là “Trạng thái bình thường mới (new normal) sẽ như thế nào?” Dù không ai có thể khẳng định cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu, môi trường kinh doanh sau này chắc chắn sẽ không giống như những năm trước đây.

Ian Davis

Nhận định trên đây đã được đưa ra cách đây hơn 1 thập kỷ – trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang bùng nổ trên diện rộng. Ngày nay, một lần nữa thế giới phải đối mặt với thực trạng khủng hoảng tương tự – do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Không ai có thể phủ nhận một điều, kỷ nguyên mới này sẽ được định hình bởi hai giai đoạn: trước và sau khủng hoảng Covid-19 – thường được gọi là “trạng thái bình thường mới” (new normal). Trong tương lai gần, thế giới sẽ chứng kiến quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ của hệ thống trật tự kinh tế – xã hội trước đây. Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp và xã hội phải tiến hành những chuyển đổi cần thiết để thích ứng và phát triển bền vững.

trạng thái bình thường mới - new normal là gì

Dưới đây là một phân tích sơ bộ về tình trạng bình thường mới trên các phương diện môi trường làm việc, cơ cấu tổ chức và chiến lược quản lý. Dựa trên những phân tích dưới đây, cấp lãnh đạo – quản lý có thể lên kế hoạch xúc tiến quá trình chuyển đổi doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh trong những năm tới.

Xu hướng làm việc trong trạng thái bình thường mới (new normal)

Sự trỗi đậy của làm việc từ xa

Yêu cầu giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến một số người hoài niệm về “những ngày xưa tươi đẹp”, khi chúng ta có thể dễ dàng tiếp xúc với bạn bè – đồng nghiệp ở văn phòng hay ngoài quán cà phê. Giờ đây, làm việc trực tuyến đã trở thành một lựa chọn mới ngày càng phổ biến hơn.

Làm việc từ xa không chỉ đơn thuần là cung cấp cho mỗi nhân viên một chiếc máy tính xách tay. Tuy không thể tái tạo hoàn toàn nhịp điệu của cuộc sống văn phòng, điều đó không có nghĩa là các tiêu chuẩn công việc truyền thống – ví dụ, khi bạn rời văn phòng, ngày làm việc về cơ bản đã hoàn thành – đã mất đi tầm quan trọng.

Để đảm bảo hiệu quả lâu dài của làm việc tại nhà, doanh nghiệp cần giúp nhân viên xác lập những ranh giới xác định – quá trình tương tác trực tiếp trước đây có thể được thực hiện bằng một cuộc điện thoại nhanh, thay vì những cuộc họp video dài “lê thê”. Ngoài ra, cấp quản lý có thể sắp xếp các khoảng “thời gian làm việc” cho từng nhóm nhân viên cụ thể, chia sẻ mẹo quản lý thời gian và theo dõi tiến độ, v.v…

Đọc thêm: Quản lý nhân viên làm việc từ xa – 10 bí quyết cho người mới

Thay đổi về lực lượng lao động

Trong nhiều năm qua, những chủ đề như làm việc nhóm, tính linh hoạt, hòa nhập và tinh thần trách nhiệm đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp. Khi cả xã hội trở lại trạng thái bình thường mới (new normal) sau đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Nghiên cứu cho thấy phương pháp đánh giá hiệu quả làm việc từ xa – dựa trên dữ liệu thực tế – nhìn chung thúc đẩy đóng góp của nhân viên nhiều hơn so với lối đánh giá chủ quan truyền thống. Quá trình chuyển đổi trên đây có thể góp phần xây dựng lực lượng lao động đa dạng, có năng lực và tận tụy hơn. Làm việc từ xa giảm bớt yêu cầu phải đi lại, khiến những đối tượng như người khuyết tật hay bà mẹ nuôi con có nhiều cơ hội hơn. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và thu hút nhiều nhân tài tiềm năng hơn.

làm việc từ xa

Cơ cấu tổ chức trong trạng thái bình thường mới (new normal)

Sự suy thoái của cơ cấu truyền thống

Những cuộc họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ, quy tụ hàng chục thành viên từ các phòng ban khác nhau, nhưng cuối cùng không đạt được quyết định cuối cùng gì – đã từng là một vấn đề “nhức nhối” tại công sở. Giờ đây, khi không thể đi theo “lối mòn” đó nữa, các doanh nghiệp buộc phải tái định hình phương pháp làm việc. Thay vì bao phủ quá nhiều vấn đề như trước, các cuộc họp online bây giờ cần tập trung vào một số nhiệm vụ nhất định, và chỉ có những người thực sự liên quan cần tham gia, để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Tốc độ thay đổi có ý nghĩa sống còn

Khảo sát của McKinsey năm 2017 cho thấy, các tổ chức phản ứng nhanh (agile) có xu hướng duy trì hoạt động tốt hơn đáng kể so với đối thủ. Thế nhưng thực tế, có rất ít doanh nghiệp thực hiện được điều này.

Tốc độ thay đổi đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp trong những thời điểm khủng hoảng. Cụ thể, doanh nghiệp cần lên kế hoạch tái định hình chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ một cách nhanh chóng – hướng tới các cơ hội tạo ra và duy trì giá trị.

Để tạo điều kiện chuyển đổi nhanh chóng, doanh nghiệp cần đảm bảo cơ cấu phân quyền, ít phụ thuộc hơn vào khả năng kiểm soát và ra quyết định của cấp trên. Các thành viên trong tổ chức cần được tạo điều kiện đưa ra quyết định với các vấn đề đơn giản hơn. Việc theo dõi và đo lường tiến độ công việc sẽ giúp đảm bảo đồng thời tính linh hoạt và trách nhiệm giải trình cho nhân viên.

Đọc thêm: Phong cách lãnh đạo dân chủ – Sức mạnh từ tập thể

trạng thái bình thường mới - new normal

Chiến lược quản lý trong trạng thái bình thường mới (new normal)

Quan tâm đến phát triển bền vững dài hạn hơn ngắn hạn

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải suy tính về chiến lược phát triển dài hạn – hơn là chỉ chú tâm đến thu nhập ngắn hạn hàng tháng/ quý. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có động lực tránh phạm phải những sai lầm như: trì hoãn đầu tư vốn, hay giảm giá lớn để thúc đẩy doanh số bán hàng – nhưng lại làm tổn hại đến chiến lược giá của công ty.

Cùng với đó, cấp quản lý cũng cần thay đổi quan niệm đánh giá quá cao lợi ích cổ đông. Qu ảthực, doanh nghiệp có trách nhiệm cơ bản là đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư. Thế nhưng, đừng vì thế mà quên mất tầm quan trọng của đội ngũ giám đốc điều hành và nhân viên.

Năm 2009, giữa khi thế giới đang chìm trong khủng hoảng tài chính, cựu đối tác quản lý của McKinsey – Dominic Barton – đã nhận định rằng không tồn tại “căng thẳng cố hữu giữa việc tạo ra giá trị và phục vụ lợi ích của nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chủ nợ, cộng đồng và môi trường”. Thật vậy, việc chú ý đến chiến lược dài hạn và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích vượt trội cho cổ đông hơn về lâu dài.

Đọc thêm: Quản lý các bên liên quan – Hướng dẫn thực hành chi tiết

Tập trung phát triển năng lực lãnh đạo và hợp tác

5-7 năm là khoảng thời gian cần thiết để bắt đầu và xây dựng hoạt động doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực tế khoảng thời gian đó có thể ngắn hơn nhiều. Như cuộc khủng hoảng hiện tại đã chứng minh, những thay đổi lớn có thể xảy ra với tốc độ nhanh chóng và vô cùng khó lường.

Trước thực tế biến động đó, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nhiều hơn vào năng lực của đội ngũ lãnh đạo điều hành. Việc đầu tư phát triển kỹ năng quản trị và thường xuyên giao tiếp sẽ giúp cấp lãnh đạo dễ dàng vượt qua khó khăn và định hướng thành công lâu dài.

Đọc thêm: Lãnh đạo thích ứng – Bí quyết phát triển doanh nghiệp thời khủng hoảng

trạng thái bình thường mới - new normal

Lên kế hoạch thích ứng với trạng thái bình thường mới (new normal)

Trạng thái bình thường mới (new normal) đã và đang đặt ra những yêu cầu chuyển đổi đáng kể về mô hình hoạt động đối với từng loại hình kinh doanh. Với ngành bán lẻ và giải trí, yêu cầu giãn cách xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi lại không gian và mô hình kinh doanh mới. Với hoạt động sản xuất, đó sẽ là cấu hình lại dây chuyền và quy trình sản xuất. Đối với ngành dịch vụ, bài toán đặt ra là tiếp cận người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến, v.v…

Trước thực tế này, doanh nghiệp cần nghiên cứu chiến lược áp dụng công nghệ để giảm chi phí vận hành, đảm bảo tính linh hoạt. Càng đẩy mạnh công cuộc “số hóa” này bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ càng cải tiến nhanh chóng về năng suất, chất lượng và kết nối khách hàng bấy nhiêu.

Chuyển đổi số không phải là câu chuyện dễ dàng – thế nhưng, mọi doanh nghiệp đều có thể vạch ra kế hoạch những gì cần phải làm (và bởi ai) để đạt được mục tiêu đã nêu, đảm bảo các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu, đào tạo nhân viên về các công cụ kỹ thuật số và an ninh mạng… Để tránh tình trạng chuyển đổi số “dang dở” như nhiều doanh nghiệp gặp phải trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, cấp quản lý cần tập trung vào kết quả, học hỏi thông qua kinh nghiệm, cũng như xây dựng một đội ngũ nhân viên và đối tác chuyên về công nghệ.

Đọc thêm: Quản trị sự thay đổi – Mô hình & Chiến lược áp dụng trong thực tế

chuyển đổi số hậu covid-19

Cơ hội cho doanh nghiệp khi trở lại trạng thái bình thường mới

Để đảm bảo tận dụng tối đa những cơ hội của tình trạng bình thường mới (new normal), doanh nghiệp cần lên kế hoạch thay đổi môi trường làm việc ở ba hạng mục chính sau.

1. Giúp người lao động tìm thấy ý nghĩa trong công việc

Đại dịch đã khiến người lao động – đặc biệt là cấp C-level trở lên – xuất hiện những trăn trở về ý nghĩa của công việc hiện tại nói riêng, cũng như mục đích sống của họ nói chung.

Xuất phát từ thực trạng này, doanh nghiệp nên đánh giá lại mối liên hệ giữa mục đích của nhân viên và khả năng đáp ứng trong công việc hàng ngày. Ý thức về sứ mệnh hoạt động của tổ chức cần được đưa vào các chương trình đào tạo, quá trình ra các quyết định kinh doanh quan trọng (ví dụ: phân bổ vốn), kinh nghiệm của nhân viên và lựa chọn lực lượng lao động (ví dụ: các sáng kiến DE&I, tuyển dụng, các chương trình đào tạo lại / nâng cao kỹ năng). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng đạt được lợi thế cạnh tranh trong cả việc giữ chân nhân viên và khách hàng.

2. Đặt người lao động làm ưu tiên hàng đầu

Trong môi trường kinh doanh hiện nay, quản lý nguồn nhân lực đã trở thành yêu cầu quan trọng gấp bội so với quản trị vốn tài chính. Thị trường nhân lực không chỉ phục hồi – mà đang trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết, khi các tổ chức cạnh tranh nhằm mục đích thu hút những tài năng hàng đầu.

Nhân viên giờ đây mong đợi nhiều hơn từ doanh nghiệp – họ sẽ quyết định trung thành hay từ bỏ, tùy thuộc vào việc doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của họ như thế nào. Trải nghiệm làm việc tích cực, công việc có ý nghĩa phù hợp với giá trị cốt lõi của họ…. trở thành yêu cầu chính đáng của người lao động.

Một nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy doanh nghiệp có thể cải thiện gấp 55% trong mức độ gắn kết của nhân viên – bằng cách đáp ứng nhu cầu được công nhận đóng góp của họ – và cải thiện gấp 49% mức gắn kết của nhân viên thông qua điều chỉnh các giá trị văn hóa doanh nghiệp phù hợp với mục đích cá nhân của nhân viên.

3. Đáp ứng nhu cầu nhân viên

Hỗ trợ nhu cầu của nhân viên là bước tiếp theo để chuyển đổi và trở lại trạng thái bình thường mới (new normal). Một tầm nhìn rõ ràng về mô hình làm việc – trực tiếp tại văn phòng, từ xa hay kết hợp cả hai – là điều cần thiết, nhưng nhà tuyển dụng cũng nên nhận ra rằng chỉ như vậy thôi là chưa đủ. Sau một thời gian làm việc từ xa, nhân viên của bạn muốn được linh hoạt hơn, và bạn sẽ cần một lời giải thích thuyết phục để họ quay lại văn phòng.

Bằng cách đáp ứng những nhu cầu trên đây, nhân viên của bạn sẽ được đảm bảo trải nghiệm tốt hơn, gia tăng lòng trung thành và cơ hôi tiếp cận với nguồn nhân tài đa dạng hơn. Môi trường làm việc mới, dù dưới hình thức nào, đều có thể mang lại những điều tốt nhất cho nhân viên – đổi lại, năng suất và sự hài lòng của khách hàng cũng sẽ từ đó chuyển đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Đọc thêm: Quản lý nhân sự hậu Covid-19 – 5 xu hướng mới nổi

Lời kết

Đại dịch một mặt đã làm gián đoạn cuộc sống, nhưng cũng đồng thời tạo ra một “bước ngoặt” cho các doanh nghiệp để xác định lại định hướng tương lai. Cấp lãnh đạo cần nắm bắt thời điểm này để biến sự bất định thành cơ hội phát triển cho công việc, lực lượng lao động và nơi làm việc. Thay đổi ngay bây giờ là chìa khóa để đảm bảo thành công bền vững trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ trở thành hành trang bổ ích cho cấp quản lý trên hành trình chuyển đổi thích ứng với trạng thái bình thường mới (new normal). Nếu bạn đọc quan tâm và mong muốn học hỏi về kỹ năng quản trị từ các chuyên gia của chúng tôi, vui lòng tham khảo chương trình đào tạo Lãnh đạo – Nhân sự của ITD, hoặc liên hệ tư vấn MIỄN PHÍ qua hotline/ email.