Quân khu 2 – Làm tốt công tác chính sách, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” địa bàn Tây Bắc

QK2 – Trong những năm qua, tình hình dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Song Ngành Chính sách Quân khu 2 đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy các cấp, lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội, tạo niềm tin, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương, thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân. Kết quả đó đã góp phần quan trọng xây dựng “thế trận lòng dân” địa bàn Tây Bắc ngày càng vững chắc.

Kỳ 1:  Chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất

Với chức năng là cơ quan thường trực, những năm qua, Phòng Chính sách Quân khu 2 đã tích cực giúp Đảng ủy, chỉ huy Cục Chính trị làm tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác chính sách Quân đội, hậu phương quân đội. Đây chính là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 81-NQ/ĐU, ngày 20/10/2016 của Đảng ủy Quân khu 2 “Về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương quân đội giai đoạn 2016-2020”.

Nhân viên Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn đối tượng chính sách làm hồ sơ hưởng chế độ.

Một trong những nội dung quan trọng đó là triển khai thực hiện các Quyết định 47/2002 củaThủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31/12/1960 trở về trước; Quyết định 290/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước; Quyết định 142/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 62/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-Pu-Chia, giúp Bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định 1237/2013 về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ… Nghị định 31/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng….

Với đặc điểm Quân khu Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và là địa bàn giàu truyền thống cách mạng, văn hóa. Trong các cuộc kháng chiến, vừa là hậu phương, vừa là nơi trực tiếp diễn ra các cuộc chiến ác liệt, với hàng triệu thanh niên nhập ngũ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tham gia trên các mặt trận chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước Bạn Lào. Do vậy số lượng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn Quân khu 2 rất lớn. Làm sao để tất cả các đối tượng chính sách đều được thụ hưởng các chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước một cách đầy đủ, kịp thời và hiệu quả nhất. Mặt khác, làm sao để khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm tri ân các bậc tiền nhân của cả cộng đồng, nhất là của thế hệ trẻ, đó là những điều mà người làm công tác chính sách trong LLVT Quân khu luôn trăn trở, suy tư…

Phòng Chính sách đã giúp Thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu 2 ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giúp các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao. Mục tiêu để không nhầm lẫn, tồn sót những người có công với cách mạng mà không được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Mỗi văn bản được phát hành, mỗi một lần kiểm tra nắm tình hình đã giúp cho cán bộ làm công tác chính sách nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng chính đáng và có những tham mưu đúng, trúng kịp thời, hiệu quả.

Làm việc với Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc được biết, tất cả các văn bản, hướng dẫn, công điện của ngành chính sách Quân khu đều được triển khai đến các đơn vị cơ sở, phổ biến cho các đối tượng liên quan để người dân nắm và thực hiện. Thương binh Trần Thế Hòa, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1972, xuất ngũ năm 1977, nhà ở  xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc là một ví dụ. Ông Hòa bị thương trong kháng chiến chống Mỹ nhưng thất lạc giấy tờ tùy thân nên rất khó khăn trong giải quyết chế độ thương binh. Ông Hòa đã đi nhiều nơi, hỏi nhiều người, nhiều lần ý kiến, kiến nghị trong họp cử tri nhưng tất cả đều vô vọng. Một ngày cuối năm 2021, ông Hòa đến Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc gặp Trung tá QNCN Ngô Mạnh Thắng, Nhân viên Ban Chính sách hướng dẫn cặn kẽ, nhiệt tình phương pháp, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ. Không những vậy, anh Thắng còn kết nối với cơ quan chính sách của Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không – Không quân (nơi ông Hòa công tác trước đây) đề nghị hỗ trợ tra cứu, xác nhận quá trình chiến đấu, công tác và bị thương để hoàn thiện hồ sơ. Và thật bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị cũ đã có văn bản xác nhận gửi về Ban Chính sách. Đến tháng 2 năm 2022, ông Trần Thế Hòa được Quân khu gọi giám định và chỉ một tháng sau được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ra Quyết định công nhận thương binh, mất 25% sức khỏe…

Với anh Trần Quốc Thịnh, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng có niềm vui không kém gì ông Trần Thế Hòa. Vì anh Thịnh là con liệt sỹ, bố anh hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới, vì nhiều lý do khác nhau mà cả nhà anh trong nhiều năm phải sống trong ngôi nhà cấp bốn cũ nát. Đầu năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song ngành chính sách Quân khu vẫn chỉ đạo báo cáo, đề xuất. Sau khi khảo sát thực tế, Phòng Chính sách Quân khu đã báo cáo Bộ Tư lệnh trích “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng số tiền 80 triệu đồng cho gia đình anh Trần Quốc Thịnh để xây nhà. Cùng với tiết kiệm, tích cóp của gia đình và sự giúp đỡ của bà con xóm làng, anh em nội ngoại, anh Thịnh đã xây được ngôi nhà mái bằng rộng 80 mét vuông, với số tiền hơn 300 triệu đồng…

DUY TUẤN-TRUNG HIẾU-ĐỨC ĐÀO