Quân khu 2 – Nghề giáo trong Nghề thầy

QK2 – Cuốn sách Nghề thầy của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) được xuất bản lần đầu tiên năm 1944, đến nay đã gần 80 năm, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị chân thật về những chỉ dẫn sâu sắc cho người thầy. Đây cũng là một trong những cuốn cẩm nang về công tác giáo dục giúp những người cha, người mẹ, người thầy thấy rõ trách nhiệm của Nghề thầy.

Cuốn sách Nghề thầy của tác giả Hoàng Đạo Thúy.

Không chỉ phân tích rất sâu sắc về sứ mệnh của người thầy, Hoàng Đạo Thúy đã đưa ra những chỉ dẫn cho người thầy những việc cần làm để hoàn thành sứ mệnh ấy, đó là lòng tin yêu trẻ, là niềm tin “ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được”. Tác giả viết: Người thầy dù chỉ là một thầy giáo làng cũng có thể “chế ngự bản thân trước cám dỗ”, làm gương giúp người dân học theo từ việc trồng cây, lập “tủ sách cho mượn”, giữ sạch sẽ nơi ở… “Những thầy đã tận tụy, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: “tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy mà phải”. Cụ Hoàng Đạo Thúy bày tỏ khát vọng về mọi thế hệ thầy cô giáo trọn lòng hiến dâng đời mình cho việc giáo dục thanh thiếu niên.

Cuốn sách Nghề thầy còn chứa nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục độc đáo, giàu tính thực tiễn và hàm chứa triết lý sâu xa. Làm thầy cô giáo là công việc lớn lao, là “thay đổi hẳn tương lai nòi giống”. Hoàng Đạo Thúy xác định mục đích của nghề giáo: “Đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Vì thế, nếu coi việc học sinh đến trường chỉ để “học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.

Giáo dục với người thầy bắt nguồn từ những việc nhỏ nhặt như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công… Ở từng việc, Hoàng Đạo Thúy chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình.

Nghề giáo trong Nghề thầy không chỉ dạy học mà là khai sáng kiêm hoạt động xã hội. Theo ông, người thầy phải “đủ lòng yêu trẻ”, “đủ lòng tin ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được”, từ đó “cả quyết rằng việc giáo dục thanh niên là việc mình, là cả đời mình”. Tác giả phân tích về sứ mệnh người thầy: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”.

Sách cũng nói về sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Theo cụ Hoàng Đạo Thúy, giáo dục phải bắt đầu từ khi đứa trẻ còn là bào thai. Tác giả khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt.

Hoàng Đạo Thúy nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện bao gồm “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Trong đó, việc rèn luyện cho trẻ có “Chí” quan trọng, khiến trẻ trở thành người tử tế, có ích. Hoàng Đạo Thúy viết: “Đức dục hãy để lên đầu, như xưa kia, là phải lắm. Trí dục cần, là việc tất phải thế rồi. Thêm với Thể dục thì dễ hiểu lắm. Song chỉ bộ ba Đức, Trí, Thể dục không thì với cái trách nhiệm làm người, khó mà làm đủ được. Cần thêm Chí dục nữa mới được. Có Chí thời mới đủ gan để theo con đường của Đức vạch ra, mới đủ sức mà dùng các phương pháp của Trí chỉ vẽ. Lại nên thêm một thứ nữa là Công dục. Có quan tay làm việc thì các công trình mới mong có được kết quả tốt. Một việc làm ăn là việc rất cần để mà sống, sao nhãng khoản ấy thì nguy hiểm vô cùng”.

Sau gần 80 năm, đa số các vấn đề tác giả đặt ra, bàn luận cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quan sát sâu trong giới nhà giáo, một số thầy cô, những người trực tiếp làm công tác giáo dục, nhất là các thầy cô giáo trẻ hiện nay có lúc, có nơi chưa thể hiện sâu sắc triết lý giáo dục, còn áp đặt chủ quan, chưa quan sát, phân tích, đúc kết sâu lẽ nhân quả trong công tác giáo dục và đặc biệt các yếu kém trong nghề thường là đổ thừa trách nhiệm cho cơ chế, cho xã hội mà chưa tự biết tự vươn lên làm chủ Nghề thầy theo đúng nghĩa.

Khi đọc cuốn sách này các bạn sẽ có thêm lăng kính mới để tự đối chiếu cái hay, cái dở ngoài đời so với những trải nghiệm của thầy Hoàng Đạo Thuý, từ đó có cách nghĩ sâu hơn về triết lý giáo dục, góp phần khắc phục từng bước những vướng mắc trong công tác giáo dục hiện nay đúng như lời tác giả Hoàng Đạo Thúy: “Kể ra thì cái nghề của chúng ta cũng như, hay là hơn các nghề khác, cũng có lắm cái nhục và lắm cái vinh. Nhưng thầy đã tận tụy, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: “tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy mà phải”.

NGỌC CƯỜNG