Quân khu 2 – Tình đồng đội… không có mùa đông

QK2 – Sau đợt rét đậm, rét hại, những ngày đầu năm 2024 trời Tây Bắc như bừng sáng và xốn xang hơn. Xốn xang bởi cái ấm giữa đông làm cho mận, đào dễ bung hoa kết trái. Xốn xang bởi những thành quả sau hơn 2 năm sống chung với đại dịch Covid-19. Với LLVT Quân khu 2 còn cảm nhận từ thành quả sau một năm với bộn bề công việc, nhưng cũng gặt hái khá nhiều thành công trên các lĩnh vực. Kết quả này bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ trên từng cương vị công tác.

Giải lao giữa giờ học tập của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 406.

Đặc biệt là sự thành công ở nhiều khía cạnh trong đời sống quân ngũ đều được bắt nguồn từ tình thương yêu đồng đội; trong tiếp xúc và làm việc với nhân dân đều để lại biết bao dấu ấn và tình cảm quân dân cá – nước. Đúng như khẳng định của đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: “Cứ ở đâu khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, vất vả nhất thì ở đó có LLVT Quân khu 2. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái xin ghi nhận và biết ơn công lao của các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì đồng bào. Các đồng chí thực sự là những người con của nhân dân và luôn vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ”. Khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trong lần đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tham gia giúp đỡ nhân dân huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả sau trận “đại hồng thủy” hồi tháng 7 năm 2023 đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 sẵn sàng xả thân khi nhân dân cần và khi Tổ quốc gọi.

Đầu xuân Giáp Thìn 2024 cùng nhau ngẫm lại những câu chuyện, những hình ảnh đẹp bắt nguồn từ tình đồng đội của thế hệ cha, anh trong các cuộc kháng chiến, mỗi chúng ta chẳng thể nào quên trong chiến tranh vệ quốc, nếu chỉ có đường lối nghệ thuật quân sự tinh thông, nhưng không có sự thương yêu đồng chí, đồng đội, chắc chắn không đánh bại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Phan Đình Giót lấy thân mình làm giá súng… Giữa mưa bom bão đạn, tình đồng đội trở nên thiêng liêng đến lạ kỳ. Những binh nhất, binh nhì trở thành tri kỷ sau một đêm rét chung chăn. Không phân biệt tuổi tác, cấp hàm, sau trận chiến đấu đã coi nhau như anh em một nhà. Tình đồng đội thiêng liêng ấy chỉ có ở những người lính – Bộ đội Cụ Hồ.

Trong thời bình cũng có rất nhiều những câu chuyện thật bình dị nhưng đáng trân trọng của thế hệ hôm nay. Hình ảnh của Thiếu tá Cao Xuân Tú, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn công binh 543 trong quá trình chỉ huy thi công đường hầm, khi phát hiện sự cố nguy hiểm đến tính mạng, không do dự thiệt hơn, anh đã nhanh chóng phát lệnh và kịp đẩy 2 đồng đội của mình thoát hiểm và anh đã hy sinh. Sự hy sinh của anh cho đồng đội được sống, tiếp tục noi gương anh để nỗ lực cống hiến hơn nữa cho Tổ quốc. Hay Trung tá Tạ Minh Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Công trường rà phá bom mìn trên biên giới Hà Giang, được cán bộ, chiến sĩ Đội rà phá bom mìn Lữ đoàn 543 đặt cho cái tên “Người anh cả”. Nói về anh, Binh nhất Phạm Thế Giang và Binh nhất Đinh Phú Bình cùng các đồng đội đều khẳng định: “Anh Hưng giống như người cha, người chú, người anh; những khó khăn vướng mắc của chiến sĩ đều được anh Hưng chỉ bảo tận tình và tháo gỡ kịp thời, anh thực sự là người đồng đội bậc cha, chú đáng kính của lớp chiến sĩ trẻ”. Rồi những câu chuyện nhường nhau từng bát nước trên thao trường của bộ đội 316; của những người lính tăng sau những giờ cùng xe pháo quần trên bãi tập; của những chiến sĩ trẻ công binh nhường nhau nước uống, khi mồ hôi còn đang lăn dài trên má sau thời gian miệt mài làm việc trong hang, hầm, công sự… Thật là hồn nhiên, giản dị nhưng đậm nghĩa tình. Hay câu chuyện về những mô hình thu gom rác thải tái chế, vì môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; Quỹ tấm lòng Vàng của Hội Phụ nữ cơ quan Cục Chính trị và các đơn vị trong toàn Quân khu được dấy lên. Từ những đồng tiền chắt chiu của chị em, của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã có hàng trăm căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, tình thương, ngôi nhà 100 đồng và hàng nghìn sổ tiết kiệm, hàng vạn bộ áo quần, xe đạp, thiết bị sinh hoạt, học tập…, được trao tặng đến những gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những cháu học sinh nghèo vượt khó. Và còn biết bao câu chuyện đẹp về sự sẻ chia, hy sinh thầm lặng vì đồng đội vẫn diễn ra hằng ngày xung quanh chúng ta.

Để tình đồng đội tiếp tục lan tỏa, được truyền nối bất tận, ngoài những chủ trương, giải pháp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và của cấp ủy, chỉ huy các cấp, thì mỗi chúng ta, thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, trân quý, phát huy, không cho phép bất kỳ ai, lý do nào làm phai mờ, hoen úa. Muốn làm được như vậy, mỗi chúng ta phải biết tự xây dựng cho mình lối sống văn hóa. Nếu trong chiến tranh, cha, anh chúng ta đã qua thời binh đao hoa lửa và sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, dành cho nhau những giọt nước cuối cùng, thì hôm nay, mỗi chúng ta cũng sẵn sàng nhường cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Yêu thương nhau là cho nhau những lời chân thật; giúp cho nhau biết vượt qua khó khăn, trở ngại, những vật chất tầm thường; biết động viên nhau cùng tránh xa lối sống thực dụng và luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí vươn lên, hướng tới chân, thiện, mỹ; biết tự tu dưỡng, tự rèn ngay từ những việc làm nhỏ nhất, cùng nhau bồi đắp lý tưởng, cùng nhau khẳng định: “Tình đồng đội không có mùa đông” và không bao giờ vơi cạn, sẽ sống mãi, ấm mãi với thời gian.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU