Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa như thế nào? tại sao lại cần phải xét hỏi tại phiên tòa? Việc xét hỏi là vấn đề hết sức quan trọng đối với việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Yêu cầu của việc xét hỏi là phải xác định được đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng nội dung trong vụ án hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, việc xét hỏi được điều hành bởi chủ tọa phiên tòa. Những vấn đề cần làm rõ cũng như những mâu thuẫn qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án sẽ được giải quyết qua thủ tục hỏi và trả lời tại phiên tòa.
Điều 307 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định:
“1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án”.
Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Xác định rõ những vấn đề nào cần phải làm rõ đối với vụ án, những vấn đề còn có mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án và lên kế hoạch xét hỏi một cách cụ thể, tỉ mỉ. Trên cơ sở kế hoạch xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi và quyết định thứ tự xét hỏi.
Xem thêm:
– Người được miễn trách nhiệm hình sự
– Đừng ngồi tù oan dù chỉ một ngày
Theo quy định tại khoản 1, Điều 307, BLTTHS thì khi xét hỏi, Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ các vấn đề có ý nghĩa chứng minh đối với vụ án, hỏi về các tình tiết định tội, định khung hình phạt trước; sau đó hỏi về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các đặc điểm về nhân thân của bị cáo; hỏi về vấn đề bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trên cơ sở những vấn đề đã được làm sáng tỏ, HĐXX có thể chốt được những vấn đề cần giải quyết của vụ án.
Đối với những vụ án đồng phạm đơn giản thì có thể xét hỏi bị cáo đầu vụ trước và sau đó hỏi các bị cáo khác có ý kiến gì khác hoặc bổ sung thêm vào lời khai của bị cáo trước đó hay không.
Đối với những vụ án đơn giản, bị cáo nhận tội thì có thể hỏi bị cáo đó hoặc bị cáo chính trước, sau đó mới hỏi các bị cáo còn lại và những người tham gia tố tụng khác…
Đối với những vụ án phức tạp mà bị cáo hoặc bị cáo chính chối tội, thì có thể hỏi bị cáo nhận tội hoặc bị hại trước, sau đó hỏi bị cáo chính.
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: [email protected]
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.