Tôi là người Pháp, đã gặp người vợ Việt Nam của mình cách đây hơn chục năm. Khi mối quan hệ trở nên nghiêm túc, chúng tôi thống nhất sẽ sống ở Việt Nam (không có ý định trở về Pháp).
Từng sống ở nhiều quốc gia, tôi hiểu rõ cái dở của nước Pháp, chẳng hạn, người Pháp rất “khó ở”, hay phàn nàn. Tôi cũng nắm được những điểm hạn chế khi sống ở Việt Nam, như là hạ tầng kém hơn, hàng hóa tiêu dùng không tốt như ở Pháp. Ngoài ra, sẽ còn rào cản về ngôn ngữ và các khác biệt văn hóa, lối sống cần phải thích ứng. Nhưng những điều này đều không hề hấn gì. Việt Nam có nhiều ưu thế khác: dịch vụ sẵn có và nhanh chóng, đồ ăn ngon, tốc độ phát triển mạnh, thị trường việc làm hấp dẫn.
Tôi rốt cuộc đã sống ở Việt Nam được bảy năm, nhưng bây giờ tôi ngày càng không chắc chắn về kế hoạch gắn bó. Tại sao ư? Vì những điều ích kỷ, tư lợi mà tôi đang hàng ngày chứng kiến. Hãy nghe tôi kể vài điều.
Tôi từng không tin, dù thường xuyên nghe nói về nạn tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng bây giờ, tôi chứng kiến và cũng đọc được trên báo về những vụ tham nhũng xảy ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan tới nhiều chính khách, trong đó có hai đời chủ tịch Hà Nội – thành phố tôi đang sống.
Tham nhũng là gì? Là đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của người khác, của cộng đồng – chính là tư lợi. Tham nhũng sẽ gây ra những tác động nào? Quá trình giải quyết thủ tục giấy tờ rề rà hơn, các chứng nhận hay ủy quyền có thể bị từ chối hoặc thu hồi một cách tùy tiện… Nói chung, tham nhũng gây ra những rủi ro khó lường với doanh nghiệp, hoặc các tổ chức, cá nhân mà công việc, hoạt động của họ liên quan nhiều đến chính quyền, chẳng hạn trong vấn đề sở hữu đất đai, thuế, các quy trình pháp lý, hoặc đơn giản là chuyện cư trú.
Một biểu hiện khác tôi thường thấy ở nhiều doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ, là những tổ chức này ít quan tâm đến giá trị mà họ mang lại cho nhân viên hoặc khách hàng. Tôi từng gặp những người bán hàng không hiểu chút gì về sản phẩm mình đang bán. Họ chỉ quan tâm đến việc “chốt đơn”, hoàn thành KPI cho bản thân, để tăng lương tăng thưởng. Trong các công ty, bạn cũng dễ dàng gặp những người bảo gì làm nấy, không mảy may nghĩ ngợi gì nhiều. Họ chỉ quan tâm đến vị trí và túi tiền của mình. Như thế là ích kỷ. Tính ích kỷ sẽ làm tổn hại đến giá trị của tổ chức, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong từng gia đình nhỏ, tôi cũng chứng kiến sự ích kỷ của các bậc phụ huynh, khi họ bỏ mặc con mình trước màn hình điện tử để rảnh tay làm việc khác.
Một vấn đề khác tôi phải đối mặt khi sống ở Hà Nội là giao thông. Đã có nhiều thảo luận về việc cấm hoàn toàn xe máy để nhường chỗ cho ôtô, nhằm giải quyết vấn đề tắc đường triền miên. Nhưng tôi ước mơ thành phố hướng đến một quy hoạch xa hơn, không chỉ cấm xe máy mà còn hạn chế cả ôtô. Giao thông công cộng sẽ là phương tiện chính. Làm được như thế, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm đáng kể. Xe bus không cần lưu thông tới mọi ngõ ngách, nên có những con đường sẽ được dành hoàn toàn cho người đi bộ, có những khu vực được quy hoạch thành các khu vườn công cộng nhỏ. “Hà Nội – Thành phố vườn”, nghe hay đúng không? Các cửa hàng sẽ tự nhiên thu hút được nhiều khách, buôn bán thuận lợi hơn. Người dân được thụ hưởng không gian yên bình, nhiều cây xanh, ít tiếng ồn, ít ô nhiễm hơn. Một viễn cảnh lý tưởng cho phố xá Hà Nội.
Viễn cảnh này cũng không quá xa xôi, khi gần đây chính quyền đã đề nghị nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng ở trung tâm Hà Nội. Tầm nhìn đúng hướng và bản quy hoạch vì một tương lai tiện nghi đó sẽ có cơ hội trở thành hiện thực nếu nhận được sự góp sức của từng cá nhân trong cộng đồng.
Tất nhiên, mọi người nơi đây đã quen với sự tiện lợi hiện tại nên có thể không màng đến cuộc sống còn tiện nghi, thoải mái hơn nữa trong tương lai. Nhưng bạn đọc thân mến, tôi sẽ rất lấy làm mừng nếu bạn dành trọn một phút để tưởng tượng mình đang rảo bộ giữa đường phố trung tâm Hà Nội trong bức tranh của tôi. Sau đó, dành ra một phút nữa nghĩ xem làm thế nào để con phố bạn đang đứng trở nên giống như hình dung đó.
Quan điểm cá nhân của tôi là để cùng nhau xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn, mọi người trước tiên phải bớt ích kỷ đi. Đây cũng không phải là vấn đề của những người ra quyết định. Bất kỳ nhóm người dân hay doanh nghiệp nào cũng có thể cải tạo, bảo trì tòa nhà hoặc khu phố của họ trở nên đẹp đẽ hơn; có thể bảo tồn tài nguyên, dùng ít rác thải nhựa hơn…
Nhiều năm qua, tôi chủ quan nghĩ mình có lẽ còn quan tâm, nỗ lực vì Hà Nội nhiều hơn cả người dân nơi đây. Đôi lúc, tôi tự hỏi, tại sao mình phải làm vậy. Rốt cuộc, tôi có thể đến một nơi mà người dân, dù chưa đủ đầy, vẫn thực sự quan tâm lẫn nhau, làm việc cùng nhau để biến cộng đồng của họ thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi sẽ không đến đó để hưởng lợi, tôi đến vì tôi chia sẻ lý tưởng này với họ.
Tôi vẫn mong, cùng với thời gian, những người Việt quanh tôi sẽ bớt ích kỷ, tư lợi đi. Giải pháp gốc rễ là đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục về kỹ năng, lối sống. Và gửi tới tất cả bạn đọc bài viết này: hãy quan tâm hơn một chút đến vùng đất và đất nước đang che chở các bạn, trong từng thái độ, hành vi nhỏ nhất.