Theo sự phát triển của xã hội thì nạn trộm cắp tài sản cũng đã suy giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Vậy trộm cắp tài sản là gì? Tội trộm cắp tài sản bao nhiêu năm tù? Cùng tìm hiểu những vấn đề trên qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
Tội trộm cắp tài sản là gì?
Tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 không mô tả các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận thì có thể hiểu rằng, Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lí. Trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác.
Cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản
Để chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh các yếu tố trong cấu thành tội phạm. các yếu tố cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản như sau:
Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản
Về hành vi khách quan
Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở của người bị hại. Hành vi lén lút của tội phạm là lén lút đối với việc chiếm đoạt tài sản, có thể tội phạm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trước mắt nhiều người nhưng người đó không biết được đó là hành vi trộm cắp tài sản (Ví dụ: lợi dụng lúc cả nhà A đi du lịch, không có người ở nhà, B lén cạy cửa nhà A, ngang nhiên vào nhà lấy tài sản trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng họ không hay biết B đang chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của người khác mà đều nghĩ B là người thân của gia đình A). Cũng có thể người phạm tội thực hiện hành vi lén lút với người bị hại nhưng công khai với những người khác (Ví dụ: hành vi móc túi nơi công cộng).
Về hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là gây thiệt hại về tài sản cho người bị hại. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản. Nếu một người có ý định trộm cắp tài sản của người khác nhưng chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản mà bị phát hiện thì chưa cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, người phạm tội đã có hành vi dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu của nó thì sẽ bị truy tố về tội trộm cắp tài sản dù mục đích chiến đoạt tài sản có đạt được hay không (Ví dụ: A lén vào nhà B trộm cắp tài sản, khi A đã lấy được tài sản đem ra góc tường nhà B, chưa kịp đem số tài sản trên đi thì bị phát hiện. Trong trường hợp này, A đã phạm tội trộm cắp tài sản, nếu A bị phát hiện trước khi lấy tài sản thì mới không phạm tội.)
Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản
Tội trộm cắp tài sản được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích của tội phạm là chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, người đồng phạm với người trộm cắp tài sản nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản mà không cấu thành tội khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (Ví dụ: A ghét B nên xúi giục C trộm tài sản của B. Trường hợp này dù A không có mục đích chiếm đoạt tài sản của B nhưng A vẫn bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm).
Khách thể của tội trộm cắp tài sản
Tội trộm cắp tài sản đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu, cụ thể là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác.
Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách lén lút chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại về tài sản cho người bị trộm cắp.
Chủ thể của tội trộm cắp tài sản
Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (đủ tuổi, có năng lực hành vi dân sự). Theo quy định tại Điều 12, Điều 173 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 3, 4 điều 173 Bộ luật Hình sự; đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cả những hành vi thuộc khoản 1, 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp tài sản
Theo quy định tại Điều 173 BLHS thì tài sản phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp tài sản dưới 2 triệu thì phải kèm theo 1 trong 4 dấu hiệu là: đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh; tài sản là vật kiếm sống chính của chủ sở hữu; tài sản là di vật cổ vật. Cụ thể như sau:
“1. Người nào trộm
cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội
này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172,
174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến
an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện
kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Đối với trường hợp có hành vi trộm cắp tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng và không thuộc dấu hiệu tại điểm a, b, c, d, đ nêu trên thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thay vào đó sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản.
Hình phạt chính của tội trộm cắp tài sản là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Điều 173 quy định mức hình phạt tù đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 là từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, hình phạt bổ sung kèm theo có thể là phạt tiền.
Luật sư tư vấn Luật hình sự
Trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Nếu cần tìm hiểu chi tiết hơn, hoặc có những thắc mắc về tội trộm cắp tài sản nói riêng, về những quy định pháp luật hình sự nói chung, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: [email protected]
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
Xem thêm:
– Người được miễn trách nhiệm hình sự
– Thời hạn điều tra vụ án hình sự