Tối ưu quản lý chuỗi cung ứng ngành bán lẻ

Tập trung ưu tiên tối ưu hoá chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị bền vững cho các nhà bán lẻ, giúp tạo ra các trải nghiệm giúp khách hàng hài lòng, mở rộng cộng đồng khách hàng và gia tăng doanh thu. Cùng FPT Digital tìm hiểu các cách thức tối ưu hóa chuỗi cung ứng ngành bán lẻ qua bài viết dưới đây

1. Bối cảnh và xu hướng chuỗi cung ứng ngành bán lẻ

Thế giới đang ở trong thời kỳ hậu Covid, với việc phá vỡ các rào cản và hạn chế, đồng thời vực dậy và khôi phục sau đại dịch. Theo thống kê của Forrester Research, dự báo ngành bán lẻ sẽ có những bước tăng trưởng nhảy vọt trở lại, với doanh số đạt 5,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2027, với doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 30% thị trường. Theo ước tính từ năm 2021 đến năm 2026, lĩnh vực thời trang và may mặc đạt mức tăng trưởng kép 8,7%, trở thành danh mục sản phẩm bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng này là các mặt hàng thuộc danh mục đồ điện tử.

Một số xu hướng nổi bật của ngành bán lẻ xuất phát từ nhu cầu của người dùng và có tác động trực tiếp tới việc đáp ứng của chuỗi cung ứng:

1.1. Nhu cầu nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá

Trải nghiệm cá nhân hoá vẫn là nhu cầu hàng đầu của người tiêu dùng, với 60% số người được hỏi có xu hướng trở thành khách hàng thân thuộc và quay lại với nhãn hàng sau khi có được các trải nghiệm cá nhân hoá. Để hoàn thiện trải nghiệm cá nhân hoá, doanh nghiệp phải xuất phát từ việc thu thập và phân tích các dữ liệu thu được trên đối tượng khách hàng của mình, nhằm cung cấp và đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng của mình tại từng điểm chạm với những trải nghiệm độc đáo. Nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá, hay xây dựng trải nghiệm “siêu” cá nhân hoá không chỉ tạo ra sự gắn bó cảm xúc với nhãn hàng mà còn mở ra cơ hội biến khách hàng trở thành khách hàng trọn đời, đồng thời được lan toả thương hiệu của mình theo một phương thức uy tín nhất – từ chính khách hàng.

1.2. Tăng trưởng kênh thương mại mạng xã hội

Năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của kênh thương mại mạng xã hội lên đến 53,10 tỷ đô la, tăng 34,4%. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng thêm hơn 20% trong 3 năm tới và đạt 107,17 tỷ đô la vào năm 2025. Đi cùng với sự tăng trưởng bùng nổ này là các thách thức về giới hạn quyền riêng tư và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Trong khi Tiktok đang không ngừng chiếm lĩnh thị trường bằng cách thêm các định dạng quảng cáo, triển khai tính năng cửa hàng, mở rộng hợp tác TalkShopLive phục vụ cho các hoạt động phát sóng trực tiếp, Meta lại gặp khó khăn theo định hướng bán hàng trực tiếp, và chuyển mục tiêu tập trung vào các quảng cáo thương mại. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của Metric, doanh số bán hàng ở tuần thứ 3 tháng 11 năm 2022 (tháng cao điểm khuyến mại của các sàn thương mại điện tử), doanh số của sàn Tiktok đạt hơn 4 triệu lượt bán với tổng doanh số lên hơn 600 tỷ đồng, chỉ đứng sau Shopee (với hơn 22 triệu lượt bán, đạt doanh số 1.900 tỷ), vượt qua sàn TMĐT đứng thứ 2 Việt nam là Lazada về lượt bán hàng.

chuỗi cung ứng ngành bán lẻ
Hình 1: Doanh số bán lẻ thương mại mạng xã hội Hoa Kỳ, 2019 – 2025

1.3. Hoàn thiện trải nghiệm đa kênh

Cùng với sự bùng nổ của các kênh bán hàng mới, nhu cầu nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá, sau đại dịch cũng đánh dấu làn sóng trở lại trải nghiệm các cửa hàng vật lý với dự đoán của Forrester 3/4 tổng doanh thu của ngành bán lẻ nước Mỹ vẫn sẽ được diễn ra trên các kênh mua sắm trực tiếp. Cùng với đó, nhu cầu có được một trải nghiệm xuyên suốt từ việc tìm kiếm trên các kênh trực tuyến, thử hàng tại các kênh trực tiếp… diễn ra một cách thuận lợi trở thành một điều thiết yếu. Người tiêu dùng ngày càng thiếu kiên nhẫn và sẵn sàng từ bỏ việc mua hàng nếu gặp sự cố trong quá trình thanh toán, với tỷ lệ cho vào giỏ hàng bị bỏ rơi chiếm khoảng 70%. Để xây dựng được các trải nghiệm đa kênh suôn sẻ nhất đòi hỏi một sự trau chuốt trong hoạt động của doanh nghiệp từ việc đảm bảo cung cấp các tuỳ chọn đúng yêu cầu, đáp ứng các mặt hàng đúng thời điểm, địa điểm.

2. Đáp ứng nhu cầu không ngừng của ngành bán lẻ bằng tối ưu hoá chuỗi cung ứng

Tối ưu hoá chuỗi cung ứng là yêu cầu tất yếu giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. Việc tối ưu hoá này được thực hiện dựa trên việc kiểm soát các cấu phần cơ bản của chuỗi cung ứng, bao gồm: Lập kế hoạch, Quản lý nguồn cung, Quản lý kho, Vận chuyển và sản xuất, Quản lý trả hàng. Một quy trình kinh doanh được sắp xếp hợp lý sẽ góp phần lớn vào việc mang lại các trải nghiệm khiến cho khách hàng hài lòng, đưa doanh nghiệp đến gần hơn với mục tiêu tối đa hoá tỷ suất lợi nhuận của mình.

Hình 2: Tối ưu hoá chuỗi cung ứng dựa trên việc kiểm soát các cấu phần cơ bản của chuỗi cung ứng

Khách hàng thuộc nhóm ngành bán lẻ có nguồn thông tin đầu vào đa dạng, số lượng điểm chạm tương tác với doanh nghiệp ngày càng gia tăng với các kênh trải nghiệm từ trực tuyến đến trực tiếp. Bên cạnh đó, yêu cầu từ nhóm hàng này cũng được nâng cao không ngừng, với những đòi hỏi về việc có được các sản phẩm và dịch vụ mang tính cá nhân hoá được thiết lập cho mình. Yêu cầu về tốc độ cũng là một trong những khó khăn khi trải nghiệm đa kênh đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhằm đảm bảo cho việc luân chuyển hàng hoá được thực hiện một cách hợp lý trong thời gian ngắn nhất. Để có thể đáp ứng và bắt kịp với các xu hướng của ngành bán lẻ, chuỗi cung ứng cần có những điểm chú ý nào cần thực hiện để có được một hệ thống thành công và bền vững?

2.1. Đảm bảo tính linh hoạt toàn chuỗi

Mô hình chuỗi cung ứng một giải pháp cho tất cả đã không còn phù hợp với thời kỳ hiện tại, thay vào đó các doanh nghiệp cần thiết kế cho mình một chuỗi cung ứng phù hợp bằng việc xác định chính xác các mục tiêu cần đáp ứng. Các mục tiêu được định nghĩa ở đây có thể là về tốc độ, chi phí, hoặc các định hướng đổi mới. Khởi đầu từ việc đáp ứng một mục tiêu và mở rộng dần năng lực chuỗi cung ứng của mình để hoàn thiện toàn bộ các mục tiêu đề ra.

2.2. Xây dựng nền tảng dữ liệu

Dữ liệu là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng hiện đại. Đây là yếu tố bắt buộc cần phải có nhằm đảm bảo cho chuỗi cung ứng có thể phát triển đúng hướng, giúp mang lại hiệu quả lớn trong việc cắt giảm chi phí thông qua các dự báo chính xác về nhu cầu khách hàng, nguồn lực sản xuất, giúp thiết lập một kế hoạch hoàn hảo cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và năng lực vốn có.

Hình 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu chuỗi cung ứng

2.3. Liên kết hoạt động toàn khối bán lẻ – cung ứng

Tăng cường sự giao tiếp liên tục giữa tất cả các khối vận hành liên quan: Lập kế hoạch – Sản xuất – Phân Phối – Bán buôn – Khách hàng – Vận chuyển. Việc thông tin qua lại liên tục giữa các bên giúp đưa ra các điều chỉnh hợp lý liên tục đảm bảo thích ứng với tốc độ thay đổi về nhu cầu của khách hàng, thị trường, giúp xây dựng và tăng tốc phản ứng đảm bảo cho mạng lưới hoạt động hiệu quả.

2.4. Liên tục đánh giá hiệu quả năng suất

Các hoạt động đánh giá đo lường hiệu suất đòi hỏi sự hiểu biết rõ ràng trong các quy trình và cách chúng liên quan đến doanh nghiệp. Các nhóm quy trình bao gồm lập kế hoạch, mua sắm, sản xuất có thể được chia nhỏ nhằm dễ dàng trong việc quản lý đo lường. Sau khi các quy trình được xác định, cần thiết lập các thông số tiêu chuẩn nhằm dễ dàng xác định khu vực phát sinh sự cố nhằm kịp thời giải quyết vấn đề.

Bài đọc nhiều nhất

Internet of Thing 03/10/2023

2.5. Ưu tiên nhu cầu của khách hàng

Trước khi quan tâm đến các vấn đề về quy trình, tài sản, hệ thống và con người, các doanh nghiệp cần đặt mối quan tâm trước tiên của mình vào việc tìm hiểu và nắm bắt các mong đợi của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của mình. Khách hàng ngày nay có nguồn kênh thông tin tiếp cận phong phú với việc phát sinh nhu cầu mọi nơi mọi lúc và yêu cầu tốc độ đáp ứng nhanh nhất có thể. Việc xây dựng chân dung khách hàng chi tiết thông qua các cuộc khảo sát, tìm hiểu chuyên sâu liên tục phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp không gặp phải vấn đề bất ngờ trước những nhu cầu phát sinh của khách hàng.

Hình 4: Các hoạt động khảo sát được tiến hành nhằm thấu hiểu nhu cầu khách hàng

2.6. Đổi mới

Cùng với việc chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó nguy cơ, việc đổi mới cải tiến cũng cần được chú trọng song song với việc phát triển chuỗi cung ứng nhằm tối ưu quy trình hoạt động. ĐIều này đồng nghĩa với việc, các quy trình, giai đoạn của chuỗi cung ứng cần được nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm các tính năng mới liên tục giúp hỗ trợ việc hoàn thiện toàn chuỗi.

Tập trung ưu tiên tối ưu hoá chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị bền vững cho các nhà bán lẻ, giúp tạo ra các trải nghiệm giúp khách hàng hài lòng, mở rộng cộng đồng khách hàng và gia tăng doanh thu. Do đó, tối ưu hoá chuỗi cung ứng chính là một trong những hành động cần thiết nhất giúp tạo nên các tăng trưởng đột phá mang lại lợi thế chiến thắng trên thị trường cho các doanh nghiệp bán lẻ.

 

 

Nguồn tham khảo
1. Miglani, & Kodali. (2022). By 2027, US Online Retail Spending Will Reach $1.6 Trillion.
2. Sabanoglu. (2023). Compound annual growth rate (CAGR) of the global retail sector from 2021 to 2026, by product category.
3. Media. (2023). TikTok shop: Đế chế E-commerce được xây dựng chỉ trong 1 năm. Brandsvietnam.
4. Wolff. (2023). TikTok will drive social commerce growth in 2023. Insiderintelligence.
5. Witcher. (2022). Predictions 2023: Bold Shifts in Retail Models Will Be the Salve for Uncertain Times. Forrester